26/03/2015 10:46 AM
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội khẳng định, qua các kênh trao đổi của nhà tư vấn bất động sản này với các nhà đầu tư nước ngoài, đã xuất hiện nhiều hơn một cách rõ rệt những quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Thưa ông, thị trường bất động sản khởi động những tháng đầu năm 2015 với sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ đầu tư cả cũ lẫn mới trong việc phát triển dự án. Là một nhà tư vấn, ông nhìn thị trường năm 2015 ra sao. Liệu đó có phải là những lạc quan quá mức?

Những tháng qua có thể nói là giai đoạn rất đáng nhớ đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Nó đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn để mở ra một chu kỳ mới dù thị trường còn rất nhiều vấn đề nội tại. Bên cạnh sự tích cực từ phía các chủ đầu tư như bạn đề cập, sức cầu cũng không tệ khi khối lượng giao dịch nhà ở tăng ở mức kỷ lục trong các năm gần đây, góp phần giảm đáng kể lượng hàng tồn kho trên thị trường.

Ngoài ra, thị trường đã có những tiền đề cho sự phát triển bền vững khi các chính sách hỗ trợ khá nhất quán, các chủ đầu tư đã quan tâm hơn tới nhu cầu của người mua, đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước mỗi dự án phát triển và những sản phẩm đưa ra thị trường hầu hết đáp ứng được nhu cầu của người mua. Quy luật cung cầu đã thể hiện rõ dựa trên diễn biến của thị trường. Đối với người mua thì tâm lý cũng đã được cải thiện rõ rệt.

Nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2015 được Savills đánh giá là đang trên đà phục hồi, đặc biệt phân khúc căn hộ để bán được dự báo có sự phục hồi nhanh hơn. Trong năm 2015, thị trường tiếp tục hướng đến các sản phẩm có vị trí và chất lượng tốt, tiến độ xây dựng đảm bảo và được quản lý chuyên nghiệp. Đồng thời, bất động sản nghỉ dưỡng cũng hứa hẹn là một lựa chọn đầu tư giàu tiềm năng của thị trường.

Trong dấu hiệu hồi phục chung của thị trường, ông có thể đánh giá về từng phân khúc cụ thể?

Với nhiều yếu tố tích cực cho thị trường, ngoài phân khúc căn hộ để bán, thị trường văn phòng tại khu vực trung tâm cũng cho thấy khả năng phát triển, phần lớn là do sự gia tăng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi nền kinh tế chung khởi sắc. Điển hình là gần đây một số tổ chức nước ngoài có nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Thêm vào đó, tại Hà Nội, với các trung tâm tài chính quanh khu vực Hoàn Kiếm, khu vực trung tâm thương mại phía Ba Đình với dự án Lotte và khu vực phía Tây Hà Nội bao gồm Mỹ Đình và Từ Liêm hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài phân khúc văn phòng, các phân khúc khác như căn hộ dịch vụ, bán lẻ, khách sạn đều đang trong quá trình điều chỉnh để tiếp tục phát triển, sau khi đã trải qua rất nhiều thách thức, dường như cả chủ đầu tư cũng như các khách hàng đều đã định hình đường hướng đi cũng như các phương thức phát triển riêng nhằm thích ứng với chuyển động của thị trường.

Nhiều nhận định cho rằng, tại Hà Nội, sau những chuyển động lạc quan của phân khúc chung cư tầm trung năm 2014, năm nay sẽ là năm của các dự án đất liền kề, biệt thự. Ông đánh giá ra sao về nhận định này? Theo ông, trong phân khúc này, các dự án phải hội tụ những yếu tố nào mới có thể hấp dẫn khách hàng?

Theo tôi, sẽ khó có thể nói rằng thị trường hoàn toàn thuộc về phân khúc nào, mà mỗi phân khúc sẽ có chu trình phát triển của riêng nó.

Gần cuối năm 2014, hoạt động của các dự án liền kề và biệt thự đã có một chút khởi sắc. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các khách hàng hiện nay có xu hướng quan tâm đặc biệt đến các bất động sản đã xây xong, sẵn sàng bàn giao để có thể chuyển vào ở ngay. Họ không chỉ lựa chọn dựa trên chất lượng xây dựng mà còn để ý tới cảnh quan, tiện ích và cộng đồng xung quanh.

Theo tôi, điểm mấu chốt để khách hàng đưa ra việc lựa chọn sản phẩm cuối cùng vẫn là: sản phẩm có thực sự là một cơ hội đầu tư hấp dẫn hay không, vị trí dự án, năng lực chủ đầu tư, liên quan đến pháp lý, chất lượng xây dựng, tiến độ xây dựng, điều kiện bàn giao...

Mặc dù thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng thực tế vẫn còn một lượng không nhỏ dự án và các chủ đầu tư vẫn chìm trong khó khăn do thiếu tiềm lực triển khai dự án và chấp nhận phải chuyển nhượng. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động M&A trên thị trường địa ốc trong năm nay?

Trên thực tế, vẫn có nhiều dự án đang phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, với tiến độ thi công chậm trễ, thậm chí ngừng triển khai. Ở tình huống này, chuyển nhượng không phải lúc nào cũng là chìa khóa giải quyết vấn đề và không phải dự án nào cũng có thể chuyển nhượng thành công.

Thị trường chuyển nhượng dự án thật ra cũng giống như bất cứ thị trường nào khác. Người mua chỉ chọn mua sản phẩm hợp lý với mức giá phải chăng và cũng chỉ có số ít người bán có thể bán sản phẩm thành công. Hiện nay, Savills đang hoạt động tích cực trong thị trường chuyển nhượng bất động sản. Với sự am tường về thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn luôn cố gắng tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư kỹ lưỡng trước khi đề xuất danh mục các dự án để họ chọn lựa.

Một trong những điểm mới của Luật Nhà ở sửa đổi là việc mở rộng điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài nhận định thế nào về quy định này và họ đã có những động thái cụ thể nào qua tiếp xúc với Savills?

Khi Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 7, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy rõ những ảnh hưởng của nó đối với thị trường. Tuy nhiên, ngay từ tháng cuối năm 2014, khi Luật sửa đổi được thông qua, chúng tôi đã nhìn thấy những phản hồi tích cực từ các khách hàng là người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, cũng như những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Đã có nhiều hơn những yêu cầu từ phía các khách hàng này.

Với quyền sử dụng thiết thực hơn dành cho tất cả chủ sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ trở nên tích cực hơn với những người tham gia mới.

Được biết, năm nay Savills sẽ kỷ niệm năm thứ 20 tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Nhìn lại quá trình đó, ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản Việt Nam? Liệu có bắt đầu một chu kỳ mới trên thị trường nhà đất?

Chúng tôi sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam trong năm 2015 này. Trong suốt 20 năm qua, nền kinh tế của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực. Mặc dù vẫn còn ở những giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhưng thị trường bất động sản rất giàu tiềm năng bởi quy mô dân số trẻ và nhu cầu nhà ở còn ở mức khá cao.

Sau những phát triển mạnh mẽ năm 2007, cùng với suy thoái kinh tế, địa ốc Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Trên thị trường, giá giảm, tỷ lệ hấp thụ và lấp đầy giảm sút. Tuy nhiên, kể từ nửa sau của năm 2014, Savills đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ phía thị trường. Khách hàng đã bắt đầu quan tâm tới các sản phẩm căn hộ/biệt thự hay văn phòng nhiều hơn. Các nhà đầu tư cũng quay trở lại thị trường khi họ nhìn thấy khả năng thu lời cao từ những chương trình kích cầu/chương trình cho thuê do chủ đầu tư đưa ra. Những người mua để ở thực cũng ghé thăm dự án, nhà mẫu thường xuyên vì ở thời điểm này, họ hoàn toàn có thể trải nghiệm các sản phẩm hoàn thiện trước khi phải quyết định ký hợp đồng.

Trên thị trường văn phòng, các khách thuê cũng tận dụng cơ hội từ thị trường giàu sức cạnh tranh để nâng hạng văn phòng hoặc mở rộng diện tích thuê.

Savills ghi nhận rất nhiều dự án mới bắt đầu được triển khai, bên cạnh các dự án vẫn tiếp tục giữ tiến độ. Trong chu kỳ phát triển của bất động sản, đây chính là thời điểm cần rà soát lại các dự án đang triển khai để đảm bảo chủ đầu tư có thể tận dụng được lợi thế từ những điểm sáng của thị trường trong một vài năm tới đây. Đó cũng là lý do vì sao thời điểm này Savills cũng đang rất bận rộn, chúng tôi đang phối hợp hết sức chặt chẽ với rất nhiều chủ đầu tư cho rất nhiều dự án khác nhau.

Khánh Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.