CafeLand – Gần đây, con số 7,3 tỷ USD tiền từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài trong quý 3/2015 bỗng trở nên nóng bỏng. Một số chuyên gia xem đây là hiện tượng bất thường và có thể tạo ra do “bẫy thanh khoản”. Tuy nhiên không ít chuyên gia lại cho rằng đây là hiện tượng bình thường bởi số tiền đó là do ngân hàng Việt Nam gửi ra nước ngoài để thanh toán. Vậy thực sự thực đằng sau số tiền chuyển ra nước ngoài này là gì và có thật sự đáng lo ngại?
Mỗi người lý giải một kiểu
Lý giải về việc có đến 7,3 tỷ USD từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài dưới dạng tiền gửi ngắn hạn trong quý 3/2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách ngoại hối đang gây ra những “tác dụng phụ”. “Đây là diễn biến bất thường, cần phải được theo dõi chặt chẽ và đưa ra dự báo kịp thời. Chính sự bất thường này khiến chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng, đây là tình trạng ‘bẫy thanh khoản’ với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, một tình trạng rất cần được lưu ý”, VERP cảnh báo. Theo phân tích của VERP, nếu giả thuyết “bẫy thanh khoản” là đúng, thì dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn tới do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm theo Quyết định ngày 25/9/2015 của Thống đốc NHNN.
Ông Phạm Văn Đại, Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR cho biết, việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn. Do đó, phần lớn các khoản gửi ngoại tệ sẽ ở dưới dạng không kỳ hạn. Ông Đại cũng lưu ý “chống đô-la hóa là một chủ trương đúng đắn của NHNN, tuy nhiên, cơ quan này cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp tạo niềm tin vào tiền đồng. Khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ lớn đang gửi ở nước ngoài”.
Liên quan đến khoản tiền tăng bất thường này đại diện NHNN lý giải "Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng". Đồng thời NHNN cũng trấn an việc các ngân hàng chỉ để một phần ngoại tệ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu của dân cư, còn lại đầu tư dưới hình thức nào phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân.
Nhận định về sự bất thường của dòng ngoại tệ nêu trên, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng giám đốc Eximbank cho biết “Lo chảy máu ngoại tệ là không có cơ sở”. Ông Phước khẳng định “không thể có chuyện người dân Việt Nam ồ ạt gửi tiền USD ra nước ngoài” và Ông lý giải: “Việc tiền gửi trên các tài khoản thanh toán, tương thích quy mô hoạt động vốn liếng, ngoại hối vào ra của các nước. Nước ta trước đây dự trữ ngoại hối từ vài ba trăm triệu, tới nay đã lên tới ba mươi mấy tỷ USD. Nên không thể nói vì lãi suất USD về 0% mà dân “tuồn” tiền USD ở Việt Nam mang gửi ra nước ngoài”.
Ông Phước nhận định “Người dân không nên lo lắng về con số trên. Và chúng ta cũng không cần lo ngại rằng ngân hàng sẽ rơi vào “bẫy” thanh khoản USD. Ngân hàng phải duy trì các tài khoản nước ngoài để làm trung gian cho việc xuất nhập khẩu đi vào Việt Nam, chi trả thanh toán ngoại hối của quốc gia”.
Cùng chung quan điểm, GS.TS Trần Ngọc Thơ (Trường Đại học Kinh Tế TP HCM) cho rằng 7,3 tỷ USD đó có thể là tiền của ngân hàng Việt Nam gửi ở nước ngoài để thực hiện việc thanh toán. GS Thơ trấn an, lẽ ra những hiểu lầm vừa qua là không đáng có nếu những vấn đề này được nhìn nhận thấu đáo hơn. Mặc dù có tên gọi là “cán cân thanh toán quốc tế” nhưng những dữ liệu ghi nhận trên đó không phải là các khoản thanh toán “thực sự” mà một quốc gia nhận được, mà chỉ nói lên các “giao dịch” mà thôi.
Nhận định về vấn đề này “người trong cuộc” NHNN cho rằng việc 7,3 tỷ USD chuyển ra nước ngoài là bình thường khi lãi suất USD trong nước thấp. Ngoài ra, NHNN còn lý giải số tiền này là số tiền này các ngân hàng dùng để thanh toán không gây rủi ro cho nền kinh tế.
Lý do thực sự là đâu?
Số liệu thống kê trong quá khứ cho thấy trong 3 năm, từ 2012 đến 2014, tổng dòng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài dưới dạng tiền gửi khoảng 6 tỷ USD. Trước đó, từ năm 2009 đến 2011 tổng dòng tiền chuyển ra nước ngoài khoảng 18 tỷ USD. Trong khi đó chỉ tính riêng quý 3/2015 là 7,3 tỷ USD (dòng tiền ròng), cả năm 2015 là gần 14 tỷ USD. Điều này cho thấy đây là một hiện tượng hoàn toàn bất thường chứ không phải là bình thường như nhiều chuyên gia nhận định.
Việc cho rằng đây là tiền gửi để thanh toán như ông Trương Văn Phước và GS.TS Trần Ngọc Thơ không giải thích được hiện tượng bất thường trên. Nếu số tiền này thật sự chỉ gửi thanh toán không thì chắc chắn nó không thể tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn vì nhu cầu thanh toán không tăng đột biến.
Ngoài ra, nhiều người còn nhầm lẫn đây là số tiền mà các ngân hàng của Việt Nam gửi ở nước ngoài dùng để thanh toán. Thực chất đây là dòng tiền, tức số tiền tăng thêm được các ngân hàng và người dân chuyển ra nước ngoài chỉ riêng trong quý 3/2015. Cụ thể, theo số liệu công bố chính thức của NHNN thì tổng sô tiền mà các ngân hàng Việt Nam chuyển ra nước ngoài là 5,97 tỷ USD, còn khu vực khác (Doanh nghiệp, tổ chức khác) là 2 tỷ USD. Tính cả năm 2015 tổng số tiền chuyển ra nước ngoài với hình thức tiền gửi là 14,24 tỷ USD, trong đó ngân hàng là 4,63 tỷ USD, còn khu vực khác là 9,55 tỷ USD. Trong khi đó dòng tiền chuyển vào Việt Nam với hình thức tương tự là 5,18 tỷ USD.
Những con số trên cho thấy tiền của khu vực khác chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này cũng cho thấy những giải thích của ông Phước và GS. Thơ về lý do dòng tiền là hoàn toàn không thuyết phục.
Như vậy, việc dòng tiền tăng đột biến chỉ có thể giải thích do ngân hàng và người dân chuyển ra nước ngoài để hưởng chênh lệch lãi suất hoặc là do e ngại rủi ro nào đó. Thời điểm vào quý 3/3015, lãi suất tiền gửi doanh nghiệp là 0%, của cá nhân là 0,25%. Lãi suất 0% của tất cả tiền gửi bằng USD về 0% từ này 08/12/2015. Như vậy, rõ ràng việc dòng tiền lớn đột ngột chuyển ra nước ngoài trong quý 3 chưa hẳn là do lãi suất. Đây chỉ là một trong những yếu tố góp phần làm dòng tiền dịch chuyển nhiều hơn. Tuy nhiên, xét cả năm 2015 với việc dòng tiền chuyển ra nước ngoài tăng đột biến, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp cho thấy nhiều nhiều khả năng do không được hưởng lãi suất tiền gửi bằng USD thì các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước khác đã gửi tiền ở các ngân hàng ở nước ngoài để được hưởng lãi suất.
Một yếu tố khác cũng có thể góp phần làm cho dòng tiền dịch chuyển liên quan đến những rủi ro trong nước và sự biến động của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Rõ ràng một khi thị trường trong nước rủi ro, nguy cơ phá giá tiền đồng cao thị việc chuyển đồng USD ra nước ngoài để “trú ẩn” cũng là một giải pháp mà nhiều doanh nghiệp và ngân hàng sẽ lựa chọn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đây là dòng tiền chính thức và có thời hạn ngắn. Ngân hàng và doanh nghiệp có thể rút về bất kỳ lúc nào để giải quyết nhu cầu thanh khoản khi cần thiết. Do đó nó không có nhiều ro đối với nền kinh tế. Dù vậy, hiện tượng bất thường này cũng cho thấy “tác dụng phụ” của chính sách lãi suất 0% và hạn chế việc cho vay bằng ngoài tệ. Nó sẽ làm cho dòng tiền dịch chuyển ra nước ngoài sẽ ngày càng mạnh. Chính sách chống đô la hóa bằng công cụ phi thị trường này chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao đối với nền kinh tế.
Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.