CafeLand - Tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ còn 6%, thấp hơn khá nhiều so mức tăng trưởng của năm 2015. Đây là một chỉ báo cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại. Nhìn ra bên ngoài thấy điều kiện cho tăng trưởng kinh tế không thuận lợi khi thế giới đang đối mặt với một cuộc “khủng hoảng” mới. Cũng cần nhắc lại rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể phải dừng lại. Nhìn sâu hơn vào nội tại của nền kinh tế Việt Nam thấy có nhiều thử thách từ các yếu tố có tính chất nền tảng. Tấ

Ảnh: Trần Phong

Donald Trump và cuộc chơi mới trên toàn cầu

Sự kiện đáng chú ý nhất thế giới trong năm vừa qua là việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Đây là điều nằm ngoài dự đoán của không ít người, nằm ngoài sự mong đợi của nhiều nhà kinh tế, chính trị gia trên toàn cầu. Trong đêm bầu cử khi ông Trump giành được thắng lợi, một loạt chỉ số chứng khoán toàn cầu chao đảo. Các chỉ số chứng khoán châu Á mất 3-5% ngay khi có những thông tin này. Tuy nhiên, đây dường như là một phản ứng tâm lý quá mức của nhà đầu tư. Ngày sau khi rớt điểm thê thảm thì nhiều chỉ số chứng khoán đã bật dậy. Điều này cho thấy giới tài chính tin tưởng vào những chính sách của tổng thống mới của nước Mỹ. Đối với bản thân nước Mỹ việc Donald Trump thắng cử có thể mang lại một cú hích cho nền kinh tế nước này. Việc tăng ngân sách cho quốc phòng, cơ sở hạ tầng và trục xuất bộ phận dân nhập cư trái phép là một chính sách kích cầu cho nội tại kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó với khẩu hiệu tranh cử "Make America great again", ông Trump đã thu hút được hàng triệu cử tri. Những người dân da trắng đến Mỹ từ lâu và đang cảm thấy bị bỏ rơi lại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thu nhập của họ tăng không đáng kể trong suốt một khoảng thời gian dài, thậm chí mất việc làm và bị cạnh tranh bởi hàng triệu người dân nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Do vậy, chính sách “hướng nội” của Donald Trump có thể phần nào thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho nước Mỹ trong ngắn hạn và tạo ra công ăn việc làm cho tầng lớp lao động có kỹ năng thấp trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều người còn kỳ vọng với tính cách mạnh mẽ và chính sách táo bạo, vị tân tổng thống này có thể làm kinh tế Mỹ “great again”.

Bên cạnh những mặt được xem là tích cực đó không ít người bày tỏ lo ngại khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Ông được xem là người kỳ dị, phi truyền thống và tính cách không thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị thường thấy như các nguyên thủ quốc gia trước đây của nước Mỹ. Các chính sách của ông đưa ra có thể có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu lẫn nền kinh tế Mỹ. Chính sách “dân túy, hướng nội” của Donald Trump dường như đi ngược với “giá trị Mỹ” đã được hình thành trong hàng trăm năm qua. Quan điểm của ông có thể thổi bùng làn sóng kỳ thị người đến từ châu Á, châu Phi, Mỹ La Tinh… Hay việc hủy bỏ chương trình Obamacare sẽ dẫn đến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế, gây nên nhiều hệ quả nghiêm trọng cho nhiều người trong xã hội.

Đáng chú ý là việc Donald Trump tuyên bố Mỹ rời khỏi TPP và xem xét lại các hiệp định thương mại tự do khác. Chính sách này có thể đảo ngược xu hướng toàn cầu hoá hiện đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thương mại toàn cầu và sự dịch chuyển nguồn lao động giữa các quốc gia. Ngoài ra, những tuyền bố của ông còn cho thấy nước Mỹ sẽ “ít tham gia” hơn vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh, nhân quyền... Như vậy, vị tổng thống tỷ phú quyền lực nhất hành tinh này có thể làm cho vấn đề môi trường, chính trị thế giới ngày càng phức tạp.

Một sự kiện khác cũng rất đáng chú ý đó là người dân Anh đã bỏ phiếu đưa nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế nước Anh và châu Âu mà còn có thể gây ra một hiệu ứng tiêu cực lây lan trên toàn cầu. Sự kiện người dân anh bỏ phiếu “thuận” cho thấy bắt đầu có những rạn nứt trong nội bộ Liên minh châu Âu. Việc không đồng đều về trình độ phát triển, nền tảng văn hóa và các chính sách quản trị quốc gia trong khi phải chơi một “luật chơi” chung về thương mại, kinh tế, dùng một đồng tiền chung đã làm cho liên minh này xuất hiện nhiều bất cập. Các quốc gia như Hi Lạp, Italia, Tây Ban Nha… đang gặp nhiều khó khăn và là một gánh nặng cho liên minh châu Âu. Do vậy, có thể sau Anh một số quốc gia khác ở châu Âu xem xét đến rời khỏi liên minh này hoặc “co cụm” lại.

Nhìn về khu vực châu Á ta thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đang đã tăng trưởng chậm lại đáng kể và đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại của mình. Theo IMF, GDP của Trung Quốc có thể chỉ tăng 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Đây là năm thứ sáu liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này sụt giảm. Không chỉ kinh tế tăng trưởng chậm lại mà Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội tại như việc ô nhiễm môi trường, bất ổn xã hội, nợ công của các chính quyền địa phương và nợ xấu trong hệ thống tài chính.

Thị trường tài chính năm 2016 tăng giá mạnh mẽ. Trong năm qua các chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 15%, S&P 500 tăng 12,15%, FTSE 100 tăng 15,72%. Tại châu Á chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,91%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 3,07%. Trong khi đó các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đều sụt giảm rất mạnh như Shanghai và CSI 300 giảm gần 15%. Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc cho thấy những khó khăn của nước này là rất rõ ràng. Trong khi đó, giá nhiên liệu như dầu thô, ga và giá các kim loại trong năm 2016 tăng mạnh. Giá thép và nickel cũng lần lượt tăng 25% và 50%. Trong các loại nông sản giá cao su tăng khá mạnh còn gạo và ngô giảm giá.

Đà tăng trưởng kinh tế đã chững lại

Tăng trưởng GDP Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Với Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2016 chỉ đạt khoảng 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức 6,88% của năm trước và không đạt mục tiêu đề ra đầu năm. Trong năm 2016, ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề và gần như không có tăng trưởng. Lũ lụt miền Trung, hạn mặn ở miền Tây và hạn hán Tây Nguyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp Việt Nam. GDP lĩnh vực nông nghiệp trong 9 tháng 2016 chỉ tăng 0,65%, mức rất thấp so với những năm trước đó. Số liệu thống kê cũng cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp thời gian qua cũng chỉ đạt 7,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước. GDP không giảm sâu hơn là nhờ khu vực dịch vụ tăng hơn năm trước khá nhiều.

Cấu trúc GDP trong 9 tháng theo sử dụng thì tiêu dùng cuối cùng tăng 6,97% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 4,96 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 10,12%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 1,90 điểm phần trăm tăng trưởng.

Một điểm đáng lưu ý là tăng trưởng GDP trong năm 2016 lại được thúc đẩy rất lớn bởi đầu tư vốn xã hội. Trong 9 tháng năm 2016, tổng đầu tư toàn xã hội bằng 33,1% GDP. Đây là mức khá cao so với mức trung bình 3 năm lại đây chỉ có khoảng 31%. Điểm đáng lưu ý khác là vốn đầu tư khu vực FDI tăng rất mạnh trong 2 năm trở lại đây và là nguồn động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Xét về con số tuyệt đối, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với nhiều quốc gia khác nhưng đà tăng trưởng bị giảm sút. Một điểm cần lưu ý khác là tăng trưởng GDP nhờ vào tỷ lệ đầu tư và tiêu dùng cuối cùng tăng mạnh. Điều này cho thấy chất lượng tăng trưởng không hề được cải thiện mà còn sụt giảm so với năm trước. Đây là một dấu hiệu rất đáng ngại đối với nền kinh tế.

Cùng với chỉ tiêu tăng trưởng thì yếu tố đáng lưu ý khác đối với kinh tế vĩ mô là những yếu tố khác như lạm phát, xuất nhập khẩu, tỷ giá…. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 11 tháng đầu năm tăng 4,52%. Đây là mức khá so với những năm gần đây. Tuy nhiên, xét về bản chất CPI tăng mạnh lại chủ yếu do đóng góp của những yếu tố có tình chất “nhân tạo” do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Nếu loại bỏ 2 yếu tố được điều chỉnh bởi Nhà nước và ít có tác dụng trên thực tế thì lạm phát thực sự của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2%, một mức khá thấp và tương đương lạm phát các nước trong khu vực.

Về tỷ giá năm vừa qua cũng khá ổn định ngoài trừ đợt “sốt” vào cuối năm sau khi Donald Trump trúng cử tổng thống. Hiện tỷ giá đang được giao dịch phổ biến quanh mức 22.700 VND/USD. Nguyên nhân khiến tỷ giá ổn định trong thời gian qua là do Việt Nam vẫn duy trì được thặng dư cán cân thanh toán. Trong 11 tháng đầu năm đạt Việt Nam xuất siêu 2,84 tỷ USD. Các dòng ngoại tệ khác như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam khá lớn. Năm 2016, dự trữ ngoại tệ của NHNN đã tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian gần đây một phần do đồng USD lên giá so với đồng tiền khác, một phần do tâm lý người dân.

Về khía cạnh thương mại năm 2016 tiếp tục có những diễn biến khá tích cực. Trong 11 tháng của  năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 159,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,4 tỷ USD, tăng 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 114,1 tỷ USD, tăng 8,7%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung khu vực FDI đóng góp rất lớn trong xuất nhập khẩu và là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thị trường tiền tệ mặt bằng lãi suất hiện nay được xem là có mức thấp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay ở Việt Nam lại rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới và so với chính lạm phát Việt Nam trong những năm qua. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí vốn doanh nghiệp và tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Tín dụng tăng 14,57%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Như vậy, so với năm trước tín dụng năm 2016 đã tăng thấp hơn đáng kể. Về nợ xấu, theo con số chính thức nợ xấu được kiểm soát ở dưới mức 3% và có xu hướng giảm. Tuy vậy, vẫn có không ít ý kiến lo ngại tình trạng nợ xấu hiện nay đang rất trầm trọng và những con số công bố chính thức đó không phản ánh đúng thực tế.

Nền tảng yếu kém chậm được khắc phục

Lạm phát của Việt Nam qua các năm (mức tăng CPI). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ví von “kinh tế Việt Nam bay dựa vào hai đôi cánh là hội nhập quốc tế và cải cách thể chế”. Hội nhập là việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và mở cửa, còn cải cách thể chế là việc đổi mới, cởi trói trong chính sách. Thực tế, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh sau khi đổi mới vào năm 1986. Sự “cởi trói” này đã làm giải phóng các nguồn lực xã hội nên đã thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Trong những năm gần đây, đà tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi việc Việt Nam mở cửa mạnh mẽ để thu hút vốn đầu tư. Hiện Việt Nam đã tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với khoảng 180% GDP. Đây là một mức khá cao và cho thấy kinh tế Việt Nam có một độ mở rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc thế chế chậm đổi mới, kém thích ứng và bất cập đang là rào cản rất lớn đối với đà tăng trưởng, thậm chí tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng dài hạn.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các năm

Ở một góc nhìn khác có thể xem kinh tế Việt Nam đang đứng trên ba chân kiềng là khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước. Hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp gần 30% GDP. Thành phần chủ yếu của kinh tế khu vực nhà nước là đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của khu vực này rất kém dù được thừa hưởng một nguồn lực rất lớn từ tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tín dụng và chính sách. Điển hình của sự yếu kém này có thể thấy là hiệu quả đầu tư công kém hiệu quả hay các tập đoàn khổng lồ như Vinashin, Vinalines thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Thành phần kinh tế ngoài nhà nước hiện đóng góp khoảng 43% GDP đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, thành phần này đang ngày càng khó khăn và có tỷ lệ đóng góp cho GDP giảm dần. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng yếu so với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu Chính phủ không có những chính sách phù hợp để hỗ trợ và tự bản thân doanh nghiệp không đổi mới thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ.

Chân thứ ba của nền kinh tế vẫn đứng vững là doanh nghiệp FDI ngày càng khẳng định mình. Hiện khu vực kinh tế nước ngoài đóng góp khoảng 18% cho GDP Việt Nam. Trong những năm qua tỷ lệ này tăng lên không ngừng. Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, sở dĩ doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững là do họ không chịu tác động nhiều bởi thế chế và môi trường vĩ mô trong nước. Doanh nghiệp FDI đáng góp phần lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và là khu vực mang lại xuất siêu cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đó thì cũng có những doanh nghiệp FDI mang lại hiệu ứng tiêu cực khi vào Việt Nam với mục tiêu chính là tận dụng đất đai, tiêu chuẩn môi trường thấp, điện giá rẻ, ưu đãi về thuế… Trong số các doanh nghiệp đó, điển hình là Formosa.

Những điểm nghẽn lớn khác ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính, nợ công, hiệu quả đầu tư công và hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Hệ thống đào tạo nhân lực tại các trường đại học Việt Nam tụt hậu và không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thiếu đồng bộ làm cho chi phí hoạt động doanh nghiệp cao và không thuận lợi. Hệ thống tài chính Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập làm cho chi phí vốn doanh nghiệp cao… Việc phân bố các nguồn lực của nền kinh tế đang bị méo mó dẫn đến hiệu quả toàn nền kinh tế thấp. Phần lớn nợ xấu đã công bố hiện nay đang “cất giữ” tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mà chưa có một biện pháp xử lý hữu hiệu nào. Nợ công ngày càng phình to và chưa có giải pháp hiệu quả để giảm chi tiêu công. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn không đạt như mong đợi và vẫn chưa có giải pháp để quản lý một cách hiệu quả DNNN.

Triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

Hiện độ mở của nền kinh tế Việt Nam (kim ngạch xuất nhập khẩu, dòng vốn nước ngoài so với GDP) rất lớn. Do vậy, bất kỳ một biến động nào của kinh tế hay chính trị của thế giới cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Việc Cục dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể tác động đến các dòng vốn đầu tư dán tiếp và trực tiếp tới Việt Nam. Nếu hiệp định TPP không được thông qua, thì làm làn sóng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội TPP sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nếu không có hiệp định TPP thì tiến trình cải cách thể chế của Việt Nam bị chậm lại. Những chính sách của Donald Trump và nội các của ông có thể làm cho thế giới càng trở nên rủi ro hơn.

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2017, một số chuyên gia cho rằng kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đi ngang. Tức là tăng trưởng GDP vẫn sẽ được duy trì quanh mức 6%. Điều kiện để xảy ra kịch bản này là kinh tế thế giới không có nhiều biến động, các chính sách trong nước ổn định và không có thiên tai bất ngờ. Theo đó các chỉ số vĩ mô khác như lạm phát, tỷ giá, lãi suất, nợ xấu cũng sẽ trong tầm kiểm soát.

Cụ thể lạm phát năm 2017 vẫn sẽ được duy trì quanh mức 3-4%, tỷ giá quanh mức 22.300 – 22.600 VND/USD, lãi suất có thể cao hơn mức hiện nay 0,5-1% do áp lực về thanh khoản của các ngân hàng có thể cao hơn. Các chỉ số vĩ mô khác như kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng 3-5%; đầu tư trong nền kinh tế vẫn ở mức 32-33% GDP; tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20%...

Với xu thế hiện nay, kinh tế Việt Nam khó có một bước tăng trưởng đột biến thay vào đó khả năng suy giảm mạnh sẽ lớn hơn nếu có sự biến động mạnh của kinh tế, chính trị thế giới. Ngoài ra, nếu Nhà nước thực hiện quyết tâm cải cách nền kinh tế thông qua việc tập trung mạnh cho việc xử lý nợ xấu, tái cấu trúc đầu tư công và xử lý những yếu kém của DNNN và hệ thống ngân hàng thì nhiều khả năng kinh tế sẽ có nhiều biến động lớn. Tuy nhiên, điều này có thể là cần thiết và tốt cho tương lai dài của nền kinh tế Việt Nam.

Dài hạn hơn, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Mặc dù đang đứng trước nhiều cơ hội to lớn trên con đường hội nhập và phát triển nhưng với nền tảng vĩ mô, nguồn nhân lực và thể chế hiện tại Việt Nam khó có một bước đột phá nào trong phát triển. Thay vào đó những vấn đề có tính yếu kém trong nền tảng vĩ mô, ô nhiễm môi trường… sẽ tích tụ ngày càng lớn. Việt Nam khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” như rất nhiều quốc gia khác.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.