Các nhà phân tích cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược “xây dựng, tạm dừng, phá bỏ, lặp lại” khi các quan chức Trung Quốc tìm cách hạn chế nguồn cung để tránh làm giá nhà nhà lao dốc và thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua việc xây dựng nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Fathom Consulting tiết lộ rằng khoảng 3 tỷ m2 diện tích nhà ở đã bị tạm dừng hoặc phá dỡ trong những năm gần đây, ngăn cản các tài sản bất động sản tiếp cận thị trường. Con số này đủ để chứa 75 triệu người, nhiều hơn toàn bộ dân số của Vương quốc Anh.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc mắc nợ đã rơi vào khủng hoảng khi thị trường bất động sản nước này gặp khó khăn, qua đó đè nặng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc có những “thành phố ma” rộng lớn, không có người ở, với khối lượng khổng lồ phát triển bằng nợ, trong khi việc phá dỡ gia tăng khi các nhà xây dựng hết tiền.
Joanna Davies, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Fathom, nói rằng các ngôi nhà trung bình mất 8 năm để hoàn thành vì nguồn cung “nhỏ giọt”. Bà nói: “Một công cụ chính sách quan trọng để thao túng nguồn cung là mua bất động sản trong giai đoạn xây dựng dự án, hay còn gọi là mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Những cách làm này cho phép số lượng nhà ở mới đang xây dựng tiếp tục tăng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội mà không gây quá tải cho thị trường và làm giảm giá bất động sản”.
Niềm tin vào thị trường bất động sản của Trung Quốc đã sụp đổ sau cuộc khủng hoảng trong suốt năm 2021. Trong đó, gã khổng lồ China Evergrande vỡ nợ, trở thành miếng domino đầu tiên gây ra sự sụp đổ của thị trường bất động sản nước này.
“Với lượng công suất dự phòng tích lũy ở mức đáng kinh ngạc, khoảng 10 tỷ m2, có vẻ như Trung Quốc đã phải dùng đến các biện pháp phá dỡ để giảm bớt phần dư thừa này. Các công trình xây dựng nhà ở dân cư của Trung Quốc từ lâu đã vượt quá mức “hoàn thành”, dẫn đến lượng nhà ở “đang được xây dựng” ngày càng tăng.
Lượng diện tích sàn được báo cáo ở tình trạng “đang được xây dựng” vào năm 2021 thấp hơn rất nhiều so với diện tích sàn ở tình trạng “bắt đầu xây dựng” trừ đi “đã hoàn thành”, Joanna Davies cho biết. Bà chia sẻ thêm rằng "lời giải thích duy nhất cho khoảng trống đó" là việc xây dựng đang bị tạm dừng trên các tài sản và phá dỡ.
Bắc Kinh đã tiến hành cắt giảm chi phí thế chấp vào đầu tuần này khi quốc gia này thúc đẩy nỗ lực củng cố thị trường bất động sản. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm lãi suất cơ bản cho vay 5 năm, vốn tác động đến chi phí thế chấp, 0,15 điểm cơ bản xuống còn 4,3%, bằng với mức cắt giảm kỷ lục được thực hiện vào tháng 5.
Trung Quốc cũng đã công bố các khoản vay đặc biệt dành cho các nhà phát triển bất động sản trị giá 200 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (42 tỷ USD) để giúp họ hoàn thiện những dự án đang bị trì trệ.
Các ước tính của S&P cho thấy doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc sẽ giảm 1/3 trong năm nay, mức giảm còn tồi tệ hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính. Thị trường bất động sản chiếm khoảng 1/4 cơ cấu GDP của Trung Quốc.
Sheana Yue, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết triển vọng kinh tế của Trung Quốc đã trở nên u ám trong những tháng gần đây khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
“Chiến lược Zero-COVID làm tăng thêm rủi ro gián đoạn và sẽ tiếp tục là rào cản đối với niềm tin của người tiêu dùng. Các vấn đề trên thị trường nhà ở còn lâu mới được giải quyết. Mặc dù hỗ trợ chính sách đã được tăng cường, chúng tôi vẫn nghi ngờ về khả năng điều này sẽ tạo ra nhiều động lực cho nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Sheana Yue cho biết.
-
Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu
Suy thoái dai dẳng và sâu sắc hơn của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể tạo ra áp lực đối với đà tăng trưởng kinh tế của thế giới.
-
Nhà đầu tư lỗ 130 tỷ USD vì trái phiếu bất động sản Trung Quốc
Bắc Kinh sẽ cần triển khai một chiến lược giải cứu quy mô lớn để chấm dứt cuộc khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư bất động sản và người mua nhà.
-
Xuất khẩu xi măng “hụt hơi” vì thiếu động lực từ thị trường Trung Quốc
Sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm giảm mạnh do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng của nước này suy yếu.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.