Tổng công ty Licogi tính toán chưa đầy đủ, chính xác khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa
Nguy cơ thất thoát hàng ngàn tỉ đồng vốn Nhà nước
Báo Dân Việt trích dẫn kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, tại một số tổng công ty còn tình trạng nhiều khoản công nợ phải thu, phải trả chưa hoàn thành việc đối chiếu, xác nhận, lên tới hơn 5.690 tỉ đồng.
Theo đó, các doanh nghiệp: Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền khoảng 1.879 tỉ đồng.
Cụ thể, Licogi tính thiếu khoảng 348 tỉ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt; Viwaseen tính thiếu 23,8 tỉ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6; Vicem khi xác định giá trị doanh nghiệp đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền khai thác khoáng sản các mỏ đá vôi, đất sét khoảng 1.507 tỉ đồng.
Trong quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỉ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam được nhắc đến do có khoản tiền 3.000 tỉ đồng thu nộp chưa đúng quy định
Việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty có nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài nhưng các tổng công ty không có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Các doanh nghiệp: Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty Vicem, Tổng công ty Viglacera có khoản đầu tư lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019 khoảng 4.817 tỉ đồng. Một số tổng công ty dù thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng vẫn còn các khoản đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ với số tiền khoảng 147 tỉ đồng.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, 10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1,3 triệu m2 đất nhưng trong quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương.
Cùng với đó, nhiều tổng công ty không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu đất đai theo đề nghị của địa phương. Một số địa phương nhận được văn bản đề nghị của Bộ Xây dựng và các tổng công ty nhưng chưa có văn bản tham gia ý kiến về phương án sử dụng đất, chưa phê duyệt giá đất để xác định giá trị tài sản đất đai phục vụ định giá doanh nghiệp.
Kiến nghị chuyển 2 vụ vi phạm sang Bộ Công an
Ghi nhận của Dân Trí, trong kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định 2 vụ việc liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen).
Vụ thứ nhất, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137m2 có dấu hiệu vi phạm quản lý, sử dụng đất đai.
TTCP xác định Viwaseen có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thoái vốn đầu tư tại các công ty con
Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Viwaseen tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Viwaseen - Huế, có dấu hiệu vi phạm điều 219, Bộ luật Hình sự 2015. Kết luận thanh tra đã chỉ ra việc Viwaseen thoái toàn bộ vốn tại Công ty Viwaseen - Huế là không đúng với đề án tái cơ cấu tổng công ty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Việc Tổng công ty Viwaseen phê duyệt cho Viwaseen Huế bán chuyển nhượng cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai không bảo đảm nguyên tắc thị trường, vi phạm quyết định 929 năm 2012 của Thủ tướng, nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, trong khi ở thời điểm cổ phần hóa, Viwaseen Huế đang sở hữu nhiều lợi thế kinh doanh như sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao ở trung tâm thành phố; chủ đầu tư dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Nguyễn Tri Phương, thành phố Huế; có dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà…
Theo kết luận thanh tra, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo định giá của tư vấn ở thời điểm cổ phần hóa là 13.314 đồng/cổ phiếu, vì thế chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu Viwaseen Huế với mức giá tư vấn định giá được cơ quan thanh tra tạm tính khoảng 7 tỉ đồng, có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, phải được xử lý theo quy định.
-
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên nói gì về tình trạng “núp bóng” trang trại làm điện mặt trời?
Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 21 trang trại có đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, hạng mục này không nằm trong chủ trương đầu tư được phê duyệt, nhưng lại là hạng mục chính của trang trại.
-
Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của công ty xi măng lớn nhất Việt Nam nguy cơ mất vốn
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn, khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.
-
Vi phạm hành chính về thuế, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ bị tạm giữ hơn 2 tỉ đồng
Với hành vi vi phạm hành chính thuế, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ vừa bị Thanh tra Bộ Tài chính tạm giữ số tiền 2,08 tỉ đồng phát hiện qua thanh tra tài chính.
-
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC sẽ bị thanh tra toàn diện trong 30 ngày
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC. Thời gian thanh tra là 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra....