Dự cảm về kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một trong rất ít quốc gia kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 đang tàn phá toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để tạo ra những bước bứt phá phát triển mạnh mẽ trong một thập kỷ tới.
Vượt qua lời nguyền Tôi vẫn còn nhớ như in thời điểm cách đây hai năm, tôi cùng nhóm bạn làm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và bất động sản đã có một buổi thảo luận về triển vọng kinh tế Việt Nam. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến quan ngại về “lời nguyền 10 năm” có thể lặp lại đối với nền kinh tế Việt Nam. Không ít thông tin kinh tế vĩ mô vào thời điểm đó đã ủng hộ quan điểm này. Trong đó, những dấu hiệu dễ thấy nhất là thị trường bất động sản đã tăng ở mức rất cao. Giá đất khắp mọi nơi đã tăng từ 2-3 lần. Thậm chí, một số khu vực vùng ven TP.HCM đã tăng từ 5 đến 10 lần. Thông thường, đây là một tín hiệu cho thấy bong bóng tài sản tài chính đang tăng quá mức. Năm 2018, cũng chính là năm mà lạm phát có dấu hiệu tăng cao hơn so với năm trước đó và thị trường chứng khoán đã lập đỉnh rồi giảm mạnh. VN-Index đạt mức cao nhất trên 1.200 điểm vào tháng 4, sau đó giảm xuống chỉ còn 873 điểm vào cuối năm.
Vào thời điểm đó, kinh tế thế giới có nhiều biến động theo hướng tiêu cực. Giá dầu thô Brent đã giảm mạnh từ mức trên 86 USD/thùng, xuống chỉ còn dưới 50 USD/thùng. Đây cũng là thời điểm mà chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lên hồi cao trào. Mỹ đã nâng thuế 25% lên số hàng hóa trị giá hơn 300 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Rất nhiều người đã lo ngại cuộc chiến tranh thương mại có thể nhanh chóng chuyển thành cuộc chiến tranh tiền tệ tạo ra bất ổn cho kinh tế toàn cầu.
Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để tạo ra những bước bứt phá phát triển mạnh mẽ trong một thập kỷ tới.
Tuy nhiên, phân tích các số liệu thống kê và tham khảo thêm ý kiến của một số chuyên gia trong ngành, tôi cho rằng xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng ở Việt Nam và thế giới đều rất thấp. Trên thế giới, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, hệ thống ngân hàng của hầu hết quốc gia cũng đã vững mạnh hơn rất nhiều. Nền kinh tế các quốc gia trong giai đoạn này về cơ bản cũng đang hồi phục. Đặc biệt, tại Mỹ thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới và sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế đang ở mức cao.
Đối với Việt Nam, lời nguyền chu kỳ 10 năm của Việt Nam sẽ khó có cơ hội xảy ra. Dù nợ xấu được xử lý chậm nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được từng bước củng cố và an toàn. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ, giữ lạm phát và tỷ giá ổn định.
Một điểm đáng khích lệ nữa là dường như Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng mạnh. Có những dòng vốn đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam. Kinh tế Việt Nam như được tiếp thêm nguồn lực mới, tạo ra kỳ tích là GDP năm 2018 và 2019 đều tăng trên 7%, mức cao nhất trong 10 năm gần đây.
Bất ngờ vượt qua thử thách
Trong thời gian chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2020, chắc có lẽ nhiều người cũng như tôi đều bàng hoàng khi nhận tin dịch bệnh viêm phổi bởi một chủng virus cúm chưa từng biết đến lan ra khắp thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Tình trạng nghiêm trọng đến mức thành phố này và nhiều khu vực liên quan ở Trung Quốc buộc phải phong tỏa, số người nhiễm bệnh và chết không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Hầu hết các quốc gia đều đưa ra phương án phòng bị như đóng cửa biên giới, hạn chế các chuyến bay quốc tế, hạn chế nhập cảnh... Dù vậy, trong thời đại ngày nay dòng di chuyển của con người diễn ra nhanh chóng và rộng khắp toàn cầu, mật độ tiếp xúc cũng ở mức cao nên dù được cảnh báo và sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng dịch bệnh vẫn lan ra toàn cầu. Ở châu Âu, tâm điểm dịch bệnh bắt đầu từ Ý gần như làm cho châu lục này mất kiểm soát. Dịch bệnh cũng bắt đầu bùng nổ ở Mỹ, Ấn Độ, các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi. Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam nhờ chính sách kiểm soát gắt gao nên dịch bệnh chỉ lan ở mức độ nhẹ.
Khả năng về một cuộc khủng hoảng thực sự của thế giới gần như đã bị ngăn chặn.
Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên toàn bộ các nền kinh tế. Các hoạt động dịch vụ, du lịch đều bị ngưng trệ. Thậm chí một số quốc gia phải đóng cửa các nhà máy sản xuất các mặt hàng không cơ bản. Tình trạng kinh tế nghiêm trọng đến mức giá dầu thô trên thị trường đã xuống mức giá âm trong ngày 22/4/2020. Hầu hết các chỉ số chứng khoán đã giảm 20-40% chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ số S&P 500 đã giảm từ mức 3.400 điểm xuống chỉ còn 2.232 điểm trong giai đoạn từ 14/2 đến 23/3/2020. Nhiều người nghĩ đến kịch bản thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ năm 1930.
Việt Nam dù dịch bệnh được kiểm soát rất tốt, nhưng trong giai đoạn quý 1 đến quý 2/2020, không khí ảm đạm bao trùm lên mọi hoạt động của nền kinh tế. Rất nhiều cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ vì không có việc làm. Thị trường chứng khoán cũng đã có những phiên sụt giảm rất mạnh.
Để cứu vãn tình hình nguy cấp của nền kinh tế, hầu hết các quốc gia đều nới lỏng mạnh mẽ chính sách tài khóa lẫn tiền tệ. Các ngân hàng trung ương đã bơm mạnh tiền ra thị trường tài chính để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính. Chính phủ các nước cũng tăng mạnh việc cứu trợ như phát tiền cho người dân để tránh một cuộc khủng hoảng lan rộng. Điều này đã giảm phần nào tác động tích cực lên thị trường tài chính. Giá dầu thô, thị trường chứng khoán bắt đầu phục hồi làm cho xã hội quên đi phần nào những tác động tồi tệ của dịch bệnh đối với nền kinh tế thực.
Việt Nam cũng đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ cho nền kinh tế. NHNN đưa ra Thông tư 01 vào ngày 13/3/2020 nhằm muc đích tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Về chính sách tài khóa, Chính phủ cũng đã nhanh chóng đưa ra các gói trợ cấp, giảm, hoãn việc đóng thuế đã giúp cho các doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn. Những chính sách đó đã tác động tích cực đến thị trường tài chính hỗ và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Về chính sách tài khóa, tuy thận trọng nhưng các gói trợ cấp, giảm, hoãn việc đóng thuế đã giúp cho các doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn.
Năm 2020 đã qua, tôi và nhiều người có lẽ không ngờ tới kinh tế thế giới và Việt Nam có kết quả khả quan. Các chỉ số chứng khoán và giá dầu đã phục hồi về cao hơn mức trước khi diễn ra đại dịch. Hiện nay, dù dịch bệnh vẫn lây lan với tốc độ cao trên toàn cầu và nhiều nơi vẫn đang tiến hành giãn cách xã hội, nhưng ó nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Thế giới đã thành công trong việc tạo ra Vaccine Covid-19 và hiện đang được tiêm chủng rộng rãi cho người dân nên chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn. Đặc biệt, các quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn những ảnh hưởng của suy giảm kinh tế lên hệ thống tài chính. Do đó, khả năng về một cuộc khủng hoảng thực sự của thế giới gần như đã bị ngăn chặn.
Dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng 6,5% và xuất siêu lên đến 19 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Một minh chứng khác là báo cáo mới phát hành của Economist Intelligence Unit (EIU) chỉ ra rằng Việt Nam đánh bại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khác để trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trở thành một trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự lạc quan về kinh tế Việt Nam còn được thể hiện qua việc các chỉ số chứng khoán đều tăng trưởng rất mạnh sau khi chạm đáy hồi tháng 3. Hiện VN-Index đã chạm mốc cao nhất trong lịch sử và vẫn đang có chiều hướng đi lên mạnh mẽ. Giá bất động sản dù tăng mạnh trong suốt 5 năm qua nhưng năm 2020 vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nơi. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dường như đang dần phục hồi trở lại.
Những dự cảm về kinh tế Việt Nam
Tôi cho rằng thành công của Việt Nam trong thời gian qua có phần không nhỏ của các chính sách điều hành của Chính phủ. Việc chống dịch bệnh Covid-19 một cách quyết liệt đã chặn đứng được sự lây lan trong xã hội. Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với những chính sách điều hành thị trường tiền tệ của NHNN. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và chất lượng tín dụng đã giúp cho thị trường tài chính Việt Nam ổn định, hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển lành mạnh hơn.
Chính sách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cũng đã hỗ trợ rất tích cực đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự năng động của kinh tế Việt Nam trong việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng là một thành công rất đáng ghi nhận. Kết quả này đã thể hiện rất rõ khi GDP năm 2020 tăng đến 2,91%. Xuất khẩu ròng của doanh nghiệp FDI và việc chi tiêu của Chính phủ đã bù đắp cho mức sụt giảm trong tiêu dùng dân cư lên đến 0,16%.
Bên cạnh những quan điểm lạc quan đó, tôi cũng có một vài quan ngại về một kịch bản không thực sự thuận lợi đối với kinh tế toàn cầu. Quan hệ giữa các quốc gia lớn trên toàn cầu vẫn đang có nhiều dấu hiệu bất ổn. Việc hầu hết các chính phủ tăng chấp nhận thâm hụt ngân sách cao và ngân hàng trung ương bơm tiền mạnh ra nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ làm cho bong bóng tài sản và khủng hoảng trong tương lai.
Thực tế cho thấy, thời gian qua chúng ta chứng kiến thị trường chứng khoán đang lạc quan quá mức và giá cả nhiều mặt hàng đã tăng cao hơn trước khi có đại dịch. Điều này một mặt cho thấy nhiều kỳ vọng hơn vào sự phục hồi của nền kinh tế nhưng nó cũng phản ánh việc các đồng tiền có giá rẻ đang gây ra những hiệu ứng tăng giá với các mặt hàng cơ bản.
Đối với Việt Nam cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Chất lượng tăng trưởng của kinh tế giá trị gia tăng trong các hàng hóa mà doanh nghiệp FDI xuất khẩu vẫn còn thấp. Kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vai trò của các doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng là động lực chính cho nền kinh tế không có nhiều cải thiện suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, việc tái cấu trúc của doanh nghiệp nhà nước và cải thiện chất lượng thể chế đã không đạt được tiến bộ như mong đợi.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng Việt Nam đang đứng trước thời cơ chưa từng có để bứt phá. Các chiến dịch chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc tạo ra lòng tin cho xã hội. Chiến lược “số hóa” rộng rãi trong nền kinh tế và sự phát triển của Internet cùng hội nhập sâu rộng giúp cơ cấu kinh tế cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Khu vực tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và năng động hơn. Hệ thống hạ tầng của Việt Nam đang được đẩy mạnh đầu tư và tạo ra được các hiệu ứng tích cực lâu dài với nền kinh tế. Đặc biệt, việc Việt Nam đã ký kết thành công những hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn như EVFTA, RCEP và CPTPP sẽ là một động lực rất lớn cho cải cách và hội nhập của nền kinh tế.