14/08/2023 4:22 PM
Chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần học cách để làm tín dụng không có thế chấp, tức là cho vay tín chấp. Ngân hàng phải nghiên cứu các đề nghị vay vốn của doanh nghiệp, xem xét doanh nghiệp dùng tiền để làm gì, tạo doanh thu, lợi nhuận ra sao để trả lại cho ngân hàng…

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, người từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Quốc tế AIU (tiền thân của AIG), thanh tra giám sát của AIG tại Chicago (Mỹ), cố vấn thường trú của AIG tại Hà Nội, cố vấn cao cấp của Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIA Vietnam. Ông cũng được biết đến là người Việt Nam đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Hoa Kỳ và cũng là nhà kinh doanh địa ốc thành công ở Pháp.

Ông đã đưa ra nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng chính sách đổi mới, chính sách xây dựng các tập đoàn kinh doanh lớn cần thiết cho phát triển đầu tư và hội nhập quốc tế

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành.

Thưa ông, thị trường tài chính ngân hàng đang diễn ra một nghịch lý: ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được, nợ xấu tăng nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp khát vốn lại rất khó tiếp cận tín dụng. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này?

Ông Bùi Kiến Thành: Tại sao ngân hàng thừa tiền lại không cho vay được? Vấn đề này đến từ văn hoá cho vay của ngân hàng. Trước khi mở đầu câu chuyện, ngân hàng thường hỏi “Anh có gì để thế chấp?”. Ngân hàng chưa cần biết doanh nghiệp đi vay tiền để kinh doanh gì, dự án kinh doanh ra sao, câu hỏi “đầu môi chót lưỡi” là tài sản thế chấp. Nếu không có gì thế chấp thì người vay phải ra về hay sao?

Đây là cả vấn đề về văn hoá cho vay của ngân hàng, theo tôi cần phải xem lại. Người vay đến ngân hàng vay tiền, trước hết ngân hàng cần hỏi người ta vay với mục đích gì, để xây dựng nhà máy mới hay mua nguyên liệu, mở rộng nhà máy đang có hay tài trợ xuất khẩu? Trước hết, ngân hàng cần lắng nghe người vay cần vay vốn để làm gì, cần nghe người vay trình bày trước đã, chứ không phải hỏi người ta có tài sản gì để thế chấp.

Vì vậy, tình hình tín dụng hiện nay của Việt Nam “nghẹt” ở chỗ ngân hàng luôn yêu cầu người vay có tài sản thế chấp mà không quan tâm người ta vay để làm gì.

Nhiều trường hợp ngân hàng chỉ nhìn vào tài sản thế chấp mà không quan tâm đến việc người đi vay vay để làm gì cho đến khi người vay làm ăn thua lỗ, phá sản thì tiến thành giải chấp, lấy tài sản đi bán. Đó là đâu phải là dịch vụ của ngân hàng, đó là dịch vụ của tiệm cầm đồ.

Như vậy ngân hàng biến thành tiệm cầm đồ lớn, chuỗi ngân hàng biến thành chuỗi tiệm cầm đồ. Như vậy là không phù hợp.

Ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được là do phương pháp, văn hoá cho vay của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng phải đi học làm ngân hàng, chứ không phải làm tiệm cầm đồ.

Tại sao nợ xấu tăng nhanh? Nợ xấu tăng nhanh là do ngân hàng cho vay các dự án bất khả thi, hoặc không nhìn dự án người ta làm gì mà chỉ hỏi người ta có tài sản thế chấp hay không thì mới cho vay. Đến khi người đi vay không làm ăn được, không trả nợ được thì biến thành nợ xấu. Do đó có phần trách nhiệm của ngân hàng khi cho vay mà không nghiên cứu kỹ vấn đề cho vay làm gì, khi doanh nghiệp không đạt được kết quả thì biến thành nợ xấu.

Ngoài ra, nợ xấu còn đến từ việc ngân hàng cho vay bạn bè, doanh nghiệp sân sau. Một ngân hàng cho các cổ đông lớn là các doanh nghiệp, chủ sở hữu cổ phần lớn vay; cho vay nhưng không nghiên cứu kỹ dự án cho vay mà chỉ dựa trên mối quan hệ quen biết, cho nên nợ xấu cũng do đó mà ra.

Những doanh nghiệp có những dự án phát triển tốt, kinh doanh tốt, thị trường tốt… thì lại không được nghe giải trình mục đích vay nên người ta không tiếp cận được vốn vì ngân hàng chưa sẵn sàng nghe người vay tiền muốn vay để làm gì. Doanh nghiệp thế chấp hết tài sản rồi nên không được vay được nữa.

Có nguyên nhân nào xuất phát từ phía doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Vấn đề cũng nằm ở chỗ là ngân hàng không có nhiều thông tin để cho vay do kế toán doanh nghiệp chưa rõ ràng. Có nhiều doanh nghiệp có 2-3 kế toán khác nhau, kế toán chính thức để nộp cho cơ quan thuế khác, kế toán sổ sách bỏ tủ đóng lại là chuyện riêng của người chủ doanh nghiệp. Kế toán không trung thực để ngân hàng có thể hiểu được sức khoẻ của doanh nghiệp, đánh giá doanh nghiệp và cho vay.

Không chỉ kế toán doanh nghiệp, vấn đề kiểm toán cũng chưa thực sự nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp không có kiểm toán, có doanh nghiệp có kiểm toán rất sơ sài. Công tác kiểm toán chưa thực sự phát triển nghiêm túc để ngân hàng có thể nhìn thấy sức khoẻ của doanh nghiệp.

Theo ông, nguyên nhân còn xuất phát từ đâu nữa?

Ông Bùi Kiến Thành: Ngoài ra, hiện nguồn tín dụng vẫn chủ yếu vẫn là tín dụng của ngân hàng thương mại là chính. Nhưng tín dụng của ngân hàng là ngắn hạn. Ở Việt Nam chưa có thị trường tài chính cho nguồn vốn trung hạn và dài hạn, do đó doanh nghiệp khó có thể vay được.

Ngân hàng thương mại không có vốn dài hạn để cho vay đầu tư. Ở các nước khác có những nguồn vốn dài hạn là nguồn vốn của công ty bảo hiểm người ta tích luỹ vốn trong 50-70 năm khi có sự cố họ mới trả ra, hay nguồn vốn từ các quỹ hưu trí, nộp tiền vào 30-40 năm sau mới trả ra. Những nguồn vốn dài hạn này ở Việt Nam hiện chưa thực sự phát triển.

Ở Việt Nam, quỹ hưu trí dùng vào ngân sách thay vì là nguồn vốn cho vay trung hạn, dài hạn cho vay doanh nghiệp.

Nguồn vốn của ngân hàng thương mại chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn còn nếu đầu tư trung hạn, dài hạn, chúng ta chưa thực sự có một thị trường phát triển.

Hiện chúng ta có thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành 5-10 năm để có nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Nhưng thị trường trái phiếu lại có một vấn đề là chưa dùng đúng mục đích phát hành và chính những nhà phát hành trái phiếu chưa biết trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Hiện có hai loại trái phiếu phát hành ra thị trường, một là trái phiếu phát hành ra công chúng, hai là trái phiếu doanh nghiệp. Dù vậy, do có sự lẫn lộn giữa hai loại trái phiếu này nên trong những năm vừa qua có hàng trăm nghìn tỷ đồng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị “kẹt”, tạo ra khủng hoảng trên thị trường.

Ở trên thế giới, mỗi lần có phát hành trái phiếu dù là trái phiếu phát hành ra công chúng hay trái phiếu doanh nghiệp đều có sự bảo lãnh của bên đứng ra phát hành. Tức là những ngân hàng đứng ra phát hành bảo lãnh làm sao bán hết số trái phiếu đứng ra phát hành, bảo lãnh rủi ro trong việc thu hồi vốn. Chính phủ không đứng ra bảo lãnh.

Thị trường trái phiếu đứng trước khủng hoảng mà những người đứng ra phát hành là những ngân hàng lại không có trách nhiệm? Tại sao ngân hàng đứng ra bán trái phiếu, lấy tiền hoa hồng, bây giờ lại nói không có trách nhiệm?

Trái phiếu phát hành ra công chúng khác trái phiếu doanh nghiệp như thế nào? Trái phiếu phát hành ra công chúng là trái phiếu ai mua cũng được, ai cũng có quyền mua. Còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua và những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp không được phép bán cho những người không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Vì vậy, các ngân hàng như SCB hay các ngân hàng khác bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là vi phạm pháp luật. Do đó, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp cần được làm rõ hơn nữa.

Vậy để tiến hành cho vay tín chấp, đưa dòng vốn tín dụng tới đúng người cần. Ông có gợi ý gì không?

Ông Bùi Kiến Thành: Khi nghiên cứu một hồ sơ vay vốn, ngân hàng cần hỏi doanh nghiệp vay vốn để làm gì. Ngân hàng ngồi lắng nghe và hỏi lại doanh nghiệp làm như vậy thì khả năng hoàn trả vốn ra sao. Vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng phải dựa vào luồng tiền của doanh nghiệp để trả nợ. Nếu ngân hàng xem xét thấy dự án mà doanh nghiệp trình bày có khả năng tạo ra doanh thu, tiền lãi, tiền lời để trả vốn thì lúc đó ngân hàng mới cho vay. Ngân hàng cũng phải có cả hệ thống để quản lý việc cho vay này.

Ví dụ, ngân hàng cho doanh nghiệp vay 5 tỷ đồng để lập nhà máy. Ngân hàng sẽ mở cho doanh nghiệp 1 tài khoản 5 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ trích từ tài khoản đó bao nhiêu để thuê đất, bao nhiêu để xây dựng nhà máy, bao nhiêu để mua nguyên liệu… Chứ không phải ngân hàng giao cho doanh nghiệp 5 tỷ rồi doanh nghiệp sử dụng tự do. Các nguồn tiền đầu tư ra, thu nhập, doanh thu, chi phí, tiền trả nợ… đều được ngân hàng quản lý chặt chẽ thông qua tài khoản đó.

Do đó, ngân hàng phải học cách để làm tín dụng không có thế chấp, tức là cho vay tín chấp. Ngân hàng phải nghiên cứu các đề nghị vay vốn của doanh nghiệp, xem xét doanh nghiệp dùng tiền để làm gì, tạo doanh thu, lợi nhuận ra sao để trả lại cho ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Hồ Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.