TS. Lê Xuân Nghĩa
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà”?
Theo tôi mô hình liên kết “4 nhà” là tổ hợp cung ứng vốn và cung ứng vật liệu xây dựng được triển khai rộng cho các công trình nội đô và các khu đô thị mới. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao.
Nhiều ý kiến cho rằng gói 50.000 tỷ là gói hỗ trợ ảo, theo ông thì sao?
Gói 50.000 tỷ là gói liên minh hỗn hợp do Ngân hàng Xây dựng thiết kế. Gói sản phẩm này gắn liền lợi ích với các đối tác như ngân hàng thương mại - các nhà bán vật liệu xây dựng - chủ đầu tư và người mua nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là gói hỗ trợ ảo nhưng tôi không cho như thế. Vì trước khi đưa ra con số tín dụng thì Ngân hàng Xây dựng đã tính toán trên cơ sở tổng tín dụng cho ngành xây dựng. Và theo ước tính này thì tổng tín dụng cho ngành xây dựng ở thời điểm hiện tại khoảng 700.000 - 800.000 tỷ đồng, thì con số 50.000 tỷ, 100.000 tỷ vẫn còn quá ít, sắp tới đây sẽ có những chương trình còn lớn hơn chương trình này.
Ông có tin rằng gói tín dụng 50.000 tỷ sẽ phát huy được hiệu quả?
Theo tôi hiện nay thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vì thế trong thời gian đầu hiệu quả của gói 50.000 tỷ sẽ không được như mong muốn. Nhưng ít ra những dự án đang xây dỡ dang mà có hiệu quả, khi có vốn rót vào sẽ được triển khi rất nhanh. Còn những doanh nghiệp bất động sản đang có nợ xấu nhưng dự án dự án tốt thì ngân hàng sẽ khoanh nợ xấu lại để tiếp tục cho vay hoàn thành dự án. Đồng thời, nếu doanh nghiệp tham gia vào gói sản phẩm này thì lãi suất sẽ mềm hơn, vòng quay vốn sẽ hiệu quả hơn…
Ông có lo lắng khi các dự án hoàn thiện thì tồn kho bất động sản sẽ tăng nhanh?
Theo tôi, nếu nói tồn kho bất động sản tăng không phải là ở trong đô thị mà ở những chỗ “tít xa mù khơi”. Những nơi đầu tư xa thành phố không có hạ tầng tốt, kể cả chỗ đó không gặp khó khăn thì cũng “chết”, thị trường bình thường đầu tư sai cũng chết rồi. Còn những dự án gần đô thị có cơ sở hạ tầng tốt nếu hoàn thành thì có thể bán được.
Đồng thời, gói tín dụng 50.000 tỷ cũng sẽ có phép người dân vay tiền sửa chữa, xây dựng, cơi nới nhà cửa, cung cấp vật liệu xây dựng cho người dân với giá thành tốt nhất.
Liệu gói 50.000 tỷ có tạo ra kỳ vọng phục hồi cho thị trường bất động sản?
Phục hồi thị trường bất động sản cần có thời gian, nhưng lợi ích trước mắt của gói này là giải quyết những công trình tồn đọng, hoàn thành những gì dở dang do hậu quả của việc quản lý tài chính yếu kém. Đồng thời, gói tín dụng này sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, vì lâu nay vật liệu xây dựng đang bị ách tắc bởi nguồn cung quá lớn, trong khi đó cầu còn yếu.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng có giúp thị trường bất động sản sáng sủa hơn?