"Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ dao động từ 6,5% đến 6,7% nhưng cách thức tăng trưởng thì phải khác đi, không còn dựa vào công thức nhân công rẻ và vốn lớn nữa", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định tại hội nghị Vietnam Summit diễn ra ngày 3/11 tại TP HCM.

“Trước đây, chúng ta phát triển kinh tế dựa vào nhân công rẻ và vốn lớn. Bây giờ thì kinh tế Việt Nam không thể phát triển bằng các yếu tố này nữa. Phải phát huy mô hình tăng trưởng khác, tăng năng suất lao động, sử dụng tri thức... Phát triển kinh tế giai đoạn tới có kế thừa chiều rộng nhưng phải tăng về chiều sâu”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ về cách thức tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại hội nghị, Economist Intelligence Unit (EIU) dự đoán tăng trưởng GDP thực của Việt Nam năm 2016 sẽ vào khoảng 6% và có thể sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2017. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, khi không còn công thức lao động giá rẻ, để duy trì tốc độ tăng trưởng, Việt Nam sẽ tập trung vào tăng thu hút đầu tư, đặc biệt là kỹ thuật cao đi đôi với phát triển thương mại.

“Mô hình tăng trưởng mới là tập trung về chất lượng, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy các yếu tố nâng cao năng suất, áp dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật cao vì yếu tố nhân công rẻ và vốn nhiều không phát huy tác dụng nữa. Chúng tôi cũng nhấn mạnh đến đầu tư, xuất khẩu. Kinh tế Việt Nam hiện rất mở, quy mô thương mại đang gấp 1,5 lần GDP”, ông Minh nhận định và cho biết thêm Việt Nam đang là một trong những nước tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại trên thế giới, với trên 55 đối tác đã ký, điều này sẽ phần nào giúp giảm tác động tiêu tục của sự sụt giảm thương mại toàn cầu.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam không còn tập trung phát triển mô hình kinh tế dựa vào nhân công giá rẻ

Về mặt đầu tư, Phó thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Việt Nam không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà chú trọng đến bảo vệ môi trường, ưu tiên các lĩnh vực kỹ thuật cao, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kể cả nhân lực. Đồng thời, tăng liên kết vùng để tránh sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia đặt vấn đề đầu tư vào hướng hàm lượng công nghệ lớn, với tính tự động hóa cao thì áp lực giải quyết việc làm sẽ "căng thẳng" hơn. Phản hồi vấn đề này, ông Minh cho rằng, chìa khóa chính là việc đào tạo lại.

“Để nâng cao phát triển kinh tế thì chắc chắn phải thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Chúng ta phải đối phó với việc giải quyết việc làm, phải đào tạo lại. Theo báo cáo của ILO, lao động ngành dệt may và giày dép sẽ bị tác động 86% bởi tự động hoá. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối phó tình hình khó khăn của việc tạo thêm việc làm. Mỗi năm, Việt Nam cần đến 1,5 triệu việc làm mới”, ông Minh trả lời băng khoăn của đại biểu.

Ngay cả trong lĩnh vực chiếm đến 70% lực lượng lao động là nông nghiệp, chính phủ Việt Nam vẫn bày tỏ tham vọng giảm mạnh tỷ lệ này xuống còn 40% trong thời gian tới, chuyển bớt lao động sang mảng công nghiệp và dịch vụ nhưng phải là thế hệ lao động có trình độ chuyên môn cao.

Hay như lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng thừa nhận, công nhân rẻ đã từ lâu không còn là lợi thế cạnh tranh của ngành này. “Lương thấp, suất đầu tư thấp đã không đủ bảo vệ ngành dệt may Việt Nam trước sự cạnh tranh của Campuchia, Bangladesh và kể cả Ấn Độ. Hiện nay lương tối thiểu ngành may ViệtNam chỉ thấp hơn Trung Quốc, còn lại đều cao hơn các nước. Chúng tôi bắt buộc đi vào sản phẩm có yêu cầu khó về kỹ thuật, chọn quy mô đơn hàng vừa và nhỏ để né đối thủ quy mô lớn là Trung Quốc. Với việc tiến lên bậc này, trước mắt các nước như Campuchia hay Myanmar còn khó theo kịp”, vị này nhận xét.

Nhận định về giải pháp duy trì tăng trưởng mới của Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam chỉ ra rằng, giá trị đóng góp của các doanh nghiệp nội địa chỉ mới khoảng 50% và vốn FDI vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong dòng tiền đầu tư. Về dài hạn, Việt Nam cần phải cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng để có thể duy trì tăng trưởng. Sự thay đổi về hạ tầng không chỉ dừng ở việc xây thêm cầu đường mà phải có cải thiện sâu sắc hơn về năng lực logistic.

“Hiện nay, thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn thấp hơn Malaysia và trung bình khu vực. Rõ ràng, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để theo kịp khu vực và thế giới”, chuyên gia này nhận xét.

EIU nhận định, thời gian tới, dù triển vọng tăng trưởng lạc quan nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh cần được cải thiện. Chính phủ đã cam kết sẽ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước nhưng hiệu quả hoạt động ở lĩnh vực tư nhân đang đi xuống. Các diễn biến leo thang về địa chính trị có thể làm suy yếu các quan hệ kinh tế bền chặt trong khu vực.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.