ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

​​​​​​​Mô hình VMI của ông Phạm Nhật Vượng sẽ như thế nào?

07/10/2022 2:27 PM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
Với số điều lệ lên tới 18.000 tỷ đồng, được thành lập bởi người giàu nhất Việt Nam và là ông chủ của doanh nghiệp nổi tiếng Vingroup, đồng thời mô hình kinh doanh cũng hết sức độc đáo, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI JSC) đã gây ra một tiếng vang lớn trong cộng đồng nhà đầu tư, dư luận xã hội trong những ngày gần đây.

Liên quan đến VMI, tôi cũng nhận được hàng loạt câu hỏi của bạn bè thân thiết của mình, những người quen trên mạng xã hội và trong các group chat. Trong đó có một số câu hỏi tiêu biểu như:

- Ông Vượng góp vốn bằng cổ phiếu thì khi cổ phiếu tăng giảm có ảnh hưởng đến vốn điều lệ hay không?

- Ông Vượng đem bán cổ phiếu mình góp vào thì sao?

- Mô hình kinh doanh của VMI như thế nào và liệu có thành công hay không?

- Có nên đầu tư vào các sản phẩm của VMI hay không?

Thậm chí có một số câu hỏi tỏ ý nghi ngờ việc thành lập VMI của ông Vượng.

- Nhà đầu tư liệu có khả năng mất trắng khi hợp tác đầu tư với VMI hay không?

- Liệu đây có phải là hình thức huy động vốn mới sau khi trái phiếu bị bóp nghẹt hay không?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Mô hình VMI của ông Phạm Nhật Vượng sẽ như thế nào?

Có lẽ những câu hỏi đó cũng là mối quan tâm chung của rất nhiều người hiện nay khi đọc những tin tức về VMI. Thật không dễ trả lời một cách rõ ràng tất cả các câu hỏi trên khi mà các thông tin chính thức về mô hình này vẫn chưa được từ phía công ty công bố. Hơn nữa, đây là một mô hình vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam, các quy định pháp luật cũng chưa hoàn thiện. Do đó, chắc chắn trong quá trình vận hành VMI sẽ còn phải điều chỉnh rất nhiều.

Tuy nhiên, với những hiểu biết hạn chế của mình tôi cũng xin mạn phép đưa ra một số góc nhìn, những đánh giá về mô hình hoạt động VMI.

Đầu tiên với thắc mắc của rất nhiều người về việc góp vốn bằng cổ phiếu lên đến 90% cổ phần của VMI. Theo quy định của pháp luật hiện nay cổ đông có thể góp vốn vào doanh nghiệp bằng tiền mặt, cổ phiếu hay bất kỳ tài sản có giá trị nào. Việc vị tỷ phú đô la giàu nhất Việt Nam góp vốn bằng cổ phiếu VIC của VinGroup cũng là điều hoàn toàn bình thường. Với số lượng cổ phiếu là 243 triệu cổ phiếu, tương đương với 16.200 tỷ đồng, tức mức định giá cổ phiếu VIC chỉ có 66.666 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, mức giá này chỉ bằng 50% so với mức đỉnh của VIC tại thời điểm tháng 4/2021 và cao hơn mức 60.000 đồng/cổ phiếu theo giá đóng cửa ngày 06/10/2022. Chưa nói đến việc định giá trị nội tại của VIC có tương xứng hay không, nhưng với mức giá 66.666 đồng được xem là mức hợp lý vì đây cũng gần như mức giá thấp nhất của VIC trong hơn 4 năm qua.

Góp vốn bằng cổ phiếu thì đương nhiên số lượng cổ phiếu đó sẽ là tài sản của VMI, được ghi nhận là một khoản đầu tư của VMI. VMI cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Vingroup (VIC) khi sở hữu 6,3% cổ phần của tập toàn tư nhân lớn nhất Việt Nam nay.

Như vậy, không có việc ông Vượng có thể tự động bán các cổ phiếu VIC của mình đã góp vào VMI vì nó không còn là sở hữu của cá nhân ông Vượng. Đương nhiên sự biến động giá cổ phiếu VIC sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VMI.

Nói về mô hình hoạt động của VMI thì nó cũng không hoàn toàn mới. Trước đây có một số doanh nghiệp của đưa ra mô hình mua chung bất động sản này như ViRex (Công ty được CentLand đầu tư 20 tỷ trên chương trình Shark Tank Việt Nam) hay một công ty trước đó là Real Stake nay đổi tên thành Infina cũng hoạt động mô hình mua chung bất động sản này. Dù cho đến nay các công ty này không có nhiều số liệu chính thức được công bố nhưng có lẽ cũng không mấy thành công.

Mô hình mua chung bất động sản cũng tương tự như Quỹ tín thác bất động sản hay còn gọi là Reit (Real estate investment trust). Tuy nhiên, quy trình của việc thành lập một quỹ đầu tư, việc quản lý là khá phức tạp, chi phí cao, tính linh động thấp. Bù lại quỹ đầu tư được pháp luật bảo vệ với những quy định về quản lý vốn khá chặt chẽ, nên tính an toán cao hơn.

Trở lại với mô hình của VMI, hiện nay một số thông tin không chính thức cho rằng VMI sẽ mua sản phẩm Vinhomes rồi chia thành 50 phần bán cho nhà đầu tư vốn nhỏ. Mối quan hệ giữa nhà đầu tư và VMI là mối quan hệ hợp tác đầu tư. Nhà đầu tư đầu tư các sản phẩm “chung” sẽ được VMI chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng tỷ lệ đầu tư.

Số lợi nhuận phát sinh này có thể là từ hoạt động cho thuê bất động sản hay bán lại cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, nhiều khả năng để tăng tính hấp dẫn của sản phẩm thì VMI sẽ cam kết một mức lợi nhuận hàng năm tối thiểu cho nhà đầu tư giống như cổ phiếu ưu đãi. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư của nhà đầu tư cũng có thể được “chứng chỉ hóa” và mua đi bán lại cho nhà đầu tư khác như là một sản phẩm tài chính trên sàn giao dịch nào đó hay có thể mua bán trực tiếp cho nhau.

Như vậy, xét bề ngoài tôi cho rằng những sản phẩm của VMI trong đầu tư chung bất động sản xem ra cũng khá hấp dẫn. Với số vốn điều lệ lớn, uy tín, thương hiệu sẵn có thì nhiều khả năng các sản phẩm “đầu tư chung” của VMI sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy vậy, để trả lời những thắc mắc của nhiều người về mục đích thực sự của VMI và những rủi ro, tính pháp lý của nó, tôi xin phép nêu ra quan điểm của mình trong bài tiếp theo. Tất nhiên, đây chỉ là những góc nhìn và phân tích của tôi với những thông tin hiện có. Nó không nhất thiết là chính xác những gì xảy ra đối với VMI trong tương lai.

Tôi xin nhắc lại những sản phẩm mà VMI dự kiến cho ra mắt vẫn còn khá mới. Có thể nó còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật mới trong tương lai chứ không chỉ là với các quy định hiện có.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.