Loạt “ông lớn” ngành xây dựng bị Thanh tra Chính phủ nêu tên vì tính thiếu giá đất khi cổ phần hóa; 2,53 tỉ USD tháo điểm nghẽn hạ tầng cho “vùng đất chín rồng”; Bất động sản nghỉ dưỡng le lói tín hiệu tươi sáng... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Loạt “ông lớn” ngành xây dựng bị Thanh tra Chính phủ nêu tên vì tính thiếu giá đất khi cổ phần hóa

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra về việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng. Kết luận chỉ ra dấu hiệu vi phạm tại một số công ty lớn như: COMA, Vicem, Licogi, Viwaseen, Viglacera,…

Báo Dân Việt trích dẫn kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, tại một số tổng công ty còn tình trạng nhiều khoản công nợ phải thu, phải trả chưa hoàn thành việc đối chiếu, xác nhận, lên tới hơn 5.690 tỉ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp: Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền khoảng 1.879 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, 10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1,3 triệu m2 đất nhưng trong quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương.

2,53 tỉ USD tháo điểm nghẽn hạ tầng cho “vùng đất chín rồng”

Với các dự án ODA, Thủ tướng nêu rõ hiện còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao. Các dự án này nằm trong danh sách này như: Hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỉ đồng (Vĩnh Long); nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37 km (3.888 tỉ đồng, Hậu Giang); hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền (4.260 tỉ đồng, Đồng Tháp); xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (hơn 2.660 tỉ đồng, An Giang).

Dự án hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng. Dự án Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 9.800 tỉ đồng, gồm các hợp phần: mở rộng 10,2 km quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn - Thới Lai - Giồng Riềng dài 22,5 km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km) tổng kinh phí gần 7.160 tỉ đồng...

Bất động sản nghỉ dưỡng le lói tín hiệu tươi sáng

Đối với condotel (căn hộ nghỉ dưỡng), nguồn cung tăng mạnh so với quý trước nhưng vẫn còn ở mức thấp, chỉ tương đương 39% so với cùng kỳ. Những thông tin khả quan của Chính phủ về quy định cấp sổ hồng cho condotel được xem là một cú hích tâm lý, giúp các chủ cầu tư được tiếp thêm động lực cũng như góp phần giúp phân khúc condotel bắt đầu có những tín hiệu tích cực.

Quý 2 vừa qua có 122 căn condotel được tiêu thụ, nhiều hơn 20 lần so với quý 1, nhưng vẫn thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ cũng lên tới 32%, vượt trội so với con số chỉ 3% của quý 1. Phần lớn lượng giao dịch trong quý tập trung vào những dự án có pháp lý hoàn thiện, được ngân hàng bảo lãnh và được vận hành bởi các đơn vị quốc tế 4-5 sao.

Cận cảnh đoạn Vành đai 2 TP.HCM hơn 2.700 tỉ sắp tái khởi động

Đoạn 3 thuộc Vành đai 2 đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 2,7km. Đây là dự án triển khai theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT), tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Bác Ái làm chủ đầu tư, khởi công vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, khi tổng khối lượng dự án đạt khoảng 44% thì dự án tạm ngừng thi công. Nguyên nhân là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Hiện tại vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa bàn giao đất. Theo UBND TP.Thủ Đức, đến nay dự án đã bồi thường, hỗ trợ được 442/467 trường hợp, đạt tỷ lệ hơn 94,6%. Hiện còn thiếu gần 97 tỉ đồng để hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng. UBND TP.HCM vừa qua đã giao Sở Tài chính trong quý 2 này đề xuất hướng bố trí vốn dứt điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số trường hợp tồn đọng.

  • Bất động sản 24h: Đồng Nai sắp có thêm 7 tuyến đường tỉnh

    Bất động sản 24h: Đồng Nai sắp có thêm 7 tuyến đường tỉnh

    Đồng Nai sẽ xây thêm 7 tuyến đường tỉnh kết nối với các dự án giao thông liên vùng; Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn nữa; Loạt dự án hạ tầng nghìn tỉ chờ “đánh thức” nhờ cơ chế mới... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.