Các nhà đầu tư có thể phải chịu khoản lỗ lên đến gần 130 tỷ USD từ trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc. Nguyên nhân là do thị trường này đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kéo dài nếu không có một gói cứu trợ quy mô lớn của chính phủ.
Định giá sụt giảm
Hai phần ba trong số hơn 500 trái phiếu đô la đang lưu hành của các nhà phát triển Trung Quốc hiện có giá dưới 70 cent trên đô la (tương ứng với 70% mệnh giá), mức phổ biến thị trường ở trong tình trạng xấu, theo phân tích của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bloomberg.
Áp lực của thị trường đã tăng lên đáng kể một năm sau khi Evergrande, nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới, bắt đầu rơi vào vòng xoáy vỡ nợ, kéo theo sự xáo trộn trong toàn bộ lĩnh vực đang đóng góp khoảng 30% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc.
Phản ứng của Bắc Kinh vẫn chỉ giới hạn trong các công cụ kiểm soát, bao gồm việc cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp gần đây nhất. Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc từ chối tung ra một gói cứu trợ sâu rộng có thể chỉ làm tăng thêm chi phí tổng thể để giải cứu ngành bất động sản trong nước, thậm chí ảnh hưởng trầm trọng hơn lên các thị trường và thương mại toàn cầu khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.
Cedric Lai, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại Moody’s Investors Service, cho biết: “Những khó khăn trong ngành và các tin tức tiêu cực đã khiến giá trị trái phiếu đô la của các nhà phát triển Trung Quốc giảm mạnh kể từ năm ngoái”.
“Chúng tôi cho rằng các vụ vỡ nợ của ngành này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022, đặc biệt là đối với các nhà phát triển có các khoản nợ nước ngoài lớn sắp đến kỳ hạn và doanh thu yếu kém”.
Định giá nhiều trái phiếu đô la trong ngành bất động sản Trung Quốc đang cho thấy nguy cơ vỡ nợ rất cao. Một trái phiếu đáo hạn vào ngày 7 tháng 9 do tập đoàn Kaisa phát hành có giá 9 cent trên đô la, tức là nhà đầu tư mất khoản 272 triệu USD trên khoản tiền gốc 300 triệu USD bỏ ra. Trái phiếu của công ty Shimao có trụ sở tại Thượng Hải đáo hạn chỉ trong hơn một năm có giá dưới 10 cent trên đô la, cho thấy rủi ro lỗ 268 triệu USD.
Tổng cộng, khoản lỗ từ trái phiếu bất động sản Trung Quốc có thể lên tới 130 tỷ USD trên khoản đầu tư 200 tỷ USD mà các nhà phát triển chưa thể thanh toán. Mức định giá này gần bằng 2/3 so với khoản thanh toán giả định nếu các nhà phát triển đủ khả năng trả nợ.
Năm 2022, các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đã bỏ lỡ các khoản thanh toán của 31,4 tỷ USD trái phiếu. Vật lộn với các kỳ hạn thanh toán bao gồm việc trả tiền gốc ngay lập tức, họ thường chuyển các khoản vay thành nợ mới để kéo dài thời gian đáo hạn. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể trong bối cảnh thị trường hiện tại khi niềm tin của nhà đầu tư đang vỡ vụn.
Đây quả là một “cơn bão hoàn hảo” với nhiều nhà phát triển, khi vừa phải cố gắng xin tái cấp vốn để đảm bảo các kỳ hạn trả nợ, vừa tìm cách để xoa dịu người mua nhà và chính quyền.
Phụ thuộc vào doanh số bán nhà
Các nhà đầu tư từng hy vọng áp lực tồi tệ nhất sẽ chỉ xảy ra với các doanh nghiệp nợ nhiều nhất, chẳng hạn như Evergrande, do nhóm này đang ngày càng phụ thuộc vào việc bán các căn nhà hình thành trong tương lai để huy động vốn xây dựng.
Tuy nhiên, việc phát triển các dự án của Evergrande bị đình trệ và một số công ty có rủi ro cao về tài chính đã làm dấy lên lo ngại lớn rằng họ có thể phá sản trước khi hoàn thành các căn nhà này. Thực trạng trên đang gây ra khủng hoảng niềm tin, làm giảm doanh thu bán hàng và đẩy nhiều doanh nghiệp trong ngành vào khủng hoảng thanh khoản.
Robin Xing, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết: “Một gói cứu trợ tập trung hơn có lẽ là giải pháp cần thiết cho thị trường”.
Ông Xing cho biết Bắc Kinh đang khởi xướng một gói cứu trợ để giải quyết khoản chênh lệch tài chính ước tính lên đến 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (146 tỷ USD) cho các dự án nhà ở chưa hoàn thành. Tuy nhiên, gói cứu trợ này sẽ cần đến “nguồn lực rất lớn” và vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục trì hoãn. Trong 6 tháng nữa, khoản chênh lệch này có thể tăng lên đáng kể”, ông nói.
Việc ngừng giao dịch trên diện rộng đối với các căn nhà hình thành trong tương lai đã khiến hàng trăm nghìn người mua nhà trên khắp Trung Quốc tẩy chay trả nợ thế chấp ngân hàng, làm suy yếu thêm niềm tin vào ngành này.
Rosealea Yao, nhà phân tích thị trường bất động sản tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, cho biết: “Tình hình đang ngày càng mất kiểm soát. Vào năm ngoái, không ai tưởng tượng được hậu quả gồm các cuộc tẩy chay trả nợ và đình trệ xây dựng. Trong năm tới, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn nếu không có giải pháp ngay”.
Các số liệu chính thức cho thấy doanh số bán nhà tại Trung Quốc đã giảm gần 30% trong nửa đầu năm nay, xuống còn khoảng 6,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Chưa có kế hoạch giải cứu hiệu quả
Andy Suen, Giám đốc danh mục đầu tư và trưởng bộ phận nghiên cứu tín dụng châu Á và Nhật Bản tại PineBridge Investments ở Hồng Kông, cho biết chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này “chưa đủ để ổn định thị trường, nếu nhìn vào doanh số bán hàng”.
Ông nói thêm rằng “những doanh nghiệp yếu nhất trong ngành đã bị vỡ nợ và bây giờ vấn đề đang lan sang những doanh nghiệp mạnh khỏe hơn”.
Ngay cả các ngân hàng đầu tư của Trung Quốc do nhà nước điều hành cũng đã cố gắng bán các khoản nợ bằng đồng đô la của các nhà phát triển. Tuy nhiên, họ phải chật vật để xúc tiến giao dịch thành công.
Những yếu tố nói trên đã khiến gần như tất cả các tập đoàn bất động sản của Trung Quốc bị đẩy ra khỏi thị trường trái phiếu quốc tế, hạn chế thêm khả năng tái cấp vốn và tăng nguy cơ vỡ nợ. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy việc phát hành trái phiếu bằng đô la của các nhà phát triển này đã giảm 80% trong năm nay xuống chỉ còn 7,2 tỷ USD, mức hàng năm thấp nhất trong một thập kỷ.
Với 17,6 tỷ USD thanh toán cho trái phiếu bằng đô la đến hạn trong năm nay và 47 tỷ USD khác vào năm 2024, các nhà phân tích có rất ít hy vọng về sự phục hồi doanh số bán hàng trong năm 2022 có thể giúp các trái chủ nước ngoài không bị vỡ nợ thêm.
Các chuyên gia dự báo doanh số bán bất động sản hàng năm tại Trung Quốc sẽ giảm 15% trong năm 2022 và số lượng dự án được khởi công sẽ giảm 33%, trừ khi quốc gia này cải thiện được tính thanh khoản.
Các nhà hoạch định do dự trong việc thảo luận công bố quy mô hoặc thời gian của bất kỳ gói cứu trợ nào, mặc dù ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý nhà ở và bộ tài chính đã cam kết cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách để đảm bảo dự án được hoàn thiện và bàn giao cho người mua.
Nhưng các nhà đầu tư cho biết những biện pháp này hoặc là bị hạn chế về phạm vi, hoặc trong trường hợp bất ngờ Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp như hiện nay, thì không có khả năng khôi phục niềm tin của người mua nhà vào các căn hộ hình thành trong tương lai.
-
Thị trường bất động sản tại các quốc gia mới nổi có nguy cơ nối gót Trung Quốc
Ngoài Trung Quốc, chính phủ của nhiều quốc gia mới nổi cũng đang phải vật lộn để duy trì thế cân bằng giữa thị trường bất động sản và nền kinh tế vĩ mô đang suy thoái do đại dịch.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.