05/11/2021 2:03 PM
Hiện nay, trên thị trường có tình trạng lợi dụng thông tin quy hoạch để đẩy sóng bất động sản. Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư “ôm hận” bởi những thông tin không rõ ràng.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội xuất hiện tình trạng sốt giá ở một số khu vực có thông tin quy hoạch.


Bất động sản chỉ tăng khi có đầu tư thật

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội xuất hiện tình trạng sốt giá ở một số khu vực có thông tin quy hoạch.

KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chung và phê duyệt một số dự án quy hoạch phân khu, đặc biệt là phân khu đô thị sông Hồng.

Ngoài ra, thông tin chuẩn bị xây dựng một loạt cây cầu mới trên sông Hồng đoạn 40km chảy qua Hà Nội, trong đó có cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2 hay hoàn thành Vành đai 3, xây dựng Vành đai 4 và các đường trục kết nối trung tâm với các quận, huyện của Hà Nội,… đã tạo tiền đề cho các huyện như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh... khi lên thành phố.

Ngoài các công trình lớn mang tầm quốc tế như sân bay Nội Bài, nhiều dự án khu đô thị mới, trung tâm văn hóa, triển lãm, công viên lớn, các cụm công nghiệp trọng điểm cũng bắt đầu khởi công, thực hiện trên địa bàn ba huyện này.

Điều này đã tạo niềm tin cho nhiều người vào kế hoạch phát triển của Hà Nội trong tương lai, gây hiệu ứng tốt trong xã hội.

Song, đó cũng là nguyên nhân để các nhà đầu cơ vốn rất nhanh nhạy với thị trường tìm đến và tạo nên "cơn sốt" nhà đất, nhất là ở những nơi có các dự án lớn và gần các đường giao thông chính nằm trong quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), cho rằng những thông tin quy hoạch gần đây thực ra chỉ là hoạt động nhắc lại kế hoạch của chính quyền UBND và HĐND TP. Hà Nội để tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Trước đó, khi có thông tin quy hoạch, thị trường bất động sản các vùng như Thạch Thất, Mê Linh đã “sốt nóng” và tăng giá rất mạnh, nhưng sau đó lại “vụt tắt”, rớt giá và thậm chí tụt về giá “âm”.

Theo ông Đính, thực tế, bất động sản chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư thật. Khi người dân về sinh sống ở thực nên các vùng ven, huyện ngoại thành muốn thành, muốn lên thành phố phải được đầu tư để tạo ra hệ thống hạ tầng là đô thị, là thành phố. Ít nhất các vùng phải có hệ thống đường xá, kỹ thuật, hạ tầng về văn hóa – xã hội, dịch vụ, thương mại, thể thao, vui chơi – giải trí,…thì lúc đó mới tạo ra giá trị bất động sản thực, đô thị thực.

“Trong khi đó, hiện tại các vùng này chỉ có thông tin vài ba hoạt động đầu tư, một vài dự án”, ông Đính cho biết.

Dẫn chứng thêm, ông Đính cho biết, khu vực Hoài Đức (Hà Nội) đã từng bùng lên “sốt đất" khi có thông tin lên quận nhưng cuối cùng chỉ loanh quanh có mấy khu dân cư nhỏ chứ chưa tạo ra khu vực có giá trị sống cao theo đúng nghĩa thành phố hiện đại, thông minh. Hay Mê Linh chỉ có ít khu đất đã san nền cấy thêm vài con đường nhỏ, không có sự sống nên giá trị bất động sản, giá giao dịch sẽ bị tụt xuống.

Theo Chủ tịch VaRS, những nhà đầu tư khi xuống tiền mua bất động sản ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, phải tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

Do đó, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.

Để tránh ôm hận trước những thông tin quy hoạch không rõ ràng, ông Đính cho rằng, nhà đầu tư phải xem xét quy hoạch cụ thể; các dự án phải đúng quy định pháp luật; được phê duyệt; có pháp lý đầy đủ, rõ ràng; giá cả tăng theo đúng tính chất của thị trường theo hướng nơi nào có sự đầu tư mạnh mẽ vào thì nó sẽ tăng giá theo tỉ trọng chứ không tăng theo thông tin “hơi”, quy hoạch "hơi".

“Hiện nay tôi cũng đồng ý rằng có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy “sóng” thị trường và những điều đó không phải là sự thật”, ông Đính nhấn mạnh.

Cách nào để chặn sốt đất “ăn theo” quy hoạch?

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, để ngăn chặn hiện tượng sốt đất ăn theo thông tin quy hoạch, chính quyền cần công khai thông tin quy hoạch một cách minh bạch với người dân và có định hướng thông tin để người dân biết. “Nếu không, các cơn sốt đất sẽ xảy ra gây bất ổn kinh tế xã hội ở địa phương, và người bị thiệt hại nhất là người mua. Bởi sốt ảo nhưng tiền thật!”, ông Tùng cho hay.

Về phía người dân, cần hiểu rõ, đây chỉ là quy hoạch điều chỉnh, là chủ trương của Nhà nước. Còn khi triển khai thực hiện phải qua nhiều bước quy hoạch tiếp theo, như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… lúc đó mới biết nơi nào là dự án nhà ở, nơi nào là công viên, là đường, là trường học, nơi nào phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án công cộng của thành phố… vì thế người dân phải tỉnh táo khi đầu tư vào nơi mà chưa biết hình hài cụ thể của đô thị ra sao trong mười, ba mươi năm nữa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng, người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch chứ không chạy theo tâm lý đám đông. Bởi lúc cơn sốt đất đi qua, người chịu thiệt nhất chính là người dân.

Để tìm hiểu thông tin quy hoạch, người dân có thể lên mạng vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra, hoặc có thể đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định.

Trước đó, vào hồi tháng 3, để ngăn chặn cơn “sốt đất”, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.