13/12/2023 3:51 PM
Trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp tháng 12/2023, công ty chứng khoán Shinhan Securities cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu nhộn nhịp hơn trong nửa cuối năm 2023. Lĩnh vực bất động sản và ngân hàng vẫn tiếp tục chiếm phần lớn giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường Việt Nam tính tới thời điểm 25/11/2023. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất phát hành đã có điều chỉnh giảm so với mức cao của nửa đầu năm 2023.

Ảnh minh hoạ.

Trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành

Tại thời điểm cập nhật vào cuối ngày 25/11/2023 trên trang công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị trái phiếu lưu hành được Shinhan Securities ước tính vào khoảng 910,9 nghìn tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã gia hạn thành công ngày đáo hạn trái phiếu thêm 24 tháng. Do vậy, giá trị trái phiếu đang lưu hành đáo hạn tập trung được đẩy sang giai đoạn 2024-2025, ước tính vào khoảng 487,5 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 53,5% tổng giá trị trái phiếu toàn thị
trường).

Trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chưa nhanh như kỳ vọng, rủi ro liên quan tới trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 vẫn sẽ là vấn đề cần được theo dõi trong thời gian tới, theo Shinhan Securities.

Trong cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường, nhóm bất động sản dẫn đầu với tỷ trọng trên 36,5%, theo sau là tổ chức tín dụng, chiếm hơn 36,1%. Nhóm sản xuất và thương mại dịch vụ chiếm quanh mức 7%.

Trong nhóm 20 tổ chức phát hành có tổng giá trị trái phiếu lớn nhất thị trường là những cái tên ngân hàng lớn như VPB, HDB, VIB, MBB... Các nhà phát triển bất động sản có sự góp mặt của CTCP Tập đoàn Địa ốc No va, Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty TNHH Capitaland Tower, CTCP dịch vụ thương mại và đầu tư Horizon, CTCP Tập đoàn Sovico... Các nhóm ngành sản xuất, thương mại dịch vụ có CTCP sản xuất và kinh doanh VinFast, CTCP Hàng không Vietjet, CTCP Tập đoàn Trường Hải.

Ngoài ra, nhóm Trung Nam Group có tổng trái phiếu đang lưu hành ở mức gần 25.000 nghìn tỷ đồng, phát hành thông qua các công ty thành viên trong tập đoàn. Trong tháng 10, một công ty thành viên của Trung Nam Group đã phát hành thành công thêm 2.230 tỷ đồng.

Nhóm bất động sản với tỷ trọng trái phiếu lưu hành trên 36% là nhóm gặp nhiều áp lực trong thời gian qua do thị trường bất động sản có diễn biến bất lợi. Theo ước tính của Shinhan Securities có khoảng 179 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2024-2025, chiếm hơn 52% tổng giá trị trái phiếu bất động sản. Mức lãi suất phát hành của nhóm trái phiếu này đã có dấu hiệu giảm, trung bình lãi suất phát hành các trái phiếu bất động sản đang lưu hành đạt 10,54%.

Hoạt động phát hành năm 2023

Hoạt động phát hành trái phiếu đã diễn biến sôi động trong nửa cuối năm 2023, tổng giá trị phát hành lũy kế tính tới ngày 25/11/2023 đạt hơn 213 nghìn tỷ đồng (cao hơn mức 39 nghìn tỷ đồng nửa đầu năm, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2022). Hoạt động phát hành nổi bật ở nhóm tổ chức tín dụng ở khoảng thời gian này, đạt lũy kế hơn 97 nghìn tỷ đồng.

Trong nửa cuối năm 2023, khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm từ 34% về 30%, nhiều tổ chức tín dụng như đã tích cực phát hành trái phiếu để cải thiện vốn trung và dài hạn của mình. Nhóm bất động sản cũng đã cho thấy sự cải thiện về mặt phát hành khi nhiều doanh nghiệp đã phát hành thành công lô trái phiếu của mình, lũy kế đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng. Nhóm tổ chức tín dụng và bất động sản chiếm tổng cộng gần 83,4% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cho cả năm 2023.

Lãi suất phát hành đã quay đầu giảm ở các lô phát hành nửa cuối năm 2023, nhóm bất động sản có mức lãi suất phát hành bình quân cả năm giảm về mức 10,3% (giảm so với 12,06% nửa đầu năm), tổ chức tín dụng bình quân ở mức 7,07% (giảm so với mức 8,07% nửa đầu năm), các nhóm ngành khác có mức lãi suất bình quân quanh mức 10%.

Kỳ hạn trung bình của các trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm đạt trung bình 4,7 năm, tăng so với mức 3,72 trong nửa đầu năm 2023. Sự cải thiện này có sự đóng góp từ hoạt động phát hành của nhóm tổ chức tín dụng, với kỳ hạn thông thường cao hơn các nhóm ngành khác.

Về hoạt động mua lại trái phiếu, nhóm tổ chức tín dụng trong năm 2023 có hoạt động mua lại trái phiếu tích cực nhất (chiếm khoảng 48,5% giá trị trái phiếu mua lại). Việc mua lại trước hạn trái phiếu là hoạt động tương đối thường kỳ của nhóm ngân hàng nhằm tái cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu nhằm đảm bảo hệ số an toàn vốn và tỷ lệ sử dụng vốn ở mức tốt. Ngoài ra, với lãi suất đang có xu hướng giảm, các ngân hàng cũng có thêm động lực để mua lại trước hạn các khoản trái phiếu của mình để giảm chi phí vốn.

Về tình hình chậm trả nghĩa vụ tài chính, theo thống kê của chúng tôi dựa vào công bố thông tin của doanh nghiệp, giá trị trái phiếu doanh nghiệp nhóm này chiếm khoảng 14,7% tổng giá trị TPDN lưu hành trên thị trường. Với khoảng hơn 79% giá trị trái phiếu chậm trả đến từ nhóm bất động sản.

Sau khi nghị định 08 có hiệu lực, theo ước tính của chúng tôi tính đến thời điểm 25/11/2023 đã có tới hơn 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu được gia hạn thành công (tăng so với mức 39 nghìn tỷ đồng vào nửa đầu năm), tập trung phần lớn vào các trái phiếu bất động sản.

Trong nửa cuối năm 2023, nhóm công ty Sovico gây chú ý khi đã gia hạn thành công toàn bộ các lô trái phiếu của mình thêm 24 tháng.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.