Hiện nay, các NHTM Việt Nam đã phát triển ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là đang tích cực tìm cách tiếp cận thị trường các nước ASEAN 5.
Từ ngày 22-24/11/2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Tổng giám đốc BIDV những nội dung xung quanh sự kiện này.

Ông Phan Đức Tú
Xin ông cho biết mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Đông Nam Á (ABA)? Đâu là lợi ích lớn nhất mà ABA mang đến cho các ngân hàng thành viên VNBA?
ABA được thành lập năm 1976, bao gồm đại diện của 10 quốc gia thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Mục tiêu hoạt động của ABA là nâng cao hình ảnh, vị thế của ABA và cộng đồng ngân hàng ASEAN; Tăng cường tiếng nói của ASEAN trong những nỗ lực phản biện chính sách trong khu vực và toàn cầu; Đóng góp vào cộng đồng kinh tế ASEAN, hỗ trợ khu vực tư nhân theo mục đích của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Chia sẻ bí quyết trong hoạt động ngân hàng, tổ chức đào tạo nhằm thúc đẩy sử dụng các thông lệ kinh doanh tốt nhất trong các quốc gia thành viên; Thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng ASEAN; và Xây dựng tình hữu nghị và hợp tác giữa các ngân hàng.
Kể từ khi AEC được thành lập, ABA đã có nhiều biện pháp và đề xuất các kế hoạch hành động cụ thể trong khuôn khổ hội nhập tài chính khu vực.
Một số hoạt động nổi bật đáng chú ý như: Phối hợp với Ủy ban về hệ thống thanh quyết toán (WC-PSS) các Ngân hàng Trung ương ASEAN để chuẩn hóa hệ thống thanh toán theo tiêu chuẩn ISO 20022, tổ chức hội thảo tại các quốc gia trong ASEAN nhằm tăng cường kiến thức và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn chung ở từng quốc gia; Tham gia Diễn đàn Thị trường Trái phiếu ASEAN với mục đích hỗ trợ thanh khoản và giúp xử lý các vấn đề liên quan đến nợ, bao gồm việc áp dụng Mẫu cổ phiếu đơn (SSF) đã được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc phát hành trái phiếu trong khu vực ASEAN+3; Tham gia tìm hiểu, nghiên cứu về những lợi ích của hệ thống xếp hạng tín nhiệm trong ngành tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại các quốc gia thành viên ASEAN; qua đó hình thành Phương pháp phát triển chuẩn ASEAN về xếp hạng tín dụng SMEs…
Lợi ích lớn nhất mà ABA mang lại cho các ngân hàng thành viên của VNBA nằm trong các mục đích mà ABA hướng đến. Đặc biệt là ABA rất chú trọng tới hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng, theo đó hàng ngàn lượt cán bộ đã được cử tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.
Thông qua hoạt động hợp tác đa phương và song phương, các thành viên VNBA có cơ hội tiếp cận với những vấn đề thời sự trong hoạt động của ngành Ngân hàng, kinh nghiệm về quản lý, nhận diện và phòng ngừa rủi ro; đồng thời, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các ngân hàng và các đối tác.
Là một thành viên của ABA, VNBA đã có những đóng góp, sáng kiến đáng chú ý nào cho các hoạt động chung?
VNBA gia nhập Hiệp hội Ngân hàng ASEAN ngày 8/9/1995 - ngay sau khi Việt Nam chính thức được kết nạp vào ASEAN. Từ đó đến nay, VNBA đã có nhiều đóng góp quan trọng trong một số lĩnh vực hợp tác. Gần đây nhất là những nội dung liên quan đến Fintech, chống rửa tiền, đào tạo và điều phối giữa các ngân hàng hội viên trong khu vực.
Tháng 7/2017, VNBA đã phối hợp cùng ABA tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ sở hạ tầng số cho tương lai ngân hàng” tại Hà Nội. Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Diễn đàn Kỹ thuật số ABA, Hội thảo của ABA về blockchain và các ứng dụng đã tổ chức tại Bangkok, Jakarta vào tháng 3 và 4/2017.
Trong các hoạt động chung của ABA, Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN. Cụ thể, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ hai vào năm 2007.
Bên cạnh các hoạt động hợp tác đa phương, VNBA cũng tích cực triển khai các hoạt động hợp tác song phương cụ thể với từng hiệp hội thành viên trong ABA. Đơn cử như, hợp tác hiệu quả của VNBA với Hiệp hội Ngân hàng Singapores (ABS) thời gian qua.
ABS đã hỗ trợ, liên hệ và đề cử nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng sang Việt Nam cùng VNBA tổ chức các chương trình giúp nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng Việt Nam như: Hội thảo về Basel II/III - Quản lý rủi ro tín dụng và thanh khoản; Khóa đào tạo Quản trị rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Lãnh đạo VNBA cùng các đại biểu tại Hội nghị thường niên 2017
Trong khuôn khổ hội nhập ngân hàng khu vực ASEAN (ABIF) có nêu ra sáng kiến “Ngân hàng đạt tiêu chuẩn ASEAN” cho phép các ngân hàng này có thể tiếp cận sâu rộng với thị trường các nước ASEAN khác. Xin ông vui lòng cho biết rõ hơn về sáng kiến này? Các ngân hàng Việt Nam đã triển khai thực hiện sáng kiến này ra sao?
ABIF là một cấu phần của AEC với mục tiêu hình thành một thị trường ngân hàng chung khu vực ASEAN. ABIF gồm 4 nội dung chính, trong đó có sáng kiến về Ngân hàng đạt chuẩn khu vực (QABs). Khi được công nhận là QABs thì những ngân hàng này sẽ được tự do gia nhập thị trường các nước trong khu vực và được đối xử bình đẳng không phân biệt với các ngân hàng nội địa.
Để lựa chọn các QABs, trước hết cần xác định được những tiêu chí xác định các ngân hàng này. Theo đó ABIF đưa ra lộ trình gồm 3 giai đoạn để xây dựng những tiêu chí. Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến 2018, các quốc gia trong ASEAN 5 sẽ thực hiện đàm phán song phương với nhau để xác định các tiêu chuẩn của QABs được công nhận bởi 2 quốc gia, từ đó đưa ra danh sách các ngân hàng của mỗi nước được quốc gia kia công nhận là QABs.
Giai đoạn 2 từ 2018 đến năm 2020, tất cả các quốc gia ASEAN sẽ cố gắng ký kết ít nhất một thỏa thuận song phương với 1 nước trong ASEAN 5 để xác định các tiêu chuẩn của QABs và từ đó xác định danh sách các QAB được công nhận giữa 2 nước. Giai đoạn 3 sau năm 2020, toàn bộ các nước ASEAN sẽ bắt đầu đàm phán để đưa ra bộ tiêu chuẩn chung để xác định QABs áp dụng cho toàn khu vực.
Hiện nay đã có một số quốc gia ASEAN kết thúc đàm phán song phương, gồm Philippines và Malaysia, Indonesia và Malaysia, Thái Lan và Malaysia. Theo đó, một số tiêu chí xác định QABs đã từng bước hình thành rõ nét như: Quy mô/thị phần đáng kể; Kinh nghiệm/Lịch sử hoạt động; Phát triển tốt ở thị trường trong nước và có chiến lược đảm bảo hoạt động kinh doanh tại nước ngoài tích cực; Năng lực tài chính lành mạnh; Đội ngũ quản lý cấp cao "phù hợp và thích hợp"; và Hệ thống quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ mạnh.
Hiện nay, các NHTM Việt Nam đã phát triển ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là đang tích cực tìm cách tiếp cận thị trường các nước ASEAN 5. Bên cạnh đó, các NHTM Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nhằm cải thiện hoạt động cũng như do áp lực từ phía môi trường kinh doanh đang thay đổi.
Cụ thể: (1) nâng cao năng lực (đặc biệt là về tài chính, quản trị và công nghệ) do Việt Nam có trình độ phát triển kém hơn mức trung bình khu vực, trong khi các QABs nước ngoài đều “to lớn”, có “tầm vóc” và dày dặn kinh nghiệm; (2) đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung của khối trong hoạt động ngành Ngân hàng. Trước mắt, theo lộ trình của NHNN, 10 ngân hàng được lựa chọn sẽ áp dụng basel II từ đầu năm 2018; (3) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo về công nghệ, ngoại ngữ, văn hóa, kiến thức về luật pháp và thương mại quốc tế do gia tăng rủi ro pháp lý, kiện tụng, bảo hộ....
Tuy nhiên, các NHTM Việt Nam cũng đang đối diện với nguy cơ “chảy máu chất xám” do sự tự do di chuyển của lao động chất lượng cao; (4) các NHTM cũng đang đứng trước yêu cầu về điều chỉnh chính sách, nhất là chính sách về tín dụng ngành, đối tượng khách hàng, sản phẩm dịch vụ cung cấp... Kèm theo đó là áp lực nâng cao năng lực quản trị rủi ro đến từ quá trình hội nhập và các giao dịch xuyên quốc gia sẽ ngày càng gia tăng.
Những nội dung trọng tâm nào sẽ được hội nghị lần này tập trung trao đổi, thưa ông?
Đây là lần thứ 3 VNBA đăng cai tổ chức hội nghị này, nhưng hội nghị năm nay diễn ra khá đặc biệt do đúng vào dịp khối ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và ngay sau khi Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tốt đẹp cũng tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp này. Hội nghị sẽ có sự tham dự của hơn 200 đại biểu của các tổ chức thành viên, đặc biệt, Tổng thư ký ASEAN sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.
Với mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các hiệp hội các ngân hàng thành viên, Hội nghị Hội đồng Hiệp hội năm nay là cơ hội tuyệt vời để kết nối các nhà lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng trong khu vực ASEAN.
Ngoài Hội nghị chính thức Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 như thường lệ, lần này, VNBA phối hợp tổ chức các cuộc họp của 3 Ủy ban thường trực (Ủy ban thường trực về hợp tác tài chính, đầu tư và thương mại (COFIT), Ủy ban thường trực về đào tạo Ngân hàng và Ủy ban thường trực về quan hệ liên vùng ASEAN) để tập trung thảo luận, bàn bạc nhiều chủ đề mà các ngân hàng trong khu vực quan tâm như: phát triển tài chính bền vững, tài chính toàn diện, ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng…; đồng thời đưa ra các sáng kiến hợp tác cùng với các kế hoạch hành động triển khai.
Chúng tôi tin tưởng sự kiện năm nay sẽ tiếp tục tăng cường sự hợp tác và trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng giữa các nhà lãnh đạo ABA trong một thế giới hội nhập và đầy biến động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Bích (TBNG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.