Khu Đông Hà Nội đang thu hút làn sóng đầu tư, khi vùng đất này nắm được 3 lợi thế đặc biệt về quỹ đất, hạ tầng được đầu tư bài bản và sự xuất hiện của các đại đô thị “đáng sống”.

TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, những vùng đô thị như kiểu phía Đông Hà Nội thì sự tăng trưởng về giá, về lợi nhuận đạt khoảng từ 10% - 15%

Phân tích sâu hơn những lợi thế về khu vực này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Khu vực thu hút tỷ trọng đầu tư cao nhất Hà Nội

Khu Đông Hà Nội đang trở thành “điểm nóng” cho các nhà đầu tư. Ông có thể lý giải về sức hấp dẫn của bất động sản khu vực này?

TS. Nguyễn Văn Đính: Hà Nội là đô thị loại đặc biệt thu hút sự quan tâm cả giới đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Mặt khác, vì là trung tâm của cả nước nên dân số nhập cư không ngừng tăng dẫn đến nhu cầu nhà ở tại đây rất lớn.

Trong khoảng 2- 3 năm trở lại đây, khu vực Đông Hà Nội đang hút các dòng vốn đầu tư lớn, tăng trưởng tốc độ hơn các khu vực khác.

Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giao thông giữa Thủ đô và các tỉnh trọng điểm phía Bắc đang tạo nên một trung tâm kinh tế mới. Nơi đây cũng tập trung các dự án chung cư cao cấp với những tiêu chuẩn khác biệt mà nhiều dự án nội đô chưa có như tiêu chuẩn xanh, công nghệ, thông minh, tạo ra giá trị của những khu nhà ở đáng sống. Từ đó thu hút những tệp khách hàng có thu nhập cao, giới trí thức, giới kinh doanh trẻ và khách nước ngoài.

Do vậy, đánh giá trên tổng thể toàn diện, có thể thấy bất động sản khu Đông đang thu hút tỷ trọng đầu tư cao hơn khu vực khác.

Theo ông, những lợi thế nào sẽ thúc đẩy sự phát triển bất động sản khu vực phía Đông Hà Nội trong dài hạn?

Trong 10 năm trở lại đây, bất động sản phía Đông Hà Nội có tiến trình phát triển ấn tượng. Từ địa hạt của nhà thu nhập thấp, khu vực này chứng kiến cuộc đổ bộ của nhiều ông lớn địa ốc với sự xuất hiện của đa dạng loại hình bất động sản. Để có một sức hút mạnh mẽ như vậy, Khu Đông Hà Nội sở hữu 3 lợi thế:

Một là quỹ đất rộng, địa lý thuận lợi. Khu vực phía đông TP. Hà Nội nằm chủ yếu bên kia bờ sông Hồng, đối diện với khu vực đô thị lõi của Hà Nội như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hồ Tây.

Đây là vùng mà nền tảng là các huyện thuần nông trước đây của TP như Đông Anh, Gia Lâm, về cơ bản còn khá nhiều quỹ đất và có vị trí lợi thế về địa lý như tiếp giáp với các vùng của Thủ đô nằm trên trục đi xuống các cảng biển dưới Hải Phòng, Quảng Ninh, tiếp giáp cả khu vực phía Bắc, là trục kết nối các cảng biển với khu vực phía Bắc.

Với địa lý thuận lợi cùng với những dư địa đất đai của các huyện thuần nông, khu Đông Hà Nội được quy hoạch để trở thành những đô thị đối trọng và kéo giãn mật độ dân cư ra khỏi khu vực lõi trung tâm Hà Nội.

Hai là hạ tầng quy hoạch bài bản. Chủ trương xây dựng khu vực này trở thành chùm đô thị hiện đại văn minh thiết kế mới như những quốc gia phát triển. Trên ý tưởng đó quy hoạch Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cấu trúc sẽ trở thành những đô thị đặc biệt.

Hiện nay tốc độ đầu tư đang được đẩy rất nhanh, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt từng ngày của hạ tầng giao thông và các khu đô thị. Tuyến đường Vành đai 2 được coi là mảnh ghép giúp hoàn hơn thiện bức tranh hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại khu vực này. Cùng với đó, hàng loạt đại công trình như cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, nút giao Cổ Linh, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… đã giúp hạ tầng phía Đông được lột xác.

Theo quy hoạch, trong một vài năm tới, những cây cầu lớn, những tuyến vành đai lớn đang dần thành hình như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở, Hồng Hà, cầu Ngọc Hồi, tuyến Vành đai 3,5; Vành đai 4 sẽ tạo lực đẩy giúp các quận, huyện như Long Biên, Gia Lâm và một phần Hưng Yên trở thành một vệ tinh đắc lực của Thủ đô Hà Nội.

Khu đông sở hữu nhiều lợi thế về hạ tầng.

Hệ thống giao thông hoàn chỉnh giúp cho khoảng cách không còn là vấn đề lo ngại, khu Đông đang đón làn sóng dịch chuyển dân cư mạnh mẽ, ưa chuộng lối sống xanh, sinh thái.

Ba là hình thành những khu đô thị khác biệt. Hiện khu vực phía Đông đang hình thành các khu đô thị xanh, thông minh. Điểm dễ nhận thấy là các đô thị khu Đông đang xâu chuỗi với nhau tạo nên một liên kết giá trị với nhau, tức là các dự án đó tạo ra giá trị tương hỗ lớn cho nhau. Từ chất lượng của hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ đô thị đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sống từ trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, công viên, hồ nước…Các tiêu chí về thẩm mỹ đương đại, quy chuẩn xanh, tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn thông minh phía Đông đang là khu vực dẫn dắt.

Do vậy, theo quan điểm của các nhà đầu tư, phía Đông Hà Nội có tiềm năng vàng.

Tăng trưởng về giá có thể đạt 10-15%

Ông nhận định cơ hội tăng trưởng lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ như thế nào khi đầu tư vào bất động sản khu Đông Hà Nội?

Tất nhiên ở những khu vực được đầu tư bài bản, có chất lượng, thu hút được khách hàng và những giới giàu có, cộng đồng tinh hoa thì ở đó tỷ lệ tăng trưởng sẽ cao hơn.

Tôi cho rằng ở những vùng đô thị như kiểu phía Đông Hà Nội thì sự tăng trưởng về giá, về lợi nhuận đạt khoảng từ 10% - 15% là sẽ đảm bảo được.

Khi quỹ đất khu vực nội thành đang dần cạn kiệt, Hà Nội đã và đang có những chính sách hạn chế dân số tại khu vực lõi trung tâm, chuyển hướng dân sinh đến các khu vực ngoại thành như Long Biên, Gia Lâm và các khu vực vệ tinh như Văn Giang (Hưng Yên).

Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển của Thủ đô và Văn Giang, đến năm 2030, khu vực phía Đông dự kiến có 1,05 triệu dân, tăng 39% so với năm 2022. Những yếu tố về dân số này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại khu Đông trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.