Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế
Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719,4 ha (không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều).
Về tính chất, đây là đô thị sân bay tầm quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế.
Đây cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực; tập trung phát triển các lĩnh vực tài chính và thương mại - dịch vụ, giáo dục đào tạo, các viện nghiên cứu chế tạo ứng dụng công nghệ cao; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của tỉnh Khánh Hoà nói riêng và cả nước nói chung.
Cam Lâm còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới; là đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số đô thị mới Cam Lâm khoảng 320.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 224.000 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%; đến năm 2045, quy mô dân số khoảng 770.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 639.780 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 83%.
Quy hoạch định hướng phát triển đô thị mới Cam Lâm theo hướng trở thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, trên cơ sở áp dụng một số chỉ tiêu đặc thù gồm: Bình quân đất đơn vị ở toàn đô thị khoảng 74 m2/người; bình quân đất dân dụng toàn đô thị khoảng 100 m2/người.
Đến năm 2030: Đất xây dựng khoảng 10.148 ha, mật độ khoảng 32 người/ha; đất dân dụng khoảng 2.235 ha, bình quân khoảng 99,8 m2/người.
Đến năm 2045: Đất xây dựng khoảng 17.646 ha, mật độ khoảng 44 người/ha; đất dân dụng khoảng 6.384 ha, bình quân khoảng 99,8 m2/người.
Đô thị mới Cam Lâm sẽ phát triển theo mô hình đô thị tập trung tại khu vực đồng bằng; phát triển du lịch tại dải ven biển phía Đông gắn với bảo tồn cảnh quan đặc hữu của đầm Thủy Triều - vịnh Cam Ranh, bờ biển Bãi Dài và các giá trị sinh thái núi rừng phía Bắc và phía Tây.
Cấu trúc không gian đô thị mới Cam Lâm gồm: 4 vùng cảnh quan; 4 trục động lực; 4 khu trung tâm đô thị.
Khu vực huyện Cam Lâm và đầm Thủy Triều được chia thành 07 phân khu.
Hé lộ định hướng phát triển của 7 phân khu
Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực huyện Cam Lâm và đầm Thủy Triều được chia thành 07 phân khu.
Thứ nhất là phân khu đô thị trung tâm có diện tích tự nhiên khoảng 5.652 ha, thuộc thị trấn Cam Đức, xã Cam Thành Bắc, một phần xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hải Đông.
Đây là trung tâm hành chính - chính trị của toàn đô thị; trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ, giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cấp vùng; là khu vực tập trung dân cư và các hoạt động chính của toàn đô thị; là cửa ngõ phía Tây - cửa ngõ chính của đô thị mới Cam Lâm.
Tại phân khu này sẽ phát triển mới trung tâm hành chính - chính trị đô thị Cam Lâm, tái sử dụng khu đất trung tâm hành chính - chính trị huyện Cam Lâm hiện hữu cho các mục đích phục vụ cộng đồng.
Cùng với đó, phát triển mới tuyến trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ, phối hợp với khu hỗn hợp mật độ cao; với điểm nhấn các cụm công trình hỗn hợp cao tầng mang tính biểu tượng đương đại.
Phát triển mới các không gian giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo đẳng cấp quốc tế tại đảo Trí Tuệ.
Cũng tại phân khu này sẽ phát triển mới Khu trung tâm đô thị phía Nam có chức năng là trung tâm tổng hợp cấp đô thị; gắn với cụm công nghiệp công nghệ cao, phục vụ nhu cầu du lịch, đô thị và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cải tạo và chỉnh trang khu dân cư thị trấn Cam Đức hiện hữu kết hợp với tái định cư các khu vực dân cư nằm rải rác không tập trung. Từng bước nâng cao mật độ dân cư tại các khu vực làng xóm đô thị hóa thông qua tái phát triển quỹ đất nông nghiệp gắn với nhà ở. Phát triển mới các khu dân cư đô thị, tuân thủ theo các quy định phân vùng mật độ.
Thứ hai là phân khu đô thị phía Bắc có diện tích tự nhiên khoảng 7.057 ha, thuộc một phần xã Cam Tân, Cam Hoà, Cam Hải Tây, Suối Tân, Cam Hải Động, Cam Hiệp Bắc, thị trấn Cam Đức.
Đây là trung tâm văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ cấp đô thị, công nghiệp; là khu vực phát triển đô thị - nông thôn tập trung.
Tại phân khu này sẽ phát triển mới khu trung tâm đô thị phía Bắc có chức năng là trung tâm tổng hợp cấp đô thị; Hình thành chuỗi sân golf, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề ven chân núi Cù Hin; Tiếp tục hoàn thiện khu công nghiệp Suối Dầu hiện hữu theo hướng thân thiện môi trường, gắn với thế mạnh địa phương.
Bên cạnh đó, từng bước nâng cao mật độ đô thị tại các khu vực làng xóm đô thị hóa thông qua khai thác các khu đất nông nghiệp gắn với nhà ở. Phát triển mới các khu dân cư đô thị, tuân thủ theo các quy định phân vùng mật độ. Phát triển mới khu dân cư mật độ thấp ven đầm Thủy Triều theo mô hình “đô thị du thuyền”.
Thứ ba là phân khu đô thị ven biển có diện tích tự nhiên khoảng 3.604 ha, thuộc xã Cam Hải Đông (bao gồm quần đảo Hòn Nội, Hòn Ngoại).
Đây là khu du lịch - dịch vụ - đô thị ven biển; cửa ngõ đường thủy của đô thị mới Cam Lâm. Tại phân khu này sẽ thực hiện bảo vệ và tôn tạo cảnh quan bờ biển Bãi Dài, cảnh quan ven đầm Thủy Triều, cảnh quan phía Đông núi Cù Hin.
Hình thành tuyến du lịch leo núi, tuyến xe đạp ngoạn cảnh ven chân núi; kết hợp với phát triển du lịch sinh thái núi, du lịch tâm linh, điểm dừng chân ngoạn cảnh; đảm bảo sự hài hoà giữa hoạt động du lịch với công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn cảnh quan, sinh thái.
Quy hoạch cũng định hướng tăng cường các tuyến đường tiếp cận ra bờ biển; đảm bảo quyền tiếp cận công cộng đến không gian ven biển; phát triển đa dạng các quảng trường, công viên, không gian mở ven biển cho các dịch vụ vui chơi giải trí và hoạt động cộng đồng; xây dựng dải công viên cảnh quan ven đầm; bố trí các bến du thuyền, khu vui chơi giải trí nước.
Song song với đó, hoàn thiện tuyến công trình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển phía Đông đường Nguyễn Tất Thành theo định hướng đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tiêu biểu; phát triển tuyến đô thị phía Tây đường Nguyễn Tất Thành theo định hướng đa dạng hoá dịch vụ du lịch; phối hợp hài hoà giữa hoạt động dân cư và du lịch; hình thành các tuyến phố hướng biển tập trung hoạt động công cộng và dịch vụ và có cảnh quan hấp dẫn, gồm tuyến hai bên kênh Thủy Triều, cầu Thủy Triều 1 và cầu Thủy Triều 2.
Thứ tư là phân khu sinh thái núi Cù Hin có diện tích tự nhiên khoảng 5.379 ha, thuộc một phần xã Suối Cát, xã Suối Tân, xã Cam Hòa và xã Cam Tân.
Đây là khu vực cửa ngõ phía Bắc đô thị mới Cam Lâm, phát triển công nghiệp ven đô, các dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí núi rừng và bảo tồn cảnh quan núi Cù Hin.
Tại phân khu sinh thái núi Cù Hin, quy hoạch định hướng bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch sinh thái núi Cù Hin trong mối quan hệ với hệ sinh thái đầm Thủy Triều và không gian ven biển; bảo vệ rừng đầu nguồn, các suối, trục tiêu thoát lũ, đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị cảnh quan đặc trưng, có biện pháp bền vững chống xói mòn, sạt lở...
Bên cạnh đó là cải tạo, chỉnh trang và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái hai bên ĐT.657K, từ cửa ngõ phía Bắc đô thị Cam Lâm hướng ra vịnh Nha Trang. Duy trì, hoàn thiện và mở rộng các cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với thế mạnh địa phương.
Cải tạo, chỉnh trang, mở rộng các điểm dân cư nông thôn hiện hữu theo hướng từng bước nâng cao mật độ dân cư, bảo tồn - phát huy giá trị truyền thống, tiết kiệm đất đai, nâng cao chất lượng hạ tầng và môi trường nông thôn.
Thứ năm là phân khu phức hợp phía Tây có diện tích tự nhiên khoảng 9.929 ha, thuộc một phần xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Sơn Tân, Suối Tân.
Đây là vùng đệm giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực phát triển sinh thái; là một phần của hành lang cao tốc Bắc Nam, phát triển dịch vụ logistics thông minh đa phương tiện kết nối sân bay, cảng biển Cam Ranh với hệ thống giao thông đường bộ quốc gia; là khu vực phát triển dân cư ven đô gắn với sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất công nghiệp địa phương và dịch vụ du lịch sinh thái.
Tại phân khu này, sẽ phát triển dịch vụ du lịch, sân golf, du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại.
Đồng thời mở rộng ga Suối Cát theo hướng trở thành một điểm trung chuyển hành khách và hàng hóa. Dự trữ quỹ đất bố trí ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, điểm dừng nghỉ cao tốc Bắc Nam. Xây dựng mới nút giao cửa ngõ vào đô thị Cam Lâm từ đường cao tốc Bắc Nam. Phát triển mới chuỗi logistics thông minh đa phương tiện, tại không gian giữa trục cao tốc Bắc Nam và đường tránh quốc lộ 1.
Thứ sáu là phân khu sinh thái phía Tây Nam có diện tích tự nhiên khoảng 11.879 ha, thuộc xã Cam Phước Tây và một phần xã Sơn Tân.
Đây là khu vực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn; phát triển khu dân cư kết hợp sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, khai thác - phát triển rừng và phát triển du lịch cộng đồng.
Phân khu sinh thái phía Tây Nam được định hướng, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước hồ và suối Tà Rục, tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái.
Thứ bảy là phân khu sinh thái phía Tây Bắc có diện tích tự nhiên khoảng 12.536 ha, thuộc một phần xã Suối Cát và xã Suối Tân.
Đây là khu vực bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; phát triển khu dân cư kết hợp sản xuất nông nghiệp, khai thác - phát triển rừng và phát triển du lịch cộng đồng.
Khu vực này được định hướng bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước hồ và suối Dầu, tôn tạo cảnh quan và môi trường sinh thái tự nhiên, khai thác phát triển du lịch sinh thái; Cải tạo, chỉnh trang và mở rộng khu dân cư làng xóm hiện hữu; Phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ khai thác yếu tố cảnh quan sông suối núi rừng phía Tây Cam Lâm.
-
Tuyến cao tốc gần 22.000 tỉ nối Đắk Lắk với Khánh Hòa đang làm đến đâu?
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang triển khai thi công đồng loạt trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên nối giữa hai khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
-
Chỉ đạo mới của tỉnh Khánh Hòa về việc áp dụng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Luật Đất đai 2024
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về việc áp dụng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/8/2024 đến ngày 31/12/2024 trên địa bàn tỉnh....
-
Tìm nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ hơn 230 tỉ trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang
Công trình trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang có tổng diện tích hơn 7,8ha, vốn đầu tư hơn 230 tỉ đồng sẽ được triển khai tại địa bàn xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa....
-
Khánh Hòa đang triển khai 102 đồ án quy hoạch trọng điểm
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về tình hình triển khai lập, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu....