Hình minh họa
Sẽ làm 6 hầm chui hoặc cầu vượt tại các nút giao trọng điểm của tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn
TP.HCM chính thức chọn phương án đầu tư hoàn thiện đoạn đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km, trùng với tuyến Vành đai 3 TP.HCM, theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Đây là đoạn đường huyết mạch nối Bình Dương với TP.HCM, hiện đã có 6 làn xe và được đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đang đối mặt với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện ngày càng tăng.
Cụ thể, đoạn 15,3km được đầu tư bắt đầu từ khu du lịch Thủy Châu (giao đường ĐT743A) và kết thúc tại nút giao Bình Chuẩn. Trên đoạn này, các nút giao cắt quan trọng với đường ngang sẽ được ưu tiên làm cầu vượt hoặc hầm chui, mặt cắt ngang mỗi cầu/hầm rộng từ 2 đến 4 làn xe. Đồng thời, các hạng mục phụ trợ như đường gom, vỉa hè, thoát nước… cũng sẽ được đầu tư đồng bộ.
Đoạn đường 15,3km này không chỉ là một phần trùng với dự án Vành đai 3 mà còn đóng vai trò "xương sống giao thông" của Bình Dương, khi kết nối loạt khu công nghiệp lớn như Mỹ Phước, VSIP, Sóng Thần… đến TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng lớn ở khu Đông.
Được biết, toàn tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn có chiều dài gần 64km, do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, kết nối từ huyện Bến Cát (Bình Dương) đến TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Tuyến đường này có tính chất giao thông – logistics – công nghiệp và hiện đang gánh chịu áp lực rất lớn từ lượng xe tải, xe container ra vào hàng ngày.
Thông tin mới về dự án xây đường trên cao dọc Quốc lộ 51 ở Đồng Nai
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà đã ký ban hành Văn bản số 8524/UBND-KTN về việc chấp thuận nhà đầu tư hồ sơ lập đề xuất dự án đường trên cao dọc Quốc lộ 51 từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao đường Võ Nguyên Giáp với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, sau khi xem xét đề nghị của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận giao liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM; Công ty TNHH MTV Dịch vụ hạ tầng CII; Công ty CP Xây dựng hạ tầng IMIC; Công ty CP Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (liên danh CII - CII Service - IMIC - FIDECO) là nhà đầu tư lập đề xuất dự án đường trên cao dọc Quốc lộ 51 theo phương thức PPP.
Thời gian nộp hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến hết tháng 7/2025. Cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ là Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai.
Theo tỉnh Đồng Nai, nhà đầu tư đề xuất chuẩn bị dự án chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận. Liên danh nhà đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và các quy định khác có liên quan để trình thẩm định theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở Tài chính chủ trì, hướng dẫn liên danh nhà đầu tư hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Kế hoạch về nâng cấp cảng biển lớn nhất miền Bắc với 4 bến container khủng trị giá gần 25.000 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa hoàn tất thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng các bến container số 9, 10, 11 và 12 tại khu bến Lạch Huyện, Hải Phòng. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 24.846 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ là cú hích lớn cho hạ tầng cảng biển và logistics của khu vực Bắc Bộ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại văn bản số 269/BC-BTC, dự án xây dựng 4 bến container này là một trong những phần việc trọng điểm trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
Cụ thể, các bến số 9 đến 12 có tổng chiều dài 1.800m (450m mỗi bến), đủ sức tiếp nhận tàu container siêu lớn từ 12.000 đến 18.000 TEU và bến sà lan dài 400m cho vận tải nội địa. Bên cạnh đó là hệ thống kho bãi, xưởng sửa chữa, công trình phụ trợ, giao thông nội bộ và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.
Bắc Ninh đón gần 2,8 tỷ USD vốn FDI, loạt siêu đô thị tỷ đô ồ ạt đổ bộ
Nửa đầu năm 2025, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế là “thỏi nam châm” hút dòng vốn ngoại khi thu hút gần 2,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế đến nay, Bắc Ninh có 2.569 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn đạt hơn 31,8 tỷ USD. Đáng chú ý, địa phương này đã thu hút và phê duyệt chủ trương đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn trong nửa đầu năm, bao gồm nhiều khu đô thị và tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong đó, có thể kể đến: Khu đô thị mới phía Tây Bắc TP Bắc Ninh do CTCP Đầu tư King’s Land làm chủ đầu tư, với quy mô 17.341 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại xã Liên Bão, huyện Tiên Du do Sun Group đầu tư; Khu đô thị du lịch – sinh thái – văn hóa tại Tiên Du (Tiểu khu 112.1) được đầu tư bởi Công ty TNHH Tây Hà Nội với tổng vốn 19.714 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt các dự án đáng chú ý như Khu đô thị mới kết hợp trung tâm huấn luyện bóng đá của liên danh CTCP BĐS Thể thao – Gió Xanh – Toàn Cầu Việt Thái (quy mô 8.157 tỷ đồng); Khu đô thị mới tại phường Hương Mạc và Phù Khê, TP Từ Sơn do liên danh Taseco – HNG Holdings đầu tư (2.501 tỷ đồng).
-
Hải Phòng mới sắp đầu tư thêm khu công nghiệp gần 3.400 tỷ đồng; Lãnh đạo tỉnh Bình Định “chốt” thời điểm hoàn thành loạt dự án nhà ở xã hội; Đề xuất phương án thu phí 13 tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
-
Bất động sản 24h: Khởi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Đà Lạt
Sắp tới, người dân đi TP.HCM đến Đà Lạt chỉ mất 3 giờ đồng hồ khi tuyến cao tốc này hoàn thành; Bình Định sắp có thêm 2 cụm công nghiệp 115ha; Bình Dương thông qua dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trước giờ hợp nhất với TP.HCM... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.
-
Chính thức thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường dài nhất Đông Nam Bộ; Hải Phòng sẽ có Khu thương mại tự do, được trao quyền tự thu hồi đất làm trung tâm logistics quy mô trên 50ha; Hơn 65.000 tỷ đồng làm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu







