03/09/2020 8:16 AM
Dễ thấy là khả năng xảy ra tình trạng quy hoạch cũ hết hạn, mà quy định mới vẫn chưa thể ban hành là rất lớn, tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước của các bộ và địa phương...

Bản đồ quy hoạch Nhóm cảng biển số 6 - vùng ĐBSCL. Ảnh: TUẤN QUANG

Bộ KH-ĐT vừa cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5-2-2018 của Chính phủ (về triển khai thi hành Luật Quy hoạch), hiện đã có 3 bộ và 37 địa phương ban hành quyết định bãi bỏ 421 quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Đối với việc nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành (để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ bị bãi bỏ), hiện mới chỉ có 3 bộ triển khai thực hiện.

Vẫn theo theo nguồn tin trên, đến nay đã có 25/39 quy hoạch ngành quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia; 14/39 quy hoạch ngành quốc gia còn lại, các bộ đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định.

Đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12-5-2020; nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiệm vụ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đã thẩm định xong và đang hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định. Riêng các quy hoạch vùng hiện vẫn chưa được triển khai, do việc phân vùng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định (trừ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai từ trước khi có Luật Quy hoạch và đang thực hiện theo hiệp ước quốc tế).

Dễ thấy là khả năng xảy ra tình trạng quy hoạch cũ hết hạn, mà quy định mới vẫn chưa thể ban hành là rất lớn, tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước của các bộ và địa phương; đồng thời gây khó khăn cho công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch, Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch đã đề xuất Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian hoàn thành lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch đến hết ngày 31-12-2021; cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành trước ngày 31-12-2020 đối với việc ban hành danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực.

Để “lấp đầy” khoảng trống khi chưa thể ban hành quy hoạch/danh mục mới, đề nghị Chính phủ cho phép ban hành nghị quyết với nội dung kéo dài thời hạn đối với các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020 đã được tích hợp theo quy định cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt; đề nghị Chính phủ sớm xem xét, quyết định đối với Đề án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để làm cơ sở cho việc triển khai lập quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tất nhiên, các giải pháp kể trên mới chỉ là hình thức tránh vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Để Luật Quy hoạch với những điều khoản tiến bộ thực sự phát huy hiệu quả, các bộ và địa phương cần tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để khẩn trương tổ chức triển khai lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030, chứ không thể vì khó mà trì hoãn. Tương tự là việc ban hành danh mục các quy hoạch (về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ) hết hiệu lực làm cơ sở cho các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành thay thế.

  • Nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất

    Nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất

    Các địa phương trong tỉnh chỉ còn 2 tháng nữa để hoàn thành quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Sau đó, đưa ra Hội đồng thẩm định rà soát, trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh để thông qua.

Anh Phương (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.