CafeLand - Nhận định về con số tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2018, TS. Võ Trí Thành cho rằng đây là con số tăng trưởng tín dụng hợp lý, giúp kiểm soát rủi ro và hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế.

Trong buổi họp báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, con số tăng trưởng tín dụng năm 2018 vào khoảng 14%. Đây là năm có tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2014 là 14,16%, năm 2015 là 17,29%, năm 2016 là 18,71%, năm 2017 là 18,17%). Cũng trong buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2019 cũng sẽ tương đương với con số tăng trưởng năm 2018 là 14%.

Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào dòng vốn tín dụng ngân hàng, bằng khoảng 130% GDP. Liệu tăng trưởng tín dụng thấp là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo cho nền kinh tế?

Để trả lời câu hỏi trên, CafeLand đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

CafeLand: Xin ông cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 khoảng 14% có phải là quá thấp so với mục tiêu ban đầu và nhiều năm trở lại đây?

TS. Võ Trí Thành: Cả năm 2018 tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, nếu nói là thấp thì chưa hẳn đúng. Lý do là chúng ta có một năm tăng trưởng kinh tế tốt, vượt kỳ vọng, đạt 7,08%, lạm phát được duy trì ở mức thấp dưới 4%, kể cả lạm phát cơ bản cũng thấp. Như vậy, nhìn rộng ra cả nền kinh tế có thể thấy, chính sách tiền tệ đã giữ được ổn định vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Vì vậy, con số tăng trưởng tín dụng 14% có thể nói là vừa phải, vừa giảm thiểu được rủi ro cho nền kinh tế lại vẫn hỗ trợ được tăng trưởng.

Cùng với đó, chúng ta cũng nên nhìn vào khía cạnh tích cực, có thể dòng tiền đã đi vào đúng nơi cần đi hơn, tạo tăng trưởng, lại vừa kiểm soát tín dụng đi vào các lĩnh vực gây rủi ro cho nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán.

Nói vậy là điều hành tín dụng năm 2018 là rất tốt và nên tiếp tục được duy trì trong thời gian tới?

Tôi vẫn muốn lưu ý hai vấn đề với điều hành chính sách tiền tệ. Chúng ta vẫn cần phải suy nghĩ để làm sao sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ nhất là về hạn mức tín dụng. Chúng ta nên áp dụng hạn mức cho từng ngân hàng. Vì có ngân hàng làm tốt, sử dụng tiền hiệu quả, nhưng lại bị giới hạn trong một hạn mức chung. Vì vậy, hướng tốt nhất là quản mục tiêu tăng trưởng, cung tín dụng chung; còn các ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tín dụng theo sự lành mạnh. Cách thứ hai là cho các ngân hàng trao đổi hạn mức tín dụng với nhau như nhiều nước trên thế giới đã làm. Cách này để cho nguồn lực đi vào chỗ hiệu quả hơn.

Điều thứ hai cần lưu ý là vấn đề tín dụng đen. Con số tín dụng 14% chỉ là con số phản ánh tín dụng chính thức, còn tín dụng đen thể hiện việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề.

Chúng ta phải nhận thức rằng, tín dụng phi chính thức vẫn có vai trò riêng của nó và trong cái phi chính thức ấy làm sao có bước kết hợp minh bạch hoá và chuyển dần sang tín dụng chính thức. Thực tế tiếp cân tín dụng có vấn đề mới sinh ra tín dụng phi chính thức. Vì vậy, bài toán đặt ra là ứng xử, chuyển đổi thị trường phi chính thức như thế nào.

Hình thức vay P2P có thể coi là tín dụng. Đó là công nghệ và hiện chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hình thức vay này, cần có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh nó.

Vậy theo ông, chính sách tín dụng năm 2019 cần lưu ý những vấn đề gì?

Theo tôi, tinh thần chung vẫn là chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu biến động của nền kinh tế. Tuy nhiên cũng phải dự cảm trước nhiều kịch bản.

Có hai kịch bản cần phải lưu ý. Một là triển vọng kinh tế tốt hơn, tích cực hơn. Có thể cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ đi tới hồi kết hoặc cân bằng hơn, rủi ro, bất định với kinh tế thế giới giảm thiểu, giá cả thị trường thế giới cũng không quá nhiều biến động. Khi ấy chính sách tiền tệ có thể không chịu quá nhiều áp lực.

Kịch bản thứ hai là nền kinh tế tiếp tục bất ổn, kinh tế thế giới suy giảm, giá cả thế giới giảm gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Lúc ấy, chính sách tiền tệ lại cần linh hoạt, mềm mại hơn, không nên quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

NHNN cho biết, trong năm 2019 sẽ điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ ở mức khoảng 14%.
Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.