23/06/2015 9:14 AM
Với việc hàng loạt ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động đang khiến mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Ông Trần Hoàng Ngân.

Ông Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, cho rằng, chỉ khi Chính phủ có gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ và căn cơ là phát triển thị trường vốn, doanh nghiệp mới có thể tự chủ được nguồn vốn trung, dài hạn.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ luôn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc các ngân hàng thương mại đang tăng lãi suất đầu vào trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng như thế nào đến yêu cầu này, thưa ông?

Theo tôi, vấn đề lãi suất phải hình dung theo quy luật cung cầu. Lãi suất là cái giá mà người vay phải trả cho người cho vay và tùy theo cung cầu vốn. Hiện nay hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và nhu cầu vay vốn cũng ở mức độ chứ không tăng ào ạt như một số dự báo.

Do đó việc các ngân hàng hiện nay có tăng lãi suất huy động cũng chỉ là tạm thời. Còn xét theo xu hướng thì lãi suất huy động sẽ không tăng như những ngày qua. Vấn đề mong muốn của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cũng chỉ là mong muốn thôi.

Nếu muốn ước mơ thành hiện thực thì phải hành động, tức là Ngân hàng Nhà nước phải hành động bằng các công cụ của các chính sách tiền tệ. Với thực tế hiện nay, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét chỉ số CPI tháng 6 và tình hình nhập siêu của 6 tháng và để giữ sự hài hòa chính sách tỷ giá.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa phải nhìn tỷ giá, vừa phải nhìn vào lạm phát để quyết định chính sách lãi suất theo mục tiêu mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng quả thực, Ngân hàng Nhà nước đang gặp thách thức do tình hình nhập siêu ở mức cao, chính vì vậy, vấn đề kiểm soát nhập siêu cũng có tác động nhất định đến quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại trần lãi suất huy động được áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo ông, với sự ổn định của lãi suất hiện nay, có nên bỏ trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn này không?

Tôi nghĩ rằng, trần lãi suất huy động bỏ cũng được chứ không có vấn đề gì. Khi chúng ta đủ lực và thị trường đã quen với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước rồi, nhất là Ngân hàng Nhà nước nói, làm và hành động theo những gì đã cam kết. Đó là cái mà chúng ta đã dẫn dắt giống như một cái bóng trần.

Ví như, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết chính sách tỷ giá sẽ điều chỉnh ở mức độ bao nhiêu %, thì cam kết đó coi như là cái bóng trần, mặc dù không nói ra.

Trong thực tế hiện nay, cơ hội giảm lãi suất trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ như thế nào, thưa ông?

Đối với bài toán lãi suất trung dài hạn muốn giảm, tôi nghĩ sẽ rất khó, trừ trường hợp Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có một gói hỗ trợ cho vay trung dài hạn giống như gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đang triển khai.

Gói hỗ trợ này được triển khai theo hướng giúp doanh nghiệp có nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ bằng nguồn vốn với lãi suất rất thấp khoảng 5-6%/năm và ổn định trong 5 - 10 năm.

Nếu như triển khai được gói tín dụng này, ngay lập tức sẽ giúp giải bài toán vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Gói tín dụng cho vay trung và dài hạn này phải có hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ. Còn các ngân hàng thương mại kinh doanh theo thị trường, nên lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ là lãi suất đầu vào cộng với chi phí hoạt động.Chẳng hạn, ngân hàng huy động 6%/năm và cho vay 9%/năm.

Tuy nhiên, với lãi suất đầu vào ước tính là mức đó nhưng1-2 năm lạm phát tăng lên và đẩy lãi suất tăng thì doanh nghiệp không dám vay trung và dài hạn và không đầu tư máy móc công nghệ hiện đại nên năng suất lao động kém, sản phẩm không có sức cạnh tranh.

Bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn đầu tư công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh nhưng không có tiền đầu tư. Do đó, vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ (vốn, chính sách...) cho doanh nghiệp là rất quan trọng.

Tuy nhiên, giải pháp được ông nêu ra sẽ chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn trước mắt. Vậy theo ông, giải pháp căn cơ và lâu dài hơn để doanh nghiệp có thể tự chủ được nguồn vốn trung, dài hạn cho đầu tư là gì?

Theo tôi, giải pháp căn cơ ở đây chính là phát triển thị trường vốn. Điều này đã được minh chứng trong lịch sử và chính thị trường vốn sẽ giúp giải quyết cung cầu vốn trung, dài hạn trên thị trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, môi trường, sự minh bạch và hiệu quả của thị trường vốn đòi hỏi phải có thời gian.

Chúng ta đang quyết tâm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp tốt và hoạt động có hiệu quả chứ không phải chỉ có những doanh nghiệp yếu kém.

Như vậy, sản phẩm trên thị trường sẽ là những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đây là yếu tố để thu hút đầu tư. Hiện tại mức vốn hóa trên thị trường chỉ tương đương với 30% GDP.

Tuy nhiên, cần phải có giải pháp để đưa mức vốn hóa này lên 60-80% GDP thì mới giải quyết được bài toán vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Như hiện nay thì tạo gánh nặng rất lớn cho ngành ngân hàng.

Trong giai đoạn giao thoa, giai đoạn quá độ khi thị trường vốn chưa đảm nhận được sứ mạng của mình, thì Chính phủ là cầu cầu nối để giúp doanh nghiệp. Khi họ hoạt động có hiệu quả, thì việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn sẽ thành công hơn.

Ngô Hải (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.