Đồng Nai sẽ xây thêm 7 tuyến đường tỉnh kết nối với các dự án giao thông liên vùng; Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn nữa; Loạt dự án hạ tầng nghìn tỉ chờ “đánh thức” nhờ cơ chế mới... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Đồng Nai sẽ xây thêm 7 tuyến đường tỉnh kết nối với các dự án giao thông liên vùng

Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng các tuyến đường tỉnh: trong giai đoạn đến năm 2030, Đồng Nai đặt mục tiêu đầu tư xây dựng thêm 7 tuyến đường tỉnh gồm: 769G (đường liên cảng Nhơn Trạch); 771E (đường Vành đai 3 - TP.HCM nối dài); 769F (đường nối TP.Thủ Đức - Nhơn Trạch); 771C (đường kết nối vào Cảng Phước An); 777C (đường vận chuyển vật liệu xây dựng); 768C (đường vành đai TP. Biên Hòa) và 771D (đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải).

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả và lan tỏa động lực phát triển của sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, đường vành đai, tỉnh phải đầu tư được hệ thống đường tỉnh kết nối. Việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường tỉnh là yêu cầu cấp bách để kết nối các địa phương với các trục giao thông chính của quốc gia cũng như sân bay Long Thành. Từ đó, lan tỏa động lực phát triển từ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời hơn nữa

Hiệp hội và các doanh nghiệp SME đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp SME phát triển.

Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội SME, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ, nỗ lực để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…); tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (theo các Nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của Chính phủ); đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ); đã thành lập 26 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương, đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.

TP.HCM: Loạt dự án hạ tầng nghìn tỉ chờ “đánh thức” nhờ cơ chế mới

Nghị quyết 98 của Quốc hội “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM”, trong đó có cho phép làm dự án BOT trên đường hiện hữu, BT trả chậm sẽ giúp “cởi trói” cho nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn thành phố được sớm khởi động. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nghị quyết 98 sẽ tháo gỡ một số dự án BT ký hợp đồng trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực.

Đối với các dự án mới, thành phố đang lập đề xuất một số dự án BT thanh toán bằng tiền (trả chậm), BOT trên trục đường chính đô thị, đường trên cao như mở rộng quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, quốc lộ 13… Thành phố sẽ chủ động cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng trên địa bàn như cầu đường Nguyễn Khoái, Thủ Thiêm 4, Vành đai 2, Vành đai 4, cầu Cần Giờ. Với cơ chế mới, hi vọng trong thời gian tới, những dự án hạ tầng đang ngưng trệ sẽ được tái khởi công, những dự án mới cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nghịch lý nhà liền thổ tại Hà Nội: sức mua giảm, giá vẫn tăng, đạt gần 200 triệu/m2

Tổng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất mới tại Hà Nội trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 1.400 căn, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay duy trì ở mức thấp với chỉ 1.671 căn ghi nhận đã bán, con số này chỉ bằng 1/5 số căn bán được trong nửa đầu năm ngoái. Trong quý 2.2023, phần lớn số căn bán được đến từ các dự án đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội.

Về giá bán, mặc dù tỷ lệ hấp thụ chậm nhưng giá bán sơ cấp nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội ghi nhận mức tăng 8% so với quý trước và đạt gần 195 triệu đồng/m2. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh tăng giá bán sơ cấp của các dự án tại Hưng Yên và sự khác biệt về vị trí cũng như loại hình sản phẩm của các dự án chào bán trong quý này so với quý trước.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.