26/02/2024 5:23 PM
Thông tin mới về dự án “siêu cảng” 50.000 tỉ đồng sẽ được xây dựng ở vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long; Tiến độ triển khai các dự án bất động sản lớn tại Miền Trung - Tây Nguyên; WB sẽ tài trợ vốn cho loạt dự án đường sắt, cao tốc của Việt Nam... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Thông tin mới về dự án “siêu cảng” 50.000 tỉ đồng sẽ được xây dựng ở vị trí cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5. Trần Đề được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỉ đồng.

Tiến độ triển khai các dự án bất động sản lớn tại Miền Trung - Tây Nguyên đang ra sao?

Nhiều địa phương như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi,… hiện đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản có quy mô lớn đã được chấp thuận nhà đầu tư trong năm 2023.

Tại Khánh Hòa, Liên danh Công ty Cổ phần Vinhomes, Công ty Cổ phần Đầu tư Cam Ranh và Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng Vines đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh hơn 85.000 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa ban hành quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, TP. Cam Ranh - Khu 2; phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, TP. Cam Ranh - Khu 3.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận Công ty Cổ phần Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.756 tỷ đồng.

WB sẽ tài trợ vốn cho loạt dự án đường sắt, cao tốc của Việt Nam?

Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) mới đây đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông của Việt Nam. Theo dự kiến, trong tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch WB và sẽ công bố Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và WB trong 3-4 năm sắp tới, trong đó nổi bật nhất về giao thông.

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, đại diện WB mong muốn được làm rõ thêm nhiều thông tin liên quan đến các dự án ưu tiên đang chuẩn bị đầu tư mà WB quan tâm tài trợ vốn, bao gồm 4 dự án: Cải thiện an toàn giao thông đường sắt; Đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội; Đường sắt TP HCM - Cần Thơ; đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 để dự kiến đưa vào Chương trình hợp tác.

Hai bên cũng đã trao đổi thông tin chi tiết về các dự án: Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; Trung tâm điều hành đường cao tốc, các hành lang đường thủy phía Nam.

Bộ GTVT cho biết sẽ gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó nêu rõ danh mục 04 dự án ưu tiên, đề cập tính cần thiết về mặt hỗ trợ kỹ thuật, bản tóm tắt thông tin về các dự án này.

Đề xuất tạm sử dụng rừng để thi công đường dây tải điện dài hơn 500km, vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng

Dự thảo Nghị định này quy định về tạm sử dụng rừng, phục hồi rừng sau khi tạm sử dụng để thực hiện hạng mục công trình tạm phục vụ thi công các dự án nguồn điện và lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo quy định các dự án nguồn, lưới điện chỉ được tạm sử dụng rừng trong trường hợp dự án bắt buộc phải sử dụng trên diện tích có rừng do không thể bố trí trên diện tích đất khác. Phương án sử dụng cũng phải hạn chế diện tích tạm sử dụng rừng để thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện. Diện tích tạm sử dụng phải được điều tra, đánh giá về hiện trạng diện tích, trữ lượng.

Với các khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm sẽ không được sử dụng để thi công tạm. Sau khi thi công xong, rừng phải được phục hồi ngay trong mùa vụ trồng rừng gần nhất nhưng không quá 12 tháng.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.