Các dữ liệu cụ thể được ông Tuyển nhấn mạnh là doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn. Quý 1 năm nay, số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là 16.175, tăng 14,2% so với quý 1/2014.
Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vẫn chậm được cải thiện, một phần vì nợ xấu không được giải quyết thực chất, một phần vì trái phiếu Chính phủ và các gói lãi suất chính sách chèn lấn lãi suất kinh doanh thông thường.
Trong bối cảnh đó, đóng góp vào GDP của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Năm 2014 chưa có số liệu nhưng chắc chắn cao hơn.
Cũng vậy, giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng liên tục từ 2005 đến nay, năm 2013 đã chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Còn trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014, khối FDI chiếm gần 68%.
“Với xu thế này, quan điểm kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo - mà không ít người không đồng tình - thì trên thực tế cũng không phải vậy”, ông Tuyển nhìn nhận.
Đây cũng là vấn đề đã được vị chuyên gia này đặt ra từ Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014.
Khi đó, ông nói: “Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 nêu ra quan điểm cực kỳ đúng đắn rằng là nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng. Nhưng mà hiện nay nền kinh tế của chúng ta FDI chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Như vậy, tăng trưởng kinh tế không làm tiềm lực kinh tế quốc gia mạnh lên, không làm khu vực trong nước mạnh lên, ngược lại làm doanh nghiệp trong nước yếu đi”.
Và theo ông, đây là “câu hỏi cực lớn”, liên quan đến quan điểm phát triển, dứt khoát phải thảo luận, và phải có lời giải đáp là Việt Nam có chấp nhận thực trạng này hay không.
Điều cần phải thay đổi, theo chuyên gia Trương Đình Tuyển là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân).
Một tác giả tham luận khác của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, TS. Trần Tiến Cường cũng khuyến nghị, khi có sự mở cửa, hội nhập, có sự cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch giữa các khu vực kinh tế thì vai trò đó của kinh tế Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước buộc phải xem xét lại, có thể trở thành không quan trọng.
Đối với những ngành, lĩnh vực hay những doanh nghiệp Nhà nước không quan trọng, trong bối cảnh nghị quyết của Đảng coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế thì cần khẳng định đích cuối cùng của cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là tư nhân hoá - tức mọi sở hữu đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp đều thuộc về tư nhân, ông Cường bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia thống kê Bùi Trinh, ở tham luận về cấu trúc vốn đầu tư và đóng góp của các loại hình doanh nghiệp cũng cho biết, khu vực kinh tế Nhà nước tuy có tỷ trọng đầu tư rất cao, tới 56,6% và 44,7% trong hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010, nhưng tạo việc làm mới thậm chí âm.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI và khu vực kinh tế Nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước khá nhiều, mặc dù hai khu vực này được đủ mọi loại ưu đãi của chính sách, ông Bùi Trinh nhận xét.
Cần thiết phải thay đổi tư duy về xác định động lực mới, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, đó là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, chuyên gia Bùi Trinh khuyến nghị.