15/11/2016 2:27 PM
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho rằng: “Việc triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro sẽ ngày càng được hoàn thiện và áp dụng trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đóng góp quan trọng cho tiến trình đổi mới mạnh mẽ của NHNN nói chung và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nói riêng trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra đối với hệ thống các TCTD tại Việt Nam”.
NHNN đã triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Ông có thể chia sẻ về kết quả đến thời điểm hiện nay?
Bản chất, nguyên tắc của phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro là kết hợp thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010.
Bên cạnh đó, việc triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro nhằm thực hiện yêu cầu tại Đề án Cải cách tổ chức và hoạt động thanh tra ngân hàng và thuộc nhóm giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 được đề cập tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Kim Anh
Phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đã được Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai trong những năm gần đây.
Sau hơn 5 năm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với hệ thống TCTD, nhất là đối với các TCTD nước ngoài, một số kết quả đã được ghi nhận trên cả hai định hướng thanh tra tuân thủ và định hướng thanh tra rủi ro như sau:
Thứ nhất, theo định hướng thanh tra tuân thủ, kết quả thanh tra đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các sai phạm của TCTD trong các lĩnh vực hoạt động. Kết quả thanh tra, những biện pháp xử lý và quá trình theo dõi, giám sát thực hiện kiến nghị sau thanh tra đã góp phần nâng cao hiệu lực của công tác thanh tra, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của TCTD cũng như góp phần vào việc củng cố, duy trì và ổn định hệ thống TCTD tại Việt Nam.
Mặt khác, qua quá trình thanh tra tại chỗ, NHNN đã phát hiện được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng.
Thứ hai, theo định hướng thanh tra rủi ro, kết quả thanh tra đã bước đầu xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của TCTD đối với một số loại rủi ro chính liên quan đến các nội dung thanh tra; đánh giá khả năng chống đỡ rủi ro thông qua việc phân tích tình hình tài chính của đơn vị.
Về năng lực quản trị rủi ro, kết quả thanh tra đã tập trung xem xét: chất lượng, hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro, bao gồm việc nhận dạng, đo lường, giám sát, kiểm soát và giảm thiểu, xử lý rủi ro; các yếu tố tác động đến an toàn hoạt động, chất lượng, hiệu quả quản trị rủi ro của đơn vị. Qua đó, NHNN đã kiến nghị, yêu cầu TCTD có biện pháp hạn chế, giảm thiểu, xử lý rủi ro để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật.
Thứ ba, kết quả thanh tra theo định hướng tuân thủ và rủi ro đã giúp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đánh giá đúng thực trạng hoạt động, mức độ an toàn, lành mạnh của TCTD, xác định TCTD yếu kém cần xử lý và đề xuất giải pháp cơ cấu lại phù hợp với điều kiện cụ thể của từng TCTD; hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015.
Thực tế cho thấy, việc triển khai phương pháp này còn nhiều khó khăn nhưng kết quả áp dụng bước đầu rất đáng khích lệ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công này?
Tôi cho rằng những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với các TCTD xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, có thể được tổng kết ở ba vấn đề mấu chốt.
Đó là yếu tố môi trường, hoàn cảnh dẫn đến việc tất yếu phải áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với các TCTD. Hệ thống TCTD tại Việt Nam đang phát triển nhanh về quy mô, phạm vi, hình thức hiện diện, mức độ phức tạp, sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ đi kèm với nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động, đòi hỏi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải có cơ chế, phương pháp thanh tra, giám sát thích hợp để theo kịp và kiểm soát được hoạt động của các TCTD.
Thay vì áp dụng duy nhất phương pháp thanh tra, giám sát tuân thủ, việc áp dụng thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro sẽ kịp thời cảnh báo những nguy cơ về rủi ro của từng TCTD và của cả hệ thống TCTD, qua đó giúp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời, những thành công đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho sự đổi mới về tư duy, cách thức triển khai, thể hiện thông qua các yếu tố cơ bản sau: Chủ động nghiên cứu các thông lệ về thanh tra, giám sát ngân hàng tiên tiến. Điều đáng nói ở đây là không có sao chép hay rập khuôn cứng nhắc, thay vào đó là vận dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt thông qua việc đúc kết bài học kinh nghiệm, tiếp thu và biết vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Bên cạnh đó, luôn coi trọng hoạt động tự đào tạo và đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của thanh tra viên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thanh tra trên cơ sở rủi ro; Kiên định với định hướng đổi mới.
Mặc dù gặp phải những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro nhưng các cán bộ thanh tra luôn cố gắng khắc phục, tìm cách tiếp cận và xử lý hiệu quả, giữ vững niềm tin về những gì phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập.
Đặc biệt, trong quá trình đổi mới tư duy và phương pháp thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã áp dụng thành công lý thuyết về “quản trị sự thay đổi”. Điều kiện, hoàn cảnh khách quan kết hợp với một “tư duy đổi mới và cách thức triển khai hợp lý” đã tạo nên điểm tựa cho những nỗ lực, cố gắng và thành quả bước đầu trong công tác thanh tra trên cơ sở rủi ro của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với các TCTD; giúp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giám sát, giảm thiểu được rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống TCTD, nâng cao năng lực quản trị rủi ro các TCTD.
Tôi tin tưởng rằng, việc triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro sẽ ngày càng được hoàn thiện, đóng góp quan trọng cho tiến trình đổi mới của NHNN nói chung và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra đối với hệ thống các TCTD tại Việt Nam.
Theo ông, những khó khăn, vướng mắc nào cần tiếp tục tháo gỡ để thực hiện thành công phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro?
Quá trình chuyển đổi phương pháp thanh tra từ thanh tra tuân thủ thuần túy sang thanh tra trên cơ sở rủi ro đã đạt được những mục tiêu, kết quả đáng khích lệ, nhưng để triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống các TCTD thì NHNN cần phải tiếp tục xử lý một số nội dung sau:
Đối với cơ sở pháp lý, cần hoàn thiện khung pháp lý để hệ thống thanh tra ngân hàng triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro, như: Quy chế quản trị rủi ro tối thiểu đối với các TCTD, Sổ tay hướng dẫn thanh tra trên cơ sở rủi ro, các tiêu chí đánh giá, xếp hạng rủi ro; Cơ chế đãi ngộ phù hợp với đặc thù hoạt động của cán bộ thanh tra để cán bộ yên tâm phấn đấu và chuyên tâm với nghề...
Bên cạnh đó, rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức, hoạt động thanh tra để phối hợp với Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo phù hợp với đặc thù của ngành ngân hàng và công tác thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với các TCTD (trong đó bổ sung quy định về phương pháp thanh tra mang tính dự báo và cảnh báo sớm).
Liên quan đến hạ tầng cơ sở hỗ trợ cho hoạt động thanh tra ngân hàng, cần hoàn thiện việc xây dựng nền tảng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin hiện đại hỗ trợ cho công tác thanh tra, giám sát, dựa trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện đại hoá toàn diện, đồng bộ công nghệ ngân hàng của NHNN trên các mặt về nghiệp vụ, quản lý và phương tiện kỹ thuật.
Cuối cùng là năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro của TCTD. Quản trị điều hành, quản trị rủi ro luôn có tầm quan trọng đặc biệt, là chìa khóa giúp TCTD thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trước thực trạng năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro của nhiều TCTD tại Việt Nam nhìn chung còn bất cập, trong khi phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro yêu cầu môi trường quản lý rủi ro, các kỹ năng, trình độ quản trị rủi ro của TCTD phải đạt được ở mức nhất định, các TCTD cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ thông qua việc quản lý tài sản nợ - tài sản có theo nguyên tắc của Ủy ban Basel, xây dựng văn hóa quản trị lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho việc áp dụng những nguyên tắc, thông lệ về quản trị rủi ro; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nội bộ trên cơ sở áp dụng hệ thống công nghệ ngân hàng hiện đại để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các rủi ro tiềm ẩn và hỗ trợ cho công tác thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Quan điểm của ông về năng lực, trình độ của cán bộ thanh tra ngân hàng để đáp ứng việc triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro như thế nào?
Một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện tốt phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro là chất lượng nguồn nhân lực của hoạt động thanh tra phải được đảm bảo.
Theo đó, đội ngũ thanh tra viên, giám sát viên có đủ trình độ, nghiệp vụ về ngân hàng và phương pháp thanh tra; hiểu được mức độ phức tạp của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra những phân tích, đánh giá chính xác về những rủi ro tiềm ẩn mà TCTD đang và sẽ gặp phải; có khả năng “thuyết phục” tốt để đối tượng thanh tra chấp nhận những đánh giá, kiến nghị của mình. Ngoài ra, cần phải có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về quản trị rủi ro, thanh tra theo định hướng rủi ro.
Hiện nay, bên cạnh những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, bước đầu đáp ứng được yêu cầu thanh tra trên cơ sở rủi ro, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ thanh tra ngân hàng còn hạn chế trong việc tiếp cận với công nghệ, nghiệp vụ ngân hàng mới và phương pháp thanh tra, giám sát theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, NHNN sẽ tiếp tục thực thi chiến lược, kế hoạch đào tạo, đánh giá và luân chuyển cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng một cách bài bản, khoa học, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, với một loạt các giải pháp cụ thể, đồng bộ, khả thi, trong đó có việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, giám sát cho cán bộ; tổ chức đào tạo trên diện rộng cho toàn bộ cán bộ thanh tra ngành ngân hàng về thanh tra trên cơ sở rủi ro; xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực thanh tra trên cơ sở rủi ro có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp...
Ông có thể cho biết cụ thể định hướng triển khai phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro thời gian tới?
Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thanh tra, giám sát ngành ngân hàng phù hợp với sự phát triển của hệ thống các TCTD và hội nhập kinh tế quốc tế trong ngành ngân hàng, định hướng triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro trong những năm tới phải đạt được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, đối với hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng: Triển khai thành công thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với toàn bộ hệ thống các TCTD, áp dụng thống nhất trong toàn ngành thanh tra ngân hàng; Hoàn thiện và phát triển những điều kiện, nền tảng cho việc thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro (cơ sở pháp lý; mô hình tổ chức; hạ tầng cơ sở, công cụ hỗ trợ; chất lượng nguồn nhân lực).
Thứ hai, hệ thống các TCTD phải có khả năng quản trị rủi ro tốt, áp dụng trình độ công nghệ thông tin hiện đại, nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu về quản trị rủi ro, sẵn sàng đón nhận mô hình thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro.
Thứ ba, NHNN cần nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành có liên quan trong quá trình triển khai xây dựng, ban hành các quy định liên quan đến đặc thù chuyên ngành ngân hàng, phối hợp trao đổi thông tin, cơ chế bảo vệ cán bộ công chức, chính sách thu hút nhân tài.
Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.