Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) mới có 2/40 tòa nhà có Ban quản trị
Danh không chính, ngôn khó thuận
Theo quy định của pháp luật, khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Hội nghị này sẽ bầu ra Ban quản trị và thông qua bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư. Rõ ràng, trách nhiệm thành lập Ban quản trị nhà chung cư thuộc về chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã. Dù mô hình nhà chung cư đã tồn tại ở Hà Nội 16-17 năm, song tới nay, có tới 80% số tòa nhà vẫn chưa có Ban quản trị.
Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô (609 Trương Định - quận Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, tòa nhà Nam Đô hiện có khoảng 500 hộ dân về ở, tương đương gần 2.000 người. Tòa nhà tới nay đã vận hành gần tròn 1 năm nhưng chưa có Ban quản trị. Ông Võ Thanh Sơn nói: “Chúng tôi đã có kiến nghị với chủ đầu tư về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của người dân là phải thành lập được Ban quản trị nhà chung cư để chính danh ngôn thuận hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người dân. Vừa qua, tại khu chung cư Nam Đô đã xảy ra một số tranh chấp giữa các hộ dân và chủ đầu tư, nhất là vấn đề nước sạch sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tuy nhiên, do chưa có Ban quản trị nhà chung cư nên người dân phải làm việc với chủ đầu tư qua hình thức Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt hơn để yêu cầu chủ đầu tư sớm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu...”.
Ông Trần Ngọc Long - Trưởng Ban đại diện dân cư chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Khu chung cư M3, M4 đưa vào khai thác từ cuối năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có Ban quản trị. Chúng tôi đã gửi rất nhiều kiến nghị về vấn đề này nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hồi âm”. Tương tự, hiện nay, hàng loạt tòa nhà khu vực Trung Hòa-Nhân Chính, Nam Từ Liêm, Việt Hưng (Long Biên)... cũng chưa có Ban quản trị. Cuộc sống hàng ngày của hàng vạn hộ dân với vô vàn vấn đề bức xúc liên tục phát sinh thường chậm được giải quyết.
Tiếp nhận phản ánh từ người dân, ông Bùi Đức Hiếu, Chánh Văn phòng HĐND TP Hà Nội cho rằng, việc thành lập Ban quản trị và tổ dân phố tại các tòa nhà chung cư, khu đô thị tại Hà Nội hiện còn gặp nhiều bất cập và đang gây khó khăn cho việc quản lý. “Trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Giải pháp nào để sớm thành lập các tổ chức quản lý khi có dân đến ở?” - ông Bùi Đức Hiếu đặt câu hỏi.
Ai cản trở sẽ chịu kỷ luật
Thừa nhận sự chậm trễ, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội đã thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư. Các Ban quản trị này đang quản lý 95 trên tổng số 478 tòa nhà chung cư tại Hà Nội, đạt tỷ lệ gần 20%. Đơn cử, Khu đô thị Việt Hưng đã đi vào hoạt động nhiều năm nay song mới có 2/40 tòa nhà có Ban quản trị. Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này trước hết do các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Tiếp đến, việc kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn cũng chưa quyết liệt.
Về giải pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi của cư dân chung cư, UBND TP Hà Nội cho biết, đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư theo địa bàn, có biện pháp đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định. TP cam kết sẽ xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân cản trở việc thành lập Ban Quản trị nhà chung cư.
TP cũng đã giao Sở Xây dựng tăng cường công tác hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư... Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ: “TP đã chỉ đạo các quận huyện rà soát lại tất cả các chung cư trên địa bàn, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan tới việc chậm trễ thành lập Ban quản trị nhà chung cư. TP kiên quyết không để tình trạng này kéo dài mãi...”.
-
Cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì nhưng tài khoản của chủ đầu tư không đủ tiền
Thông tin này được lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra tại buổi HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai mới đây về câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì tại Tòa nhà AZ Sky phường Định Công.
-
Bị tố làm khó cư dân, Vạn Phúc Group lên tiếng
Van Phuc Group vừa chính thức lên tiếng về vụ việc một người đàn ông ngoại quốc đăng tải video clip lên mạng xã hội tố tập đoàn này làm khó dễ cư dân khu đô thị Vạn Phúc. Những video này nhận được sự tương tác lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến t...
-
Chặn “ngòi nổ” của nhiều cuộc chiến tại chung cư
Dù đã có quy định pháp luật rõ ràng về cách quản lý, sử dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư tuy nhiên trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ đúng quy định. Tại nhiều dự án, khoản tiền này là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh chấp giữa cư ...