30/01/2018 10:43 AM
“Sau bất cập tại các dự án BOT giao thông, các thành phần tham gia đầu tư dự án Cao tốc Bắc - Nam sẽ phải đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo tính cạnh tranh” - thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật.

LTS: Trung tuần tháng 1, kết luận cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu không chỉ định thầu mà phải đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.

Trong cuộc phỏng vấn lần này với VietNamNet, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chia sẻ nhiều thông tin xung quanh việc chuẩn bị đầu tư dự án quan trọng cao tốc Bắc - Nam.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. Ảnh: Hải Minh/VTV News

Tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế

Năm 2017 Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Vì sao chúng ta cần phải sớm hoàn thành 654 km đường cao tốc này trong giai đoạn 2017-2021, thưa ông?

Hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta dù được đầu tư phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ các công trình hiện đại còn thấp so với các nước trong khu vực… Đây chính là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế đất nước.

Hơn nữa, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoặc đường sắt tốc độ cao, nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực thông hành của các phương tiện vận tải hiện tại (khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm).

Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai đầu tư và đưa vào khai thác trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 thì việc đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm, quốc lộ 1 (QL1) dù được mở rộng lên 4 làn xe, tuy đã phát huy hiệu quả rõ rệt nhưng cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải đến năm 2020; Hệ thống QL1 có nhiều điểm giao cắt nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông cao.

Với những lý do trên, nếu đường cao tốc Bắc – Nam được đầu tư sẽ đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khẳng định, việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam chính là bước đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo trục kinh tế Bắc - Nam. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế của đất nước.

Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam đang được Bộ GTVT triển khai như thế nào thưa ông?

Do tiến độ triển khai rất gấp, nên Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch triển khai Dự án chi tiết, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể phê duyệt khoảng giữa năm 2018.

Ngay sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ tổ chức lập thiết kế kỹ thuật (TKKT) dự toán, tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời phối hợp với các địa phương triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng.

Khoảng đầu năm 2019, sau khi có kết quả sơ tuyển và TKKT, dự toán được duyệt, sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; phấn đấu khởi công các dự án khoảng cuối năm 2019.

Các thành phần tham gia đầu tư dự án Cao tốc Bắc - Nam sẽ phải đấu thầu công khai, minh bạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Đấu thầu công khai

Ông có thể nói rõ hơn về những cơ chế chính sách để triển khai dự án?

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng một số cơ chế chính sách để trình Chính phủ chấp thuận làm cơ sở triển khai. Tuy nhiên, ngay từ khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chúng tôi đã dự tính và báo cáo Quốc hội một số khó khăn.

Cụ thể, về tiến độ hoàn thành dự án, theo quy định của pháp luật, trình tự thủ tục triển khai theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia rất chặt chẽ, cần nhiều thời gian. Theo kế hoạch triển khai chi tiết, trường hợp có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, chỉ có thể khởi công dự án thành phần sớm nhất vào cuối năm 2019.

Với tiến độ như vậy, việc hoàn thành 654 km và giải ngân toàn bộ 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017 - 2021 rất khó khả thi, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải phóng mặt bằng.

Về việc lựa chọn thành công nhà đầu tư, thực tiễn cho thấy để triển khai thành công các dự án PPP không thể quyết định bởi phía cơ quan Nhà nước, mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Trong đó có tính đến mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia, sự đồng thuận của nhân dân...

Trên thực tế, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch nhưng không thành công.

Trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như: bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện nghĩa vụ đã ký trong hợp đồng từ các tổ chức bảo lãnh, bảo hiểm…

Trong trường hợp các cơ chế chính sách đề xuất được chấp thuận vẫn chưa thể khẳng định tất cả các dự án thành phần sẽ đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những yêu cầu họ đưa ra nhưng luật pháp Việt Nam chưa cho phép thì không thể thay đổi luật. Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được đấu thầu quốc tế, còn các nhà thầu nước ngoài có tham gia hay không là quyền của họ.

Việc dùng 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách, để làm cao tốc Bắc-Nam chắc chắn phải thu hút đầu tư từ bên ngoài. Trong bối cảnh BOT đang bộc lộ những bất cập như hiện nay, Bộ GTVT sẽ làm gì để thu hút đầu tư vào dự án?

Có thể nói những bất cập về cơ chế chính sách triển khai dự án BOT trong thời gian vừa qua phần nào tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung. Để khắc phục triệt để những bất cập nói trên, điều quan trọng nhất và cần làm ngay là phải điều chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, để khắc phục toàn bộ những hạn chế, bất cập của hình thức đầu tư BOT trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng các cơ chế triển khai thực hiện. Trong đó, đối với việc tổ chức đấu thầu, các thành phần tham gia đầu tư dự án sẽ phải đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo tính cạnh tranh.

Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam!

Vũ Điệp (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.