Vấn nạn cò đất!
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản có sự đóng góp rất lớn của những người làm trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Tuy nhiên, một thực trạng cũng dễ nhận ra là hiện đội ngũ môi giới “vàng – thau” lẫn lộn. Nhiều người trong số họ là những người môi giới chuyên nghiệp, làm việc trong những doanh nghiệp uy tín và hỗ trợ nhiều cho nhà đầu tư. Mặt khác, cũng có nhiều người, nhiều công ty thiếu đi sự chuyên nghiệp, thậm chí cố tình lừa đảo khách hàng tạo ra những phát triển lệch lạc đối với thị trường bất động sản.
Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh không thực sự tích cực của nhiều người môi giới bất động sản hay còn gọi là “cò đất”. Họ đang góp phần vào sự nhiễu loạn thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy câu chuyện “cò nhà đất” làm loạn không chỉ xảy ra mới đây mà nó đã kéo dài hàng chục năm qua. Hiểu một cách thông thường vai trò ban đầu của “cò” từ xa xưa chỉ đơn giản là “chỉ chỗ” và kết nối người mua người bán. Thông thường khi nói đến “cò đất” người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những bà bán nước, những người không xem môi giới là một nghề nghiệp chính thức của mình và họ cũng không được đào tạo bài bản, có sự am hiểu về thị trường và pháp lý bất động sản….
Ngày này, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường bất động sản lực lượng làm trong lĩnh vực môi giới bất động sản trở nên đông đảo. Tuy nhiên, một thực trạng dễ nhận thấy là có một tỷ lệ không nhỏ trong số đó hoạt động như “cò đất” trước đây.
Nếu phải kể ra đây những tiêu cực của một bộ phận quá lớn “cò nhà đất” so với những người hành nghề chân chính thiểu số, thì chắc phải là một câu chuyện dài không có hồi kết. Nhiều “cò nhà đất” hiện nay hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, kiến thức, kỹ năng và cả những yêu cầu căn bản tối thiểu của người hành nghề môi giới.
Không thể phủ nhận những nỗ lực trong những năm đầu của các cấp quản lý khi việc công nhận người hành nghề môi giới bất động sản là một nghề, được cụ thể hóa bằng quyết định 153/2007/ND-CP ban hành 15/10/2007, trong đó có các quy định chi tiết về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới địa ốc. Tuy nhiên, sau gần 14 năm quyết định có hiệu lực, bức tranh môi giới ở thị trường địa ốc hiện nay vẫn thiếu những gam màu tươi sáng. Việc quản lý nhiều khi chỉ dừng lại ở mức độ hình thức hoặc nửa vời.
Vai trò của Hiệp hội bất động sản và Hội môi giới bất động sản Việt Nam đúng ra là những cơ quan có vai trò hỗ trợ rất lớn cho các cấp quản lý thông qua các đề xuất, dự án xây dựng, đào tạo, phát triển thị trường môi giới bất động sản. Tuy nhiên, thực tế vai trò của 2 tổ chức này hiện vẫn còn khá mờ nhạt.
Thật sự, không quá khó khăn để “quản” được “cò nhà đất” vấn đề là các cấp quản lý có quyết tâm hay không? Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Úc và các nước phát triển với bề dày hàng trăm năm trong quản lý và điều hành cho giới hành nghề môi giới địa ốc khá quy củ và nề nếp.
Mấu chốt của vấn đề chính là chương trình đào tạo nghiêm ngặt và được thống nhất, cập nhật thường xuyên, xuyên suốt từ liên bang đến các tiểu bang. Thời lượng cho đào tạo tùy tình hình thị trường của mỗi bang để có thời gian học phù hợp. Thông thường các chương trình đào tạo tối thiểu không dưới 90 ngày để phủ kín hầu hết các kỹ năng, kiến thức, pháp luật trong giao dịch, đạo đức và quy trình giao dịch một tài sản.. Chỉ có những người học hành nghiêm túc và có đủ năng lực được cấp chứng chỉ hay không còn được thể hiện qua kỳ thi sát hạch cuối khóa..
Ở Việt Nam một bộ giáo trình để lấy chứng chỉ hành nghề gần 14 năm chưa thay đổi. Chẳng những không thay đổi mà bộ giáo trình này không thực tế với môi trường kinh doanh địa ốc tại Việt nam. Ngoài ra, việc “loạn” trường đào tạo, mạnh ai nấy dạy. Các kỳ thi sát hạch cũng nhiều khi tổ chức thiếu nghiêm túc khiến cho ngay cả người được cấp chứng chỉ thì vẫn chưa chắc đã có “thực học”.
Phần 2: Để không còn nạn “cò đất” hoành hành