03/07/2017 10:15 AM
Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,73%, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%, đây là một thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế thế giới và Việt Nam mặc dù có những dấu hiệu khởi sắc, song chưa thực sự vững chắc và ổn định...

Để hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2017, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.

-Trên cơ sở những kết quả đã được trong 6 tháng đầu năm 2017, xin ông cho biết có những lưu ý gì đặt ra cho nền kinh tế những tháng tiếp theo?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5,73% so cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2015 và 2011, nhưng cao hơn mức tăng của 3 năm 2012-2014 và năm 2016. Trong đó, quý 1/2017 tăng 5,15%, quý 2 tăng 6,17%, tốc độ tăng GDP quý 2 cao hơn quý 1 trên 1% (độ doãng về tăng trưởng giữa hai quý). Đây là mức bứt phá cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,16%, thấp hơn mức tăng 4,96% của quý 1 cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm dần và duy trì ở mức hợp lý, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%, nhập khẩu hàng hóa tăng 24,1%. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy của nền kinh tế tăng cao (tiêu dùng dân cư tăng 7,02%, tích lũy tài sản tăng 9,5%), đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tôi cho rằng, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, cần lưu ý như: giải ngân vốn đầu tư còn chậm, vốn trung ương quản lý đạt 26.000 tỷ đồng, bằng 37,1% kế hoạch năm; đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có sự bứt phá, cơ cấu nền kinh tế chưa có sự thay đổi lớn. Công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, tỷ lệ chi phí trung gian cao, tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng hóa thấp; năng suất lao động, hiệu quả vốn đầu tư và năng suất tài sản, năng suất nhân tố tổng hợp có cải thiện song vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới...

Bên cạnh đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng gia tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, sản xuất quy mô lớn (cánh đồng mẫu lớn) đã được hình thành. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này còn chậm và cần có thời gian. Mức nhập siêu quay trở lại với mức ước tính 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, cùng kỳ năm 2016 xuất siêu 1,3 tỷ USD.

-Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được xem là rất nặng nề. Với một loạt giải pháp Chính phủ đặt ra, đặc biệt là giao chỉ tiêu kinh tế cụ thể cho từng Bộ, ngành, theo ông, hoàn thành nhiệm vụ này, các Bộ, ngành cần có giải pháp gì?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 5,73%, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2017 phải đạt trên 7,4%, đây là một thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam có những dấu hiệu khởi sắc, song chưa thực sự vững chắc, ổn định và bứt phá. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng chủ yếu trong nước và trên thế giới giảm; tỷ giá 6 tháng đầu năm tương đối ổn định nhưng chịu sức ép tăng giá của một số ngoại tệ mạnh, thiên tai luôn rình dập, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017 vẫn khả thi bởi các yếu tố như: số lượng doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là rất lớn, phong trào khởi nghiệp được lan rộng và phát huy có hiệu quả sẽ là nguồn lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2017 tăng 10,5%, ước tính cho cả năm 2017 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện chiếm khoảng 34-35% GDP sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư địa tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 cho nền kinh tế còn lớn, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương đang thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động và đẩy mạnh giải ngân cũng là một trong những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

-Xin ông cho biết, Tổng cục Thống kê đã tham mưu với Chính phủ, các Bộ, ngành như thế nào để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ quyết tâm đạt được trong năm nay?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Với kết quả tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm 2017, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm, Tổng cục Thống kê đã tính toán và xây dựng kịch bản kinh tế chi tiết cho từng ngành kinh tế và các ngành sản phẩm chính, từng khu vực kinh tế cho 6 tháng cuối năm 2017.

Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2017 tăng trưởng GDP phải đạt trên 7,4%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt trên 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng phải gần 9%; khu vực dịch vụ phải đạt 7,94%. Tôi cho rằng đây là mục tiêu rất khó khăn, song không phải là không có cơ sở để thực hiện.

-Theo ông, để hoàn thành kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ cần phải có sự nỗ lực như thế nào trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ cần tiếp tục tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu kinh tế vùng và cơ cấu sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thể chế; trước mắt cải cách thủ tục hành chính; tăng cường vai trò điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình hội nhập.

Đồng thời, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp, tạo dựng tính liên kết và trục kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp; khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực...

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động, phải coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về đất đai, thuế, phí, thủ tục hành chính... để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó tăng trưởng được sản lượng sản xuất. Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với thị trường nhất là thị trường trong nước.

Bên cạnh những giải pháp trên, tôi cho rằng, chúng ta cần phải mở rộng thị trường, chú trọng thị trường trong nước với dân số hơn 90 triệu dân. Có chính sách, hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo nhiều việc làm mới, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao thu nhập của người dân... /.

Thúy Hiền (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.