19/06/2016 9:17 PM
Trong lúc các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm để “dễ thở” hơn, các chuyên gia đều chung nhận định động thái này khó diễn ra.
Quan điểm này được ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cùng nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Kinh tế 2016 – 2017, tự chủ vượt qua thử thách và đón đầu xu thế dịch chuyển kinh doanh", do Tổ chức giáo dục PTI tổ chức chiều 19/6 tại Hà Nội.
Theo ông Trương Đình Tuyển, thành quả đạt được của kinh tế năm 2015 là tốt, nhưng năm 2016 đã có những dấu hiệu khó khăn hơn. Ông đặc biệt lo ngại khi dư địa để giảm lãi suất cho vay hiện không còn.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tháng 5/2016 mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4% một năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 5,4-7,2% đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức 9,27%.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng các ngân hàng thương mại cổ phần không còn khả năng giảm lãi suất trong năm 2016.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn khiến việc duy trì ổn định mức lãi suất vay như năm 2015 còn khó khăn, chứ chưa nói tới việc giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Các ngân hàng thương mại cổ phần không có khả năng hạ lãi suất, do nợ xấu cơ bản không được giải quyết mà chủ yếu là “lùa” vào VAMC, vì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ. Nợ xấu cao, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp. Lãi suất là vấn đề rất lớn trong năm 2016”, ông Trương Đình Tuyển nói thẳng.
Cũng tỏ ra lo lắng nếu lãi suất đầu ra khó giảm thêm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, thâm hụt ngân sách cũng là nguyên nhân khiến lãi suất không thể giảm. 5 tháng đầu năm, con số thâm hụt ngân sách ở mức 70.000 tỷ đồng. “Thu luôn không đủ bù chi, bội chi tháng sau cao hơn tháng trước. Không đủ chi, Nhà nước sẽ phải đi vay bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ gây áp lực lên lãi suất”, ông Thiên nhìn nhận.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những cam kết giảm lãi suất đầu ra của một số nhà băng lớn như BIDV, Vietcombank... đưa ra vừa qua thể hiện sự hỗ trợ của Chính phủ để giúp doanh nghiệp nhẹ gánh nặng về chi phí vốn. “Với các ngân hàng đã cam kết giảm lãi vay, họ cũng phải “cắn răng” vì điều kiện giảm lãi suất hiện nay là rất khó khăn. Trong điều kiện này tính chia sẻ cao như vậy là rất tốt. Nhưng làm thế cũng khó giải quyết được gốc rễ vấn đề”, Tiến sỹ Trần Đình Thiên chia sẻ.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quả quyết, “không thể chia sẻ đau đớn mãi như vậy, phải quyết liệt xử lý nợ xấu thì mới mong giải quyết được nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. Nợ xấu cao, ngân hàng buộc phải cho vay lãi suất cao để bù đắp lãi suất cho đống nợ cũ”,
Trước xu hướng kinh tế thế giới năm 2016 có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm, ông Tuyển cho rằng, Việt Nam không dễ gì đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đã đề ra.
“Năm 2016 cần hết sức coi trọng tăng cường ổn định vĩ mô, không chạy theo tốc độ tăng trưởng và nếu tăng trưởng đạt mức 6,5%, đã là rất tốt”, ông Tuyển nhận định.
Dù trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng ông Tuyển cho là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư, gồm vốn đầu tư công và ODA.
“Con đường duy nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là cải cách môi trường kinh doanh, bởi hiện chi phí giao dịch của doanh nghiệp quá lớn, chiếm 1% GDP. Giảm được chi phí giao dịch của doanh nghiệp, dù chỉ phân nửa phần trăm thôi cũng mới hy vọng đảm bảo được tốc độ tăng trưởng”, ông nói.
Anh Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.