Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tài trợ vốn cho loạt dự án hạ tầng quan trọng sắp triển khai ở Việt Nam. Nổi bật trong số này có đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, đường sắt vành đai phía Đông Tp. Hà Nội, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu…

WB sẽ tài trợ vốn cho nhiều dự án đường sắt, cao tốc của Việt Nam

Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) mới đây đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Theo dự kiến, trong tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch WB và sẽ công bố Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và WB trong 3-4 năm sắp tới, trong đó nổi bật nhất về giao thông.

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, đại diện WB mong muốn được làm rõ thêm nhiều thông tin liên quan đến các dự án ưu tiên đang chuẩn bị đầu tư mà WB quan tâm tài trợ vốn, bao gồm 4 dự án: Cải thiện an toàn giao thông đường sắt; Đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội; Đường sắt TP HCM - Cần Thơ; đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 để dự kiến đưa vào Chương trình hợp tác.

Hai bên cũng đã trao đổi thông tin chi tiết về các dự án: Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; Trung tâm điều hành đường cao tốc, các hành lang đường thủy phía Nam.

Bộ GTVT cho biết sẽ gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó nêu rõ danh mục 04 dự án ưu tiên, đề cập tính cần thiết về mặt hỗ trợ kỹ thuật, bản tóm tắt thông tin về các dự án này.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị WB hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường năng lực cho các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đường sắt như tổ chức bộ máy, kinh nghiệm quản lý an toàn đường sắt, trong đó gồm đường sắt tốc độ cao, giải pháp tích hợp các hệ thống thông tin đường sắt.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là một trong số 9 tuyến đường sắt được quy hoạch mới.

Tuyến đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, chiều dài khoảng 59 km, được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ có điểm đầu tại Ga An Bình thuộc phường An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn thiện toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 175,2km theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa. Trên tuyến dự kiến bố trí 19 ga và 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.

Tổng mức đầu tư của dự án theo tính toán sơ bộ vào khoảng 205.085 tỉ đồng (khoảng 8.57 tỉ USD).

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 65 km, điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỉ đồng, theo phương thức PPP.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.