02/02/2020 7:14 PM
Sang năm Canh Tý 2020, thị trường bất động sản sẽ phát triển như thế nào, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức nào, thị trường bao giờ trở lại “bình thường"… là những câu hỏi đặt ra. Dân trí đã ghi nhận một số dự báo thị trường từ phía các chuyên gia...

Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản:

"Nguồn cung, lượng giao dịch đất nền giảm"

-Tôi cho rằng thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng. Đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nguồn cung bất động sản nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%.

Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt đối với phân khúc giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%.

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau diễn biến từ vụ việc của Alibaba, công tác chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua bán bất động sản đất nền. Dự báo nguồn cung, lượng giao dịch phân khúc này giảm.

Với thị trường bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Kiên Giang… dự báo thị trường tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017 - 2018.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

"Thị trường bất động sản Việt Nam đối diện 5 thách thức"

-Theo tôi, có 5 cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới: Thứ nhất, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực.

Ba là, dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn.

Thứ tư là, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn.

Thứ năm là, sự chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ đó tổng đầu tư hạ tầng đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua cả khối các nền kinh tế Đông Á, vốn nổi tiếng với mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao.

Cơ hội là vậy nhưng thị trường bất động sản Việt Nam cũng đối diện với không ít thách thức.

Một là, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả…

Hai là, những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm.

Ba là, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt.

Thứ tư là, gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến. Nhiều nơi diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.

Việc phân lô bán nền không giải quyết được được sự tích đọng cho quy mô của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lệch lạc về quy hoạch cũng như gây ra ách tắc giao thông, gây ra sự lộn xộn lớn cho bộ mặt đô thị.

Năm là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường. Theo đó, ở thị trường bất động sản Việt Nam, tính minh bạch thông tin chưa cao đã gây cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA):

"Thị trường phục hồi có thể sẽ từ quý 3/2020"

-Với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Thành phố, có thể từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.

Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.

Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức.

Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 01-02 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.

Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

"Thị trường sẽ “bình thường" vào cuối năm 2020"

Năm 2020, các nhân tố tác động tới thị trường bất động sản được đánh giá là tích cực. Về thị trường tài chính - tiền tệ, 3 năm nay hệ thống ngân hàng khá ổn định, năng lực tài chính khối ngân hàng thương mại tăng gấp đôi trước mức khủng hoảng năm 2017.

Chúng ta cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, vì đây là dòng vốn dài hạn, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng và bất động sản có thể tồn tại được với nhau một cách ổn định. Tất nhiên là ngân hàng phải có sự giám sát chặt chẽ.

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thắt chặt nhưng mức độ thắt chặt còn khá lỏng. chúng tôi đã khuyến cáo Chính phủ về việc kiểm soát thị trường tài chính với thị trường bất động sản cần thận trọng, không để thị trường đóng băng, phải phát triển ổn định và dài hạn.

Chúng ta đã thực hiện nhiều phép thử và chưa thấy có đóng băng nhưng chắc chắn sẽ có vài biến chuyển có tính chất liên quan tới trục trặc gần đây như condotel và có thể sẽ có một số điều chỉnh khác...

Do vậy, từ giờ đến cuối năm 2020 thị trường sẽ hơi trầm lắng. Xét về tổng thể thị trường bất động sản năm 2020, cầu có thể tăng, giá cũng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại "bình thường", mức độ phục hồi đều đặn như những năm gần đây.

Nguyễn Mạnh (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.