Doanh thu, lợi nhuận đều lao dốc
Kết quả kinh doanh của 64 doanh nghiệp bất động sản niêm yết
Nguồn: Data CafeLand
Thống kê báo cáo tài chính của hơn 60 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết cho thấy doanh thu quý 1/2013 của các công ty chỉ đạt 5.069 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với quý 1/2012. Mức doanh thu này cũng chỉ bằng 18% so với doanh thu cả năm 2012. Nhìn vào một xu hướng chung ta thấy doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đang có chiều hướng giảm dần.
Cụ thể, thống kê cho thấy năm 2010, tổng doanh thu các doanh nghiệp đạt 33.374 tỷ đồng, trong năm 2011 chỉ đạt 23.860 tỷ đồng, còn năm 2012 đạt 27.444 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp lớn có doanh thu giảm mạnh như SJS, doanh thu năm 2010 đạt 1.016 tỷ đồng, giảm xuống chỉ còn 139 tỷ năm 2011 và 50 tỷ năm 2012. Công ty bất động sản Phát Đạt (PDR) đang có doanh thu ở mức khủng là 1.573 tỷ đồng năm 2010, bổng chốc giảm xuống còn quanh mức 100 tỷ đồng trong năm 2011 và 2012. Ngoài các doanh nghiệp đó thì còn một loạt đại gia khác như QCG, HQC, BCI… Bên cạnh những công ty có kết quả doanh thu eo uột đó thì một số đại gia khác lại có doanh thu vẫn được duy trì như Hoàng Anh Gia Lai.
Trên đây là một vài số liệu về doanh thu, xem xét lợi nhuận chúng ta thấy một bức tranh thê thảm hơn rất nhiều. Cụ thể thống kê kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy có đến 17 doanh nghiệp thua lỗ, chiếm gần 40% số doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp chỉ đạt 476 tỷ đồng, giảm 56,54% so với cùng kỳ năm trước. Có một số doanh nghiệp thua lỗ khá lớn như KBC lỗ 55 tỷ đồng, NLG lỗ 10 tỷ đồng. Ngược lại cũng có một số đạt được lợi nhuận cao như HAG đạt 123 tỷ đồng.
Như vậy, một vài thống kê đó cho thấy bức tranh kết quả kinh doanh doanh nghiệp bất động sản đang có chiều hướng ngày càng xấu dần. Đặc biệt trong quý 1/2013, tổng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Phần lớn lợi nhuận doanh nghiệp chỉ ở mức tượng trưng.
Triển vọng mù mịt
Trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm vực dậy thị trường. Gói hỗ trợ mua nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội 30.000 tỷ nhằm tạo ra một cú hích nào đó đối thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 53 về thành lập VAMC mà một trong những mục đích hướng tới là tránh việc bất động sản thế chấp bị bán “rẻ như bèo”.
Trước những giải pháp này thị trường bất động sản dường như đang đón nhận một cơn gió mới. Các ngân hàng đang lên các kế hoạch để cho người mua nhà vay vốn. Các công ty bất động sản cũng đang đua nhau tung hàng để đón đầu khả năng phục hồi của thị trường. Dường như tất cả đang chuẩn bị cho một tâm thế thời điểm hiện nay là đáy của thị trường và đang tràn trề hi vọng thị trường sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, liệu “ước mơ” này có dễ biến thành sự thực hay không?
Thực tế, việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng đang gặp không ít trở ngại. Những quy định thiếu rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý khiến việc triển khai cho vay diễn ra rất chậm chạp và các ngân hàng cũng không mặn mà. Hơn nữa, dù có triển khai hết gói hỗ trợ này thì mức độ tác động đến thị trường bất động sản cũng không lớn do nó quá nhỏ so với quy mô của thị trường. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ này cũng chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở có thu nhập thấp trong khi đó hàng tồn kho hiện nay chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền và nhà có thu nhập trung bình đến cao cấp.
Nghị định về thành lập VAMC sắp có hiệu lực tuy nhiên gần như tất cả mới chỉ nằm trên giấy. Thông tư hướng dẫn về việc mua bán nợ của VAMC vẫn đang được NHNN lấy ý kiến. Trong khi đó nguồn nhân lực, tài lực cho VAMC vẫn chưa thấy đâu. Như vậy, vẫn không thể kỳ vọng gì nhiều vào các chính sách của Chính phủ sẽ nhanh chóng vực dậy thị trường trong một sớm một chiều.
Nhìn sâu vào nội lực của các doanh nghiệp đang niêm yết cho thấy với tốc độ tiêu thụ như trong vài năm qua thì dù không đầu tư gì thêm thì các doanh nghiệp bất động sản phải mất 4 năm nữa mới bán hết số hàng tồn kho hiện tại. Xét trên toàn thị trường ước tính số hàng tồn kho căn hộ đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong thời thời gian tới lên đến hàng trăm nghìn căn thì cũng phải mất 7-10 năm nữa mới tiêu thụ hết. Một rào cản khác cũng phải nhắc tới là dù giá bất động sản giảm đáng kể nhưng xem ra vẫn là quá cao so với thu nhập của những người có nhu cầu nhà thực.
Một nguy cơ đối với các doanh nghiệp bất động sản nữa là gánh nặng lãi vay sẽ ngày càng nặng thêm. Thống kê từ báo cáo tài chính Quý 1/2013 của 64 doanh nghiệp niêm yết cho thấy hàng tồn kho của doanh nghiệp là 79.416 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 70.566 tỷ đồng, tổng nợ là 128.576 tỷ đồng, trong đó nợ vay lên đến 68.765 tỷ đồng. Đặc biệt, xu hướng nợ vay ngày càng lớn bất chấp doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Với việc hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngày càng tăng chi phí lãi suất được vốn hóa sẽ làm cho giá thành bất động sản ngày vàng tăng. Như vây, doanh nghiệp sẽ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn mà không có lối thoát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thị trường bất động sản sụp đổ trong tương lai nếu không có một giải pháp phù hợp.