Theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, dự án Nhà hát Thủ Thiêm rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố chờ đợi từ lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc. Trả lời chất vấn về việc xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm tại Quốc hội, đoàn đại biểu TP.HCM cho rằng, Nhà hát sẽ phục vụ nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người thành phố và 33 triệu người dân phía Nam cũng như bạn bè quốc tế đến giao lưu, tham quan và du lịch tại TP.HCM.
Một lý do khác để bảo vệ đề án Nhà hát các lãnh đạo TP.HCM đưa ra là số tiền đầu tư vào nhà hát chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng ngân sách và tổng đầu tư cho các cơ sở hạ tầng xã hội như trường học bệnh viện. Cụ thể theo số liệu trích dẫn từ báo cáo của Đoàn đại biểu TP.HCM trước Quốc hội, trong 5 năm 2016-2020, ngân sách đầu tư để xây dựng bệnh viện và trường học là 34.600 tỉ đồng (chi phí xây dựng Nhà hát chỉ tương đương 4,2% mức đầu tư này). Nếu so với tổng mức đầu tư xây dựng trường học và bệnh viện giai đoạn 2006-2020 thì chi phí xây dựng Nhà hát chỉ bằng 2,6%; còn so với tổng chi ngân sách thành phố thì chỉ bằng 0,42%...
Để bảo vệ quan điểm về xây dựng Nhà hát, Đoàn ĐBQH TP.HCM dẫn Quyết định số 2631 năm 2013 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, dự án nhà hát giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, nguồn vốn xây dựng nhà hát khoảng 1.500 tỉ, đã được thành phố dành riêng từ 2014, không sử dụng cho mục đích khác. Đây thực chất là số tiền thu được từ việc đấu giá khu đất khoảng 3.000 m2 tại địa chỉ 23 Lê Duẫn. Các lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định kinh phí xây dựng Nhà hát không ảnh hưởng tới kinh phí đền bù cho người dân Thủ Thiêm bị thiệt hai, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, y tế, chống ngập…
Như vậy, có vẻ những lý do xây Nhà hát Thủ Thiêm là khá thuyết phục, bác bỏ nhiều lập luận của các ý kiến phản biện. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong tất cả các lập luận ủng hộ đều không đưa ra các con số đánh giá hiệu quả của dự án công theo phương pháp thông thường. Cụ thể trong thẩm định các dự án đầu tư công thì các tiêu chí cơ bản để quyết định có đầu tư dự án công là giá trị hiện tại ròng (NPV) hay suất sinh lợi nội hoàn (IRR) của nền kinh tế có đảm bảo hay không.
Các lợi ích của dự án đối với nền kinh tế, xã hội đều phải được lượng hóa bằng các con số cụ thể để tính toán hiệu quả dự án. Chẳng hạn dự án phải tính toán được doanh thu và chi phí vận hành Nhà hát. Những hiệu ứng lan tỏa khi xây dựng nhà hát đối với vấn đề phát triển kinh tế xã hội tại TP.HCM.
Tuy nhiên, để làm được điều này thường là công việc không hề dễ dàng và các con số được lượng hóa cũng dựa trên các giả định trong tương lai. Dù vậy, các con số cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá tính khả thi của dự án và làm cơ sở để giá hiệu quả của dự án đầu tư công khi đưa vào vận hành.
Một số nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư công ở Việt Nam cho thấy các tiêu chí để lựa chọn dự án đầu tư công ở Việt Nam như NPV, IRR kể cả về kinh tế, lẫn tài chính đều không đóng vai trò quan trọng. Điều này cũng phù hợp với thực tế khi chúng ta chứng kiến hàng trăm công trình công như nhà hát, sân vận động, bảo tàng, tượng đài… ở khắp mọi nơi trong cả nước đều không được sử dụng một cách hiệu quả. Các quy định về pháp luật hiện hành trong đầu tư dự án công cũng không đưa ra các tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng. Có thể đây cũng là lý do khiến cho không ít người dân, chuyên gia không ủng hộ việc xây dựng Nhà hát.