26/04/2015 5:30 PM
Bàn về tác động của diễn biến tỷ giá đô la Mỹ thời gian qua tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cần có độ dãn linh hoạt hơn về chính sách tỷ giá, không nên đề ra biên độ “cứng” như vài năm gần đây.

Hạ tuần tháng Ba, tỷ giá USD/VN đã chứng kiến một đợt tăng cao bất thường trên cả thị trường chính thức lẫn chợ đen. Mức tăng mỗi phiên được các nhà băng điều chỉnh lên tới 20-30 đồng, thậm chí có nơi tới cả 40 đồng, áp sát trần giao dịch mà NHNN đưa ra.

Nhiều thành viên thị trường đã tỏ ra lo ngại khi ngày ngày chứng kiến tỷ giá USD/VND nhảy bậc, mỗi phiên lại lên tầm cao mới. Trong vòng chưa đầy 10 ngày, kể từ ngày 16/03/2015, giá mua – bán đô la Mỹ đã tăng thêm 130 -150 đồng cả hai chiều mua – bán.

Tính đến cuối tháng Ba, giá giao dịch USD được các ngân hàng niêm yết đã lên tới 21.510 – 21.570 VND/USD và vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu tháng 4/2015. Cho đến hôm nay (26/04), tỷ giá dù có dấu hiệu chững lại và liên tục đi ngang nhiều ngày, nhưng vẫn cao hơn giá niêm yết tại NHNN (bán ra 21.600 VND/USD) khoảng 20-30 đồng mỗi USD.

Lý giải về đà leo tỷ giá trong những ngày “nóng bỏng”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND chủ yếu xuất phát yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng mạnh của đồng đô la Mỹ tại thị trường thế giới. Các yếu tố cung cầu ngoại tệ không có biến động lớn và không đáng quan ngại. Theo đó, NHNN quyết định không điều chỉnh tăng trong thời điểm này và tiếp tục giữ biên độ đề ra từ đầu năm (không quá 2% - trong khi đã dùng hết 1% ngay từ ngày 07/01).

Ở một khía cạnh nào đó, biên độ “cứng” không quá 2% (gắn với lời hứa đầu năm của Thống đốc Bình) bỗng trở thành một sức ép vô hình cho những người điều hành và cả nền kinh tế.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN khi đánh giá về tác động của hiện tượng trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: “Thời gian gần đây, việc tỷ giá tăng nóng ảnh hưởng đến cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu vào thị trường Nga – tăng trưởng còn thấp, với EU thì có hy vọng tỷ giá EUR/USD không bị mất giá quá nữa, kinh tế EU sẽ hồi phục đôi chút, cùng hiệp định FTA thì hy vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ không bị giảm sút đáng kể”.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, đối với những đồng ngoại tệ khác như Nhân dân tệ hay các đồng tiền của nước châu Á xung quanh, mức độ tăng giá không đến mức quá lớn như VND, EUR và đồng Rúp, trừ đồng Nhật Bản do chính sách chủ động của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Dẫu vậy, TS. Thành vẫn tỏ ra tin tưởng: “Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2% đề ra. Thâm hụt thương mại 3 tháng đầu năm là 2,3 tỷ USD nhưng nhìn cả cán cân thanh toán quốc tế (kiều hối, đầu tư, ODA…) thì Việt Nam vẫn thặng dư gần 3 tỷ USD. Dự tính cả năm nay vẫn có thể thặng dự 4,5 tỷ USD”.

“Từ năm sau, chúng ta cần có một chế độ linh hoạt hơn về tỷ giá để đảm bảo sức cạnh tranh của Việt Nam, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo 2 nguyên tắc: Không quá khó dự tính cho doanh nghiệp (như năm nay là 2%), Giữ đồng Việt luôn có lợi hơn giữ đồng USD”, ông khuyến nghị.

Tại Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết từ trung tuần tháng 3 tỷ giá có xu hướng tăng nhưng cũng có lúc giảm, hiện nay đã giảm mạnh về quanh mức 21.582 VND/USD và vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hang Nhà nước.

Nhấn mạnh tỷ giá là vấn đề rất nhạy cảm, bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý kỳ vọng của thị trường nên trong điều hành phải quyết định đúng thời điểm, đúng liều lượng và quan trọng là cần phải kiếm soát được kỳ vọng.

Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá phải cân nhắc tổng thể chứ không chỉ căn cứ vào một số nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời có cân nhắc đến xu hướng lạm phát, bởi hiện lạm phát còn ở mức thấp nhưng không thể chủ quan.

Hoa Liên (An Ninh Tiền tệ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.