Giàu nghèo và đầu cơ đất đai trong quá trình đô thị hóa
Bức tranh đó đã từng là niềm mơ ước mà tôi mong muốn quê hương mình hướng tới. Và khi tôi quay về, điều đó lại đang dần hiện ra ở nước ta. Những con đường cao tốc hình thành đã kéo theo nguồn vốn đầu tư chảy về các vùng quê như một làn gió mát thổi vào khu vực nông thôn vốn đang nghèo khó. Và từ đây quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ với rất nhiều những đổi mới tích cực nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít những điều bất cập.
Đô thị hóa nông thôn là thuật ngữ mọi người thường dùng để mô tả việc một vùng nông thôn phát triển vượt trội, nhất là về cơ sở hạ tầng và vật chất. Từ khi cao tốc Trung Lương hoàn thành và đưa vào hoạt động, người ta bắt đầu chứng kiến sự đi lên của các tỉnh tiếp giáp con đường này như Long An, Tiền Giang, Bến Tre… Có lẽ giao thông chính là chiếc chìa khóa giúp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn khiến cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh mạnh dạn đổ về những khu vực ngoài đô thị trung tâm, và từ đó, việc hình thành nên các thành phố vệ tinh ngày càng rõ nét.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy biểu hiện của phát triển đầu tiên có thể nhận ra đó là chất lượng của những trục đường chính, các tuyến đường nội bộ liên kết bắt đầu được địa phương chú trọng đầu tư. Sự hình thành các khu công nghiệp đi kèm với làn sóng các doanh nghiệp đổ về đặt trụ sở tại đây. Cùng với quá trình đó nhiều khu vực đất nông nghiệp được chuyển sang đất sản xuất kinh doanh, theo đó giá trị bất động sản ở nông thôn bắt đầu bùng nổ.
Việc giá bất động sản tăng cũng là điều dễ hiểu khi cơ hội được tạo cho người dân ở vùng này nhiều hơn, thu nhập gia tăng. Biểu hiện để người ta nhận ra quá trình đô thị hóa nông thôn đó là các ngôi nhà khang trang hay những tòa nhà cao tầng, những thương hiệu lớn kinh doanh các sản phẩm xoay quanh đời sống sinh hoạt của người dân xuất hiện ở địa phương.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề mặt của quá trình đô thị hóa thông qua những biểu hiện bên ngoài như mô tả bên trên thì chúng ta sẽ không thấy những góc khuất phía sau đó. Một trong những mặt trái đó là việc giá bất động sản nhiều nơi đang bị đẩy lên cao hơn giá trị thật rất nhiều lần bởi sự đầu cơ ồ ạt. Cách đây không lâu, khi đi thực địa ở một số địa phương, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về việc các nhà đầu tư buộc phải lắc đầu từ chối hoặc dự án tiềm năng lại phải nằm trên giấy hoặc bị trì hoãn. Nguyên nhân, là doanh nghiệp không thể đền bù đất trong dự án bởi giá thu mua đất người dân bị đội lên quá cao làm cho dự án không còn có hiệu quả.
Như vậy, không ít trường hợp doanh nghiệp cũng là “nạn nhân”. Thật vậy, trong những chuyến công tác về địa phương tôi không ít lần nghe kể về việc có doanh nghiệp đã mua một lô đất nằm ở vị trí quan trọng khi biết thông tin sẽ có dự án thực hiện ở đó nhằm mục đích đầu cơ buộc nhà đầu tư phải mua với mức giá rất cao. Những hành vi vì lợi ích cá nhân như vậy vô tình lại cản trở sự phát triển chung của cả khu vực.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác chung ta thường thấy trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội thông tin về việc người dân bị mất đất, bị đền bù thỏa đáng và các vụ kiện tụng về đất đai ngày càng nhiều. Ngay cả khi được đền bù thỏa đáng thì không ít người dân bị thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực bởi việc mất đất trong quá trình đô thị hóa.
Thực vậy, là người sống gần mười năm ở khu vực đang phát triển nhờ vào hiệu ứng của đường cao tốc Trung Lương, tôi nhận thấy khi nông thôn đang trên đà phát triển thì những bàn tròn trò chuyện của người nông dân từ các đề tài về trồng trọt và chăn nuôi lại đang có khuynh hướng chuyển sang thảo luận về giá đất lên cao như thế nào, ai đã bán được đất và có bao nhiêu tiền. Người nông dân làm việc ngoài đồng vất vả thu nhập thuận lợi lắm cũng chỉ tầm 40 – 50 triệu đồng một năm, bỗng nhiên có trong tay vài tỉ từ việc bán đất thì đó là một gia tài lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn sau đó là họ sẽ làm gì với số tiền lớn như vậy?
Nông dân khi đã rời bỏ ruộng đồng nhất thời chưa thể chuyển đổi sang công việc nào khác, đặc biệt, với những lao động ở độ tuổi càng cao thì việc chuyển đổi công việc lại càng khó. Nếu chỉ tiêu xài số tiền bán đất mà không tham gia lao động ở các công việc khác thì sau một thời gian nhóm người này có thể tái nghèo và sẽ là gánh nặng cho xã hội.
Tôi lại nhớ một câu nói trong quyển hồi kí của một người Thầy mà tôi thấy rất tâm đắc “Nghèo là sự đồng bộ của nhiều cái thiếu trong đó thiếu thốn về của cải vật chất là nằm ở trên nhất. Nó thường che lấp các cái thiếu khác. Một khi đột nhiên có một khoảng tiền lớp ập đến thì hệ quả của cái thiếu khác nổi lên ngay (kể cả thói hư tật xấu cũng hiện hình). Khoản tiền hay vật chất có được sẽ bị cái thiếu khác làm tiêu tan và cái nghèo sẽ trở lại nhanh chóng và rõ hơn trước.” Cái thiếu ở đây có thể hiểu là thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiêp và cơ hội công việc nên không biết sử dụng số tiền có được ra sao cho hiệu quả. Không chỉ có vậy, khi có nhiều tiền trong tay họ tiêu xài phung phí nên đã “hoàn nghèo”. Thực tế, tôi đã chứng kiến câu chuyện nói này lại đúng trong rất nhiều địa phương mà chúng tôi khảo sát.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể thông xe trong năm 2020 sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho một số tỉnh ở vùng ĐBSCL. Trong tương lai sẽ còn những tuyến đường cao tốc khác giúp một số khu vực nông thôn có thể đón nhận nguồn vốn đầu tư. Cơ hội thì đã rõ nhưng chắc chắn cũng sẽ có không ít thách thức với người dân lẫn chính quyền. Do đó, điều mà các chính quyền địa phương nói riêng và Chính phủ nói chung phải hết sức quan tâm lúc này là phải có biện pháp để hạn chế rủi ro bất cập trong quá trình đô thị hóa. Trong đó, quy hoạch, chính sách đất đai, đào tạo nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp phải được xem là những yếu tố hàng đầu.