Tuy nhiên, không ít người đang thắc mắc, cho rằng tại sao với lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ đó, Việt Nam vẫn phải loay hoay huy động từng đồng vốn nước ngoài với lãi suất cao để làm đường cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành?
Dự trữ ngoại hối từ đâu ra?
Dự trữ ngoại hối (Foreign exchange reserves) là những tài sản tài chính được sử dụng để xử lý các khoản thâm hụt cán cân thanh toán giữa các nước. Đây là định nghĩa thông thường và nó khá khó hiểu đối với phần lớn người không có kiến thức chuyên môn. Vậy thực chất dự trữ ngoại hối là gì và từ đâu ra?
Nguồn: ADB
Ghi chú: Dấu dương biến động dự trữ ngoại hối là dự trữ ngoại hối tăng, dấu âm là giảm. Kể từ năm 2011 đến 2018, Việt Nam luôn đạt được thặng dư kép (cả cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn) nên dự trữ ngoại tệ Việt Nam không ngừng tăng mạnh. Tuy nhiên, trong những năm qua sai và sót thống kê trong cán cân thanh toán của Việt Nam là khá lớn. Điều này cho thấy có lượng ngoại tệ rất lớn được dự trữ hoặc chuyển ra nước ngoài nhưng không thể thống kê được.
Trước hết, để hiểu được nguồn gốc của dự trữ ngoại hối, chúng ta cần phải hiểu về hoạt động của ngân hàng trung ương (NHTW). Thực vậy, mỗi nền kinh tế có đồng tiền riêng đều có một NHTW để làm chức năng cung ứng tiền đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và duy trị giá trị của đồng tiền. NHTW lớn nhất thế giới là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Khối đồng tiền chung châu Âu có NHTW châu Âu (ECB) là ngân hàng chung của 27 thành viên Liên minh châu Âu sử dụng đồng tiền chung là EURO. Việt Nam NHTW chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Đối với chức năng thanh khoản, NHTW sử dụng các công cụ như lãi suất chính sách, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở để bơm/hút tiền ra nền kinh tế. Nói cách một cách hình tượng, NHTW như một bể điều hòa “tiền”, điều hòa lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Bể điều hòa này có vai trò vừa đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế giúp nền kinh tế phát triển tốt nhất, vừa đảm bảo ổn định giá trị của đồng tiền (lạm phát ổn định).
Bên cạnh chức năng trên, một trong những chức năng quan trọng khác của NHTW là đảm bảo sự ổn định tỷ giá (giá trị so sánh với đồng tiền khác). Đặc biệt, đối với những nền kinh tế theo đuổi chế độ tỷ giá hối đoái cố định hoặc chế độ tỷ giá thả nổi có kiểm soát thì đây là một chức năng hết sức quan trọng của NHTW. NHTW mua bán ngoại tệ trên thị trường mở để thực hiện mục tiêu tỷ giá. Lượng ngoại tệ mà NHTW mua dư ra chính là dự trữ ngoại hối.
Ngoại tệ mà NHTW mua được chính là nguồn ngoại tệ do thặng dư cán cân thanh toán (dòng ngoại tệ ra-vào của nền kinh tế. Theo ngôn ngữ chuyên ngành thì đây là chính là tổng cân tài khoản vãng lai (Current account – CA) và cán cân tài khoản vốn (Financial Account - KA). Dự trữ ngoại hối tăng khi tổng CA và KA là số dương. Tuy nhiên, thông thường vẫn có trường hợp hợp ngoại lệ là khi CA và KA không được thống kê một cách chính xác nên khoản sai và sót thống kê (Net errors and omissions) trên bảng cân đối cán cân thanh toán lớn, dẫn đến dự trữ ngoại hối có thể sụt giảm ngay cả khi có thặng dư cán cân thanh toán và cán cân tài khoản vốn.
Cũng giống như các NHTW nhiều quốc gia trên thế giới, NHNN cũng mua vào ngoại tệ khi Việt Nam thặng dư cán cân thanh toán. Theo số liệu của ADB, trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam luôn đạt được thặng dư cán cân tài khoản vãng lai và cán cân tài khoản vốn, do đó lượng trự trữ ngoại tệ của Việt Nam luôn tăng khá mạnh. Để đồng nội tệ không lên giá quá mạnh so với các đồng tiền khác thì NHNN buộc phải “in” VND ra để mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối. Nói cách khác, lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam chính là lượng tiền mà NHNN in thêm rồi sử dụng để mua ngoại tệ trong nền kinh tế.
Có thể mang dự trữ ngoại hối ra tiêu hay không?
Không ít người cho rằng với lượng ngoại tệ dự trữ hơn 70 tỉ USD, đó là nguồn lực dồi dào để Việt Nam có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho những năm tới. Trên thực tế không phải vậy. Để có lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào tương đương với lượng tiền nội tệ, NHNN đã in tiền ra để mua vào. Nó không phải là ngân sách nhà nước để có thể chi tiêu cho việc đầu tư.
Dự trữ ngoại hối chỉ được sử dụng để dự phòng cho các khoản nợ ngoại tệ của quốc gia. Nói cách khác, lượng ngoại hối chỉ được để sử dụng mục tiêu bảo vệ tỷ giá, đảm bảo thanh khoản cho việc thanh toán ngoại tệ. Chẳng hạn, vào một thời điểm nào đó bị thâm hụt cán cân thanh toán thì NHNN bán ngoại tệ dự trữ ra để giữ cho tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối nhằm bảo vệ đồng nội tệ khi bị tấn công tiền tệ.
Hầu hết các khoản dự trữ này được giữ bằng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, thông thường NHTW không phải dự trữ bằng tiền mặt là USD trong kho mà là dưới dạng trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc gửi tại các ngân hàng nước ngoài có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, các NHTW cũng thường dự trữ các ngoại tệ mạnh khác như Bảng Anh (GBP), Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR), vàng… Tiền lãi phát sinh từ việc gửi tiền hoặc mua trái phiếu được nhập vào ngân sách sau khi trừ chi phí.
Tại Việt Nam, Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi thiếu hụt ngân sách thì Chính phủ vẫn có thể vay tiền từ NHNN nhưng phải hoàn trả ngay trong năm tài chính. Quy định này nhằm kiểm soát việc “in tiền” để chi tiêu vô tại vạ như thời kỳ ngân hàng một cấp trước đây ở Việt Nam. Như vậy, nếu có thâm hụt ngân sách thì Chính phủ phải đi vay tiền trên thị trường tiền tệ trong hoặc ngoài nước. Các khoản vay của Chính phủ có thể thông qua cấp vốn ODA, vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu nội tệ hoặc ngoại tệ.
Tuy nhiên, NHNN cũng có thể gián tiếp cho Chính phủ vay tiền thông qua tái chiết khấu trái phiếu Chính phủ cho các ngân hàng thương mại sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Chính phủ có thể tự do sử dụng tiền “dự trữ” của NHNN. Tóm lại, dù có hơn 70 tỉ USD dự trữ ngoại hối “trong kho” nhưng Chính phủ không thể sử dụng số tiền nay mà vẫn phải vay tiền từ nước ngoài với lãi suất cao.
-
Nghiên cứu làm khu thương mại tự do tại đô thị sân bay Long Thành
Ngày 9/1, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với đại diện Công ty CT Strategies (CTS) về vấn đề xúc tiến phát triển Khu thương mại tự do kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Phước An....
-
Đồng Nai chuẩn bị đưa khu đất 7.400 tỷ gần sân bay Long Thành ra đấu giá
Khu đất hơn 282 ha gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành có giá trị theo bảng giá đất là 7.400 tỷ đồng.
-
Long Thành và Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị sân bay như Changi của Singapore
Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay đã được áp dụng thành công như Dubai, Frankfurt (Đức) và Changi (Singapore).