06/10/2014 8:25 AM
"Người dân phải được tham vấn. Làm sao cho những động thái của chính quyền không gây ra cảm giác tiêu cực với người dân như những sự việc vừa qua".

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Thị Hậu, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM xung quanh vấn đề không chỉ người dân mà người làm công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa như bà cũng không nhận được thông tin việc dỡ bỏ thương xá Tax, chặt bỏ nhiều hàng cây cổ thụ ở TP.HCM.

Nhiều hộ dân, tiểu thương ở trung tâm TP.HCM cho biết không có nhiều thông tin trước khi công trình cải tạo đường Nguyễn Huệ và làm nhà ga metro khởi công - Ảnh: H.T.V.

TS Nguyễn Thị Hậu đưa ra tờ báo Tuổi Trẻ ngày 5-10 có bức ảnh lớn ở trang 1 chụp những tiểu thương họp với Sở GTVT TP.HCM với khuôn mặt âu lo vì bị ảnh hưởng từ những dự án tại trung tâm TP.HCM (nâng cấp đường Nguyễn Huệ, nhà ga metro).

Bà nói: “Thật khó tin những hộ kinh doanh ở con đường hiện đại nhất, giữa một thành phố lớn nhất nước khi bị ảnh hưởng bởi một công trình cũng thuộc dạng lớn nhất cả nước lại ngơ ngác vì không hay biết gì trước đó. Và động thái của Sở GTVT gặp mặt họ khi dự án đã khởi công, như Tuổi Trẻ nói, đúng là đã muộn màng”.

Cách truyền thông rất cũ

* Đứng ở góc độ công dân Sài Gòn, bà cảm giác thế nào về những công trình, những hàng cây đầy ký ức bỗng đột ngột bị đốn hạ?

- Tôi ngỡ ngàng, bởi từ truyền thông đến các cơ quan chức năng đều không thông báo sớm, người dân không được biết. Không ai nghĩ rằng một cảnh quan quen thuộc hàng trăm năm như thế lại bị xóa bỏ.

Và sâu xa hơn, người dân đã không thấy rõ sự minh bạch công khai. Đây đâu chỉ chuyện ký ức mà còn là câu chuyện nồi cơm bát gạo hằng ngày. Mọi thứ ra đi sao có vẻ quá dễ dàng?

Hàng cây bị đốn hay chuyện đào đường đang diễn ra trên đường Nguyễn Huệ rõ ràng không chỉ ảnh hưởng đến giao thông hay môi trường.

Đầu tiên là chuyện làm ăn buôn bán bị đảo lộn. Hàng loạt cửa hàng, khách sạn lớn đều bị ảnh hưởng. Thứ hai là chuyện tình cảm ký ức, đó là những cảnh quan rất lâu rồi, gắn bó với nhiều thế hệ cư dân Sài Gòn.

Cây xanh cổ thụ hàng chục năm nữa cũng chưa chắc đã trồng lại được. Ông bà mình nói cỏ cây như có hồn người, một cái cây trồng lâu trong nhà còn có ý nghĩa trong mối tương quan về tình cảm, huống chi những hàng cây cổ thụ ở đô thị.

Một gốc cây ở đây không thuần túy là một cái cây để che bóng mát, mà còn là ký ức, là tình cảm của những con người sống trong môi trường đô thị hẹp về không gian. Cho nên bất cứ cái gì lâu đời trong môi trường ấy luôn hiện diện trong ký ức con người.

Do đó việc chặt một thân cây, phá một tòa nhà ở đô thị là một điều phải hết sức cân nhắc vì đụng chạm đến tầng sâu tình cảm của con người, chưa nói đến việc nó là một phần lịch sử của thành phố.

* Sự tiếc nuối, phản ứng của người dân có phải vì họ không được chuẩn bị tâm lý, không được tham vấn?

- Điều đó rất đúng, thông tin đến người dân rất chậm và không rõ ràng. Người dân chủ yếu chỉ biết đường được rào lại để thi công, nhưng không biết bên trong ấy làm gì và sắp tới công trình ấy sẽ như thế nào.

Cách truyền thông như vậy rất cũ. Ai biết thì biết, không biết thì thôi. Có cảm giác người truyền thông quan niệm người dân không quan tâm đến những vấn đề này.

Bản thân tôi khi đưa vấn đề này ra bàn luận thì cũng có người “mắng” lại rằng thông tin chặt cây kia, dỡ bỏ công trình nọ đã được đưa lên website của một số sở ngành.

Nhưng website của một sở ngành không phải là phương tiện truyền thông công cộng, mà chỉ là trang thông tin nội bộ. Tôi cũng là người hay lướt web, nhưng rõ ràng những thông tin này không thể “đập” vào mắt tôi để chuẩn bị tâm lý từ trước khi sự việc diễn ra.

Cách truyền thông đến người dân như vậy tôi thấy không ổn. Người dân vì thế cũng có quyền đặt câu hỏi về sự minh bạch.

Sự kém cỏi về truyền thông là một điều rất dở, bởi nếu tất cả công trình chỉ vì công tác truyền thông quá kém sẽ dẫn đến sự nghi ngờ của người dân.

Khi thiếu thông tin thì người dân có quyền đặt câu hỏi ngược lại là điều bình thường. Người dân phải được tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của mình.

Không khó để làm “mát” lòng dân

* Nguyên là viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, bà có biết những thông tin cụ thể như việc đốn cây cổ thụ hay dỡ bỏ thương xá Tax?

- Tôi chỉ mới nghỉ hưu từ đầu tháng 4-2014, trước thời điểm đó thì cá nhân tôi không được biết chính xác thời điểm và phương thức tiến hành những công trình như sự việc vừa diễn ra.

Có thể những người khác trong ban lãnh đạo viện phụ trách công tác khác thì có thông tin, nhưng với chức trách phụ trách nghiên cứu về văn hóa - xã hội thì tôi không biết có một đề xuất, yêu cầu, đặt hàng nào về một nghiên cứu khảo sát, tham vấn hay điều tra xã hội liên quan đến tác động của công trình lớn như vậy đến người dân.

* Có cảm giác người dân bị đưa vào sự đã rồi?

- Vâng! Tôi cũng cảm giác như vậy, người dân có ý kiến hay không thì cũng vậy. Nói chung, có thể những ý kiến nói ra bây giờ cũng được lắng nghe, nhưng tất cả đều như một đoàn tàu đã đặt vào đường ray.

Ví dụ có thể đặt câu hỏi vì sao đặt ga metro vào vị trí đã định thì cũng chỉ đặt câu hỏi thế thôi, có thể có câu trả lời nhưng tất cả có lẽ không thể thay đổi nữa.

* Theo bà, việc thông tin đầy đủ, sớm và chính xác cho người dân TP.HCM để họ có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng nhất liệu có khó không?

- Từ kinh nghiệm của nước ngoài ở những đô thị tương tự Sài Gòn cũng như đánh giá năng lực truyền thông của chúng ta thì tôi cho rằng không khó để tham vấn, làm “mát” lòng dân.

Chúng ta có nguyên một bộ máy truyền thông kia mà, báo chí, truyền hình, phát thanh... có chức trách rất lớn trong việc thông tin và nhận phản hồi về tất cả vấn đề, để phản ánh lại cho chính quyền.

Hơn nữa, các công trình này đều là công trình dân sinh, nếu như về mặt kỹ thuật người dân không có kiến thức thì việc giải thích cho người dân hiểu là không khó. Nhưng lại không ai giải thích thì làm sao người dân có thể hiểu và chia sẻ.

Tôi được biết TP.HCM đã ban hành “Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị” vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, với những gì đang làm thì khu vực cảnh quan có giá trị nhất đã nằm ngoài tầm điều chỉnh của chương trình này vì “là những việc đã được chuẩn bị bao năm nay”, chắc sẽ không “hồi tố” nữa.

Và có lẽ sẽ còn nhiều công trình quan trọng của Sài Gòn không kịp giữ lại.

Nguyễn Viễn Sự (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.