Cụ thể, Agribank sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2019, hay BIDV sẽ bán vốn cho nước ngoài và phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp có thể bám sát các lĩnh vực trọng tâm khi cơ cấu lại nền kinh tế như tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đổi mới hoạt động của khối đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn M&A Việt Nam 2018. Ảnh: Thanh Thịnh
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo Phó Thủ tướng, nợ xấu đã giảm nhanh, tới tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu là 6,9% và nợ xấu nội bảng chỉ khoảng 2%.
Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xử lý và tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó với các ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn. Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng ngân hàng thương mại nhỏ ở Việt Nam khá nhiều. Trong những năm vừa qua, đã có nhiều ngân hàng đang đi theo xu hướng này.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chuyển giao các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc ở diện kiểm soát đặc biệt như OceanBank, Ngân hàng Xây dựng, GPBank, thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ hạn chế hoặc không cấp giấy phép thành lập thêm các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng cho phép nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và sở hữu 100% vốn nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cơ cấu lại hoạt động của gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan trình phương án cụ thể nhằm giảm bớt, tăng cường năng lực quy mô.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, quá trình này mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư FDI và đầu tư gián tiếp.
Phó Thủ tướng đánh giá, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, khi việc thu hút, giải ngân vốn FDI vẫn diễn ra rất sôi động. Đó là nền tảng tốt cho M&A, năm 2017 mua bán sáp nhập đạt 10,2 tỉ USD. Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp vẫn có mua ròng, không có hiện tượng rút vốn.
Để bảo đảm cho các thương vụ M&A nói riêng và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nói chung diễn ra thuận lợi, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống pháp luật như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và sắp tới là sửa đổi Luật Chứng khoán… nhằm bảo đảm khuôn khổ thể chế kinh tế, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển 5 loại thị trường là: thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường hàng hoá dịch vụ, và đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh.