Theo thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (trả lời chất vấn Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - Huỳnh Thành Lập bằng văn bản), tính đến hết tháng 10/2015, tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đạt hơn 21.500 tỷ đồng (72%), trong khi số giải ngân thực tế đạt xấp xỉ 13.500 tỷ đồng (45%). Trong số này, gần 10.100 tỷ đồng được chuyển cho bên mua là các cá nhân, hộ gia đình. Số còn lại được dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội vay. Mặc dù Bộ Xây dựng có thừa nhận tiến độ giải ngân vẫn “chưa đạt như mong muốn”, song cơ quan này kỳ vọng với các cam kết cho vay đã ký thì đến cuối quý I/2016, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay đạt mốc 30.000 tỷ đồng.
Kết quả báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng là khá bất ngờ vì chỉ mới đây, số liệu theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đến hết tháng 7/2015, tổng số tiền các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là 17.045 tỷ đồng và đã giải ngân 10.141 tỷ đồng.
Thậm chí hồi đầu tháng 10/2015, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) còn đề xuất gia hạn thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi này đến hết ngày 31/5/2018. Một thực tế là trong hơn 2 năm triển khai thực hiện, liên tục nhiều ý kiến phản ánh tiến độ giải ngân của gói tín dụng này diễn ra khá chậm chạp và việc hoàn thành theo đúng kế hoạch là khó khả thi. Trong khi đó những người có nhu cầu nhà ở thực sự lại không thể tiếp cận được nguồn vốn này để mua nhà. Một trong những khó khăn mà những người đã từng phải bỏ cuộc giữa chừng khi vay gói 30.000 tỷ đồng là chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ với ngân hàng. Tức là điều kiện để một người thu nhập thấp-đối tượng chính của gói tín dụng này đáp ứng thủ tục vay vốn là không dễ dàng.
Gói cho vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được khởi động từ tháng 6/2013 với lãi suất ban đầu 6%/năm nhằm hỗ trợ cho người có thu nhập thấp mua nhà, đồng thời giải quyết khó khăn của thị trường bất đồng sản. Đến đầu năm 2014, lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng giảm xuống 5%/năm. Theo quy định tại điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN thì thời hạn giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc vào ngày 31/5/2016. Có nghĩa là chỉ còn đúng 6 tháng nữa, gói tín dụng phải hoàn thành giải ngân trên thực tế hơn 16.000 tỷ đồng còn lại.
So với kết quả thực hiện của hơn 2 năm qua và chặng đường nước rút trong nửa năm còn lại là một thách thức không nhỏ cho Bộ Xây dựng. Mặc dù người đứng đầu cơ quan này cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường tiến độ giải ngân, công khai minh bạch để tạo niềm tin với khách hàng, nhưng nếu nhìn vào kết quả hiện nay xem ra việc chắc chắn gói tín dụng sẽ về đích là một sự miễn cưỡng.
Do đó, nhiều ý kiến đặt ra có nên “đóng” gói tín dụng này lại nếu thời gian giải ngân đã hết. Không phủ nhận nhiều trường hợp đã sở hữu được nhà nhờ gói tín dụng ưu đãi này nhưng trên thực tế, mục tiêu hướng đến người có thu nhập trung bình, thấp để mua được nhà từ vốn hỗ trợ này thực sự không nhiều. Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản còn đưa ra đề xuất có nên mở ra một gói hỗ trợ mới với lãi suất 6-7%/năm với giá bán từ 14 triệu đồng/m2 trở xuống để hỗ trợ phân khúc khách hàng này.
Mới đây, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng ngày 3/11, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết thêm, hỗ trợ cho người dân để vay mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài. Vì thế, khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục có chương trình dài hạn cho người dân vay với lãi suất thấp để cải thiện nhu cầu về nhà ở.
Trước ý kiến đó có không ít người băn khoăn. Hiện gói 30.000 tỷ mới chỉ giải ngân khoảng hơn 1 nửa trong khi chỉ còn 6 tháng nữa là khép lại. Rõ ràng rất khó để chi tiêu hết gói tiền này đúng thời hạn. Hiện có nhiều ý kiến đề xuất gia hạn thêm thời gian giải ngân của gói 30.000 tỷ. Như vậy, thì việc Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng “sẽ có chương trình dài hạn” là chương trình gì?