TS. Nguyễn Đức Kiên.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa báo lỗ kết quả hoạt động kinh doanh quý 3/2014. Trước đó, DongABank cũng có thông báo lỗ quý 3/2014…
Nhìn nhận về hiện tượng này, TS. Nguyễn Đức Kiên nói:
- Lỗ thì phải báo lỗ, lãi thì phải báo lãi. Đó là hoạt động thực chất của các ngân hàng đối với xã hội cũng như trách nhiệm của ngân hàng đối với cổ đông. Thế nên, có ngân hàng nào báo lỗ cũng tốt, cho người dân có thêm một sự lựa chọn.
Theo ông, liệu các ngân hàng báo lỗ hoàn toàn là do khó khăn của nền kinh tế?
Việc một số ngân hàng lỗ là vì họ tham quá. Không quản trị được mà cứ mở rộng quy mô ra, huy động thêm vốn. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn vốn vay của họ không tốt. Họ không kiểm soát được khách hàng dùng vốn vay đó để làm gì.
Khách hàng vay tiền nói là để sản xuất kinh doanh nhưng lại mua ô tô vài chục tỷ để chạy, mua nhà hoành tráng, cho con đi học nước ngoài… Như vậy là không sử dụng tiền đúng với mục đích vay. Thực tế đó cho thấy việc giám sát các khoản vay của những tổ chức tín dụng đó có vấn đề.
Hoặc có thể, khách hàng thỏa thuận với người cho vay với tỷ lệ trích vài % trong khoản vay để không giám sát việc chi tiêu khoản vay đó, chứ không phải là các tổ chức tín dụng không biết.
Có những ngân hàng gặp vấn đề về quản trị nhưng vẫn mở rộng quy mô bằng cách sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Ông bình luận gì về hiện tượng này?
Có thể, trước khi sáp nhập với nhau họ quản trị không tốt, theo kiểu ngân hàng quản trị tốt nhưng không có vốn, ngân hàng có vốn nhưng quản trị không tốt. Hai bên hợp lại để bổ sung những thiếu sót của nhau.
Ông đánh giá thế nào về 8 tổ chức tín dụng đã thực hiện tái cơ cấu theo hướng sáp nhập, hợp nhất thời gian qua? Đến nay những ngân hàng này đã ổn định chưa?
Quan trọng là tái cơ cấu để cho những tổ chức tín dụng đó sống lành mạnh. Giải pháp đó đã giúp ngăn ngừa "bệnh" không lây sang ngân hàng khác.
Thực tế cho thấy, trước đây nợ xấu của những ngân hàng này rất lớn, khả năng mất thanh khoản có thực. Sau khi sáp nhập thanh khoản ổn định, tình hình hoạt động ổn định, nợ xấu từ từ giảm.
Quan trọng nhất là sau khi sáp nhập, các tổ chức tín dụng đó buộc phải giảm lãi suất xuống, giảm lãi xuống. Việc giảm lãi đó bao gồm cả phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, bao gồm cả thanh toán, xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng với nhau.
Điều tôi thấy lớn nhất đó là sau khi sáp nhập không có ngân hàng nào bị phá sản, tính thanh khoản ổn định, các phòng giao dịch của những ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường. Còn việc lỗ lãi thì kể cả các tổ chức tín dụng lớn thì có thể năm trước có lãi, năm sau lại bị lỗ. Đó là việc bình thường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãi suất vẫn còn cao
Ông đánh giá thế nào về giải pháp xử lý nợ xấu, khi mà bản thân các tổ chức tín dụng dường như vẫn còn e ngại về con số nợ xấu thực?
Nếu không tin thì đưa giải pháp ra làm gì? Khi đưa ra những giải pháp đó, là Chính phủ đã lường trước những khó khăn để có thể đưa nợ xấu xuống 3%. Nếu không đưa xuống được, thì đợt bỏ phiếu tín nhiệm lần tới thì sẽ bị làm sao thì họ đã hiểu. Nghị quyết của Quốc hội đã biểu quyết hạ nợ xấu xuống 3% vào 2015, ai không làm được thì cuối năm sẽ kiểm điểm.
Với Việt Nam thì liệu cần bao nhiêu năm để giải quyết được vấn đề sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng?
Không nói thời gian được. Mình phải nói sở hữu chéo tồn tại trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Vấn đề cần nói ở đây là sở hữu chéo tạo nên tài sản ảo của các tổ chức tín dụng mới là cái chúng ta đang nói.
Còn sở hữu chéo nước nào cũng có, điển hình là nước Nhật. Sở hữu chéo của Nhật là doanh nghiệp sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu doanh nghiệp, để hai bên hỗ trợ nhau. Nhưng vấn đề là họ không tạo ra tài sản ảo, vốn ảo.
Thế nên, vấn đề ở Việt Nam là xử lý tài sản ảo. Vấn đề là mình phải làm cho vốn ngân hàng, tài sản ngân hàng phải là thật và đi vào sản xuất thật, chứ không phải là vốn ảo.
Theo ông, hoạt động năm 2015 của hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào?
Vẫn phải tiếp tục ổn định giá trị đồng tiền. Từ đầu năm đến nay đồng tiền ổn định là từ tác động ngân hàng. Nhưng từ giữa tháng 11 đến nay thị trường ngoại hối có giao dịch. Có sự giao dịch này là vì thường cuối năm bao giờ cũng có dao động, nó phụ thuộc vào năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Như vậy, đây là một quy luật bình thường, nó đang diễn ra lặp đi lặp lại theo chu kỳ.
Một câu chuyện nữa, nếu giữ được lạm phát thấp như thế này thì lãi suất cho vay như thế nào? Nếu lãi suất cho vay trong năm 2015 giảm xuống thì lãi suất huy động có giảm nữa không? Bởi vì, nếu lãi suất huy động 5,5%, lạm phát là 3% thì mức chênh lệch đã là 2,5% rồi. Trong thời điểm hiện nay, mức lãi suất như vậy có chấp nhận được không? Cao quá. Trong điều kiện như vậy thì lãi suất huy động phải hạ thêm nữa.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại rằng nếu lãi suất huy động hạ thêm nữa sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá...
Mọi người cứ lo. Nếu chúng ta xử lý tốt tỷ giá thì cần phải hạ lãi suất xuống để cho dòng tiền không chảy vào tiết kiệm mà chảy vào đầu tư, đây là một hình thức hỗ trợ cho thị trường tài chính, để người dân tham gia vào thị trường tài chính. Đây cũng là một trong những điều kiện để doanh nghiệp có thể huy động được vốn trên thị trường tài chính.
Ông nghĩ, việc giảm lãi suất cho vay phải bắt đầu từ đâu?
Vấn đề lãi suất huy động và lãi suất tiền gửi phụ thuộc vào nền kinh tế. Chúng ta đặt vấn đề là tại sao ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu lãi suất huy động chỉ có 0,7%%/năm, thậm chí có thời điểm chỉ có 0%/năm trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn ở 2 - 2,3%.
Căn cứ vào những số liệu đó để chúng ta xem là việc hạ lãi suất của chúng ta, kể cả lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay phải phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế, đảm bảo dòng tiền chảy vào nền kinh tế không bị ngừng trệ.
Khi hạ lãi suất xuống thì ta phải có cái đỡ là thị trường tài chính. Có nghĩa, chúng ta phải bơm cho thị trường chứng khoán tăng lên, bây giờ vẫn loanh quanh ở mức 600 điểm. 1,5 năm nay thị trường chứng khoán vẫn loanh quanh ở mức 600 - 650 điểm, nếu chúng ta đẩy nó lên được từ 800 - 900 điểm thì chắc chắn nền kinh tế sẽ khác.