CafeLand - Bất động sản công nghiệp và hậu cần là những phân khúc hiếm hoi có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Phần lớn các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm tới những phân khúc này.

Dưới đây là 4 lý do để tin bất động sản công nghiệp và hậu cần sẽ phát triển mạnh mẽ tại châu Á trong năm nay.

1. Châu Á là khu vực có đông dân cư nhất trên thế giới. Điều này đi kèm với sức tiêu thụ lớn. Đây là động lực để các doanh nghiệp tích cực xây dựng các nhà máy, kho bãi mới

2. Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á. Với giá trị thị trường khoảng 2,4 nghìn tỷ USD, châu Á chiếm tỷ trọng lớn đối với lĩnh vực thương mại điện tử trên toàn cầu. Lĩnh vực này chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới tại châu Á.

3. Khối lượng giao dịch thương mại tăng cao. Tổng khối lượng giao dịch thương mại đã tăng cao trong 10 năm qua. Tỷ trọng giao dịch thương mại của các quốc gia thuộc APAC thậm chí đã tăng lên 53% trong năm 2020. Các quốc gia tại châu Á giờ đây đã ít phụ thuộc hơn vào các khu vực khác. Điều này làm giảm rủi ro xảy ra bất kỳ tình trạng căng thẳng thương mại nào trong tương lai.

4. Nguồn cung kho bãi thiếu hụt. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand, nguồn cung kho bãi đang thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu đang tăng cao.

Lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc rất lớn và tốc độ tăng trưởng của quốc gia này vẫn ở mức cao. Do đó, sức chi tiêu chắc chắn cũng sẽ tăng mạnh, tạo ra nhu cầu lớn về việc sử dụng kho bãi trong tương lai gần.

Quy mô thị trường bán lẻ tại các khu vực kinh tế lớn của Trung Quốc là rất lớn. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm của thị trường bán lẻ dự kiến ​​sẽ ở mức trên 8% trong 10 năm tới.

Thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển nhờ ảnh hưởng của nhiều ông lớn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tại nhiều khu vực của Trung Quốc, internet vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, qua đó các nhà đầu tư vẫn có thể khai thác. Điều quan trọng nhất khi đầu tư bất động sản tại Trung Quốc là phải tìm kiếm sự hợp tác với các nhà điều hành uy tín.

Ở Nhật Bản, bất động sản công nghiệp cũng được chú trọng. Mặc dù Nhật Bản là một nền kinh tế lớn của khu vực, nhưng số lượng kho bãi, đặc biệt là kho lạnh lại nằm ở mức thấp.

Do đó, việc đẩy mạnh quá trình phát triển của lĩnh vực này đã được chính phủ Nhật Bản chú trọng. Từ năm 2014 đến năm 2019, doanh thu của các công ty logistics tại Nhật Bản đã tăng gần 30%, trong khi doanh số thương mại điện tử tăng 50%.

Tại châu á, Singapore là quốc gia có nhiều cơ hội đa dạng hóa trong đầu tư bất động sản công nghiệp hơn so với các thị trường khác. Quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á này được hưởng lợi từ việc trở thành một trung tâm thương mại lớn trên thế giới.

Ngòa ra, chính phủ Singapore cũng có các chiến lược phát triển rõ ràng để tạo ra một nền kinh tế tri thức. Cùng với đó, Singapore đã phát triển mạnh mẽ lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đồng thời thu hút các công ty công nghệ cao, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe quốc tế đến thành lập các trung tâm R&D, cơ sở sản xuất và trụ sở chính.

Singapore có tỷ trọng sản xuất công nghệ cao đứng đầu tại châu Á, thậm chí còn cao hơn cả Mỹ và Đức. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư đang khai thác cơ hội phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hậu cần tại quốc gia này.

Đông lực chính thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logisitcs tại Úc và New Zealand là sự gia tăng dân số. Với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, hai quốc gia này đang chứng kiến tỷ lệ gia tăng dân số trong vài năm gần đây, qua đó đẩy mạnh sức tiêu dùng của người dân.

Mặc dù có những hạn chế về xây dựng và đất đại tại một số thành phố lớn như Auckland (New Zealand) hay Perth (Úc) nhưng nhìn chung nhu cầu về kho bãi tại hai quốc gia thuộc khu vực châu Đại Dương này luôn đứng đầu trong khối APAC.

Bất động sản công nghiệp và hậu cần đem lại cho các nhà đầu tư những lựa chọn mới trong bối cảnh những lĩnh vực cốt lõi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đây là tín hiệu tích cực cho các nhà phát triển bất động sản tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Anh Nguyễn (The Asset)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.