Chiếc khẩu trang dưới góc nhìn kinh tế
Có lẽ tôi đã may mắn hơn anh bạn của tôi, người đã chạy tới cả chục hiệu thuốc mà vẫn không thể mua được hộp khẩu trang nào, dù anh sẵn sàng trả giá cao hơn hàng chục lần so với giá bán trước đây.
Những câu chuyện xung quanh dịch bệnh này đang nóng lên mỗi ngày. Trong đó, câu chuyện về giá khẩu trang, chính sách “kiểm soát giá” của Nhà nước và hệ quả của nó có nhiều quan điểm khác nhau. Các ý kiến khác nhau do mỗi người đang tiếp cận ở mỗi khía cạnh, sự trải nghiệm và tri thức họ tiếp cận cũng khác nhau.
Tôi viết bài này để bày tỏ quan điểm của mình xung quanh chính sách về giá khẩu trang của Nhà nước thời gian qua. Tôi tin đây là điều cần thiết để bạn đọc có thêm góc nhìn khác về các vấn đề kinh tế, chính sách và kinh doanh. Các quan điểm có tinh thần xây dựng đó sẽ góp phần cho xã hội ngày càng tiến bộ.
Đầu cơ trục lợi và bàn tay thị trường
Bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (2019-nCoV) ở Vũ Hán đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. Tính đến ngày 11/2 đã có hơn 1.000 người chết và hơn 40.000 người nhiễm bệnh ở hơn 30 quốc gia khác nhau. Hàng chục thành phố và hàng trăm triệu người ở Trung Quốc đã buộc phải cách ly để ngăn chặn đại dịch bùng phát.
Tại Việt Nam, trong những ngày này, cả nước đang gồng mình chống lại cơn đại dịch. Một sự kiện chưa từng có là gần như toàn bộ học sinh, sinh viên trong nước phải nghỉ học để phòng chống dịch; các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch bị ngưng trệ. Những ảnh hưởng của đại dịch này đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn và hiện chưa thể đong đếm được.
Một vấn đề rất đáng được chú ý là khẩu trang, nước rửa tay - một mặt hàng thiết yếu để chống dịch - trở nên khan hiếm và giá bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần so với trước đây. Trước sự kiện “vỡ trận” thị trường khẩu trang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu rút ngay giấy phép nếu hiệu thuốc tăng giá khẩu trang.
Theo báo Thanh Niên thì ngay sau chỉ đạo này, tính ngày 1/2 đã có tới 85 cửa hàng bị phạt vì “thổi giá” khẩu trang và có nhà thuốc bị phạt 20 triệu đồng vì găm giữ khẩu trang. Trên các trang mạng, hình ảnh về biển báo “không bán khẩu trang, đừng hỏi” xuất hiện ở nhiều nhà thuốc. Bên cạnh đó, hình ảnh hàng người xếp hàng mua khẩu trang “đúng giá” cũng xuất hiện khắp nơi.
Hiện tượng đó khiến tôi không thể không băn khoăn, tự hỏi việc “trừng phạt” người bán khẩu trang như vậy liệu có cần thiết hay không và nó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường này? Với năng lực sản xuất cả nước chỉ khoảng 2 triệu khẩu trang/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng có thể đang cao hơn rất nhiều và nhu cầu tiêu thụ khẩu trang ở Trung Quốc cũng đang rất lớn, việc cung không đủ cầu dẫn đến giá cả tăng là điều tất yếu.
Tuy nhiên, việc một hộp khẩu trang y tế tăng 10 lần, từ 30.000-40.000 đồng/hộp lên mức 200.000-400.000 đồng/hộp, là hiện tượng bất thường. Vì lý do này, nhiều người đã cho rằng có hiện tượng đầu cơ trục lợi của những “con buôn” trong nỗi lo sợ bệnh dịch của người dân. Trên mạng xã hội xuất hiện một làn sóng phản ứng dữ dội việc giá khẩu trang tăng vọt.
Về vấn đề này, tôi cho rằng giá khẩu trang tăng không chỉ do “găm hàng, đầu cơ” mà còn do chi phí đầu vào tăng. Rõ ràng với nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế lớn thì chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng (tăng ca hoặc đầu tư mới). Việc nhu cầu cao giá tăng là một quy luật hết sức bình thường trong nền kinh tế. Ngay cả đối với thị trường bất động sản thời gian qua, giá nhà đất nhiều nơi cũng tăng vọt lên nhiều lần trong thời gian ngắn. Trên thị trường, nhiều mặt hàng cũng đang được bán với giá cao gấp hàng chục lần giá thành sản xuất ra nó.
Dưới góc độ kinh tế, tôi cho rằng việc giá khẩu trang tăng khi cầu tăng thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội sẽ tăng, bởi chính mức giá sẽ điều chỉnh hành vi người mua sao cho lợi ích kinh tế xã hội đạt mức cao nhất. Giả sử mức giá giữ nguyên ở mức thấp như trước thì nhiều người sẽ cảm thấy nó quá rẻ và họ sẽ mua nhiều hơn. Điều này làm cho hàng hóa nhanh chóng hết và những người đến sau sẽ không mua được dù họ sẵn sàng mua với mức giá cao.
Hàng dài người xếp hàng để được mua khẩu trang không “đúng giá”
Nhà nước can thiệp vào thị trường
"Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán khẩu trang, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó, đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức". Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp trực tuyến sáng ngày 1-2 với các địa phương về phòng chống dịch cúm. Phát biểu của Phó thủ tướng đã làm “nức lòng” không ít người.
Những người ủng hộ phát biểu của Phó Thủ tướng cho rằng cần phải trừng phạt những người kinh doanh tăng giá khẩu trang để trục lợi trên sự sợ hãi của người dân. Việc tăng giá khẩu trang có thể làm cho nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do không thể mua được khẩu trang. Bên cạnh đó, họ cũng lấy ví dụ việc chính phủ Hàn Quốc cảnh báo bất kỳ thương nhân nào đầu cơ khẩu trang và các sản phẩm đề phòng dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm.
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu về kinh tế, tôi cho rằng việc kiểm soát giá cho đến nay chưa mang lại hiệu quả và mục tiêu giữ giá khẩu trang dường như đã không đạt được.
Thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng thuốc đã treo biển không bán khẩu trang. Không chỉ ở Hà Nội, nhiều cửa hàng ở những nơi khác cũng dừng bán khẩu trang do sợ bị phạt. Rất nhiều người sẵn sàng mua khẩu trang với giá gấp 3-5 lần trước đây mà vẫn không có hàng. Hiện tượng nhiều người dân phải xếp hàng nhiều giờ để mua khẩu trang “đúng giá” xuất hiện khắp nơi. Đây chính là những chi phí “ẩn chìm” mà xã hội đang phải gánh chịu do thiếu hụt khẩu trang gây ra.
Một vấn đề khác cũng cần xem xét là cơ sở pháp lý cho việc “trừng phạt” này. Điều 196, Bộ Luật hình sự 2015 quy định “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Với quy định này thì đầu cơ có thể bị trừng phạt nhưng hàng hóa đó phải thuộc danh mục hàng hóa nhà nước bình ổn giá. Song, để trừng phạt người “đầu cơ” thì cần phải trải qua một quá trình “điều tra, luận tội”. Biện pháp trừng phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự cũng không phải là “rút giấy phép”.
Giải thích: Khi có chính sách giá trần cao hơn mức giá cân bằng của thị trường dẫn đến dư cầu và xuất hiện hiện tượng mất mát vô ích cho xã hội. Trên đồ thị thể hiện bằng diện tích hình B và C (DWL = B+C).
Kinh tế học hiện đại cho rằng, Nhà nước nên can thiệp vào thị trường khi có thất bại của thị trường để nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn. Thất bại thị trường (Market Failure) xảy ra khi những điều kiện cho thị trường vận hành hiệu quả không được thỏa mãn. Các điều kiện đó là thị trường xuất hiện tình trạng độc quyền, phát sinh ngoại tác tiêu cực, việc phân bổ hàng hóa/dịch vụ công cộng, xuất hiện hiện tượng bất cân xứng thông tin.
Đối chiếu với khung lý thuyết đó, tôi cho rằng thị trường khẩu trang thời gian qua chưa hẳn là một thất bại thị trường điển hình. Về bản chất, thị trường khẩu trang là một thị trường cạnh tranh, hiện tượng tăng giá đột biến chỉ xảy ra ở một số nơi. Như vậy, cơ sở kinh tế để Nhà nước can thiệp mạnh tay vào thị trường khẩu trang là khá yếu.
Trở lại với câu chuyển can thiệp Chính phủ Việt Nam vào thị trường khẩu trang thời gian qua tôi cho rằng lệnh trừng phạt người “tăng giá bán khẩu trang” vẫn còn khá mơ hồ. Theo tôi, giải pháp hợp lý của Chính phủ lúc này là cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hoặc trực tiếp sử dụng các nguồn lực của mình để tăng cung khẩu trang, đồng thời cũng nên “trấn an” đại lý bằng cách xóa bỏ cơ chế trừng phạt hiện nay.