07/02/2020 8:55 AM
CafeLand - Chỉ sau 10 ngày bùng phát, dịch cúm viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) đã gây ra một nỗi sợ hãi trên toàn cầu. WHO đã nâng mức độ báo động lên mức tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tính đến ngày 4/2, đã có gần 24.000 người nhiễm bệnh được xác nhận và 500 người chết do dịch cúm này gây ra.

Một số quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc như Nga, Triều Tiên, Mông Cổ và các nước khu vực Trung Á như Kyrgyzstan và Tajikistan đã phải đóng cửa biên giới. Đặc biệt đặc khu hành chính Hong Kong và Đài Loan cũng tuyên bố tạm thời đóng cửa khẩu với Đại lục. Nhiều quốc gia cũng đã dừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Tại Trung Quốc đã có 17 thành phố với dân số khoảng 50 triệu người bị cô lập hoặc hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 4/2 đã có 10 người được xác nhận mắc bệnh và hàng trăm người nghi nhiễm đang phải cách ly theo dõi. Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng các bệnh viện dã chiến ở nhiều tỉnh thành có người nhiễm virus hoặc có nhiều lao động người Trung Quốc đang làm việc để phòng chống nguy cơ dịch bệnh lan truyền. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành trong nước cũng cho học sinh tạm thời nghỉ học, dừng tổ chức các lễ hội, sự kiện thể thao để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnhnh có thể lan rộng.

Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh viêm phổi cấp gây ra bởi chủng virus corona mới sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu nói chung nặng nề hơn dịch SARS nhiều lần. Giáo sư kinh tế Warwick McKibbin của Úc xác định dịch SARS khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỉ USD hồi năm 2003, và tổn thất từ dịch virus corona có thể cao gấp 3-4 lần, tức vào khoảng 150 tỉ USD. Riêng đối với Trung Quốc sẽ thiệt hại khoảng 62 tỉ USD chỉ trong quý 1 năm 2020 để ngăn chặn dịch bệnh.

Một số thông tin cho biết, gần 80% hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang bị gián đoạn bởi dịch cúm này. Kinh tế Trung Quốc năm 2020 dự báo chỉ còn tăng trưởng 2%, thấp hơn mức 6,1% của năm 2019. Với mức tăng trưởng này cùng với chính sách thuế quan của Mỹ có thể đẩy kinh tế Trung Quốc vào một giai đoạn khủng hoảng nặng nề.

Thực tế hiện nay, Vũ Hán - một trong những thành phố có nền công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc - đang bị phỏng tỏa. Các hoạt động kinh tế đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Ngành công nghiệp chế biến thép, một ngành vô cùng quan trọng ở đây phục vụ cho ngành công nghiệp xe hơi của thành phố, đang bị tê liệt. Ước tính có khoảng 500 hãng sản xuất phụ tùng xe hơi hoạt động ở thành phố này vẫn chưa thể vận hành bình thường. Các đại gia ôtô như General Motors (Mỹ), Honda (Nhật Bản) và Groupe PSA (Pháp) đều có công ty liên doanh tại Vũ Hán.

Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm Vũ Hán. Quan ngại này thể hiện rõ khi trong ba phiên giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm tổng cộng gần 10%, tương đương với vốn hóa thị trường chứng khoán mất gần 10 tỉ USD. Trên thế giới, hầu hết các chỉ số chứng khoán cũng đã giảm mạnh trước những nguy cơ lớn của dịch cúm này.

So với các dịch cúm như SARS, H1N1 và MERS trong thời gian gần đây thì dịch cúm Vũ Hán do virus corona mới có mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Tính cho tới nay, số ca lây nhiễm đã lên tới 25.000, gần bằng so với đại dịch virus Ebola năm 1976.

Mặc dù tỷ lệ người chết bởi bệnh viêm phổi thấp, nhưng nó nguy hiểm bởi thời gian ủ bệnh lâu, dễ lây lan trong cộng đồng, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, sự nguy hiểm của dịch này có thể còn do sự thiếu minh bạch về quy mô dịch bệnh thực tế so với các số liệu mà Trung Quốc công bố.

Chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế Trung Quốc, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi dịch cúm này. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong đang đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam đang có lực lượng lao động rất lớn từ Trung Quốc làm việc tại các nhà máy và các công trình xây dựng do Trung Quốc trúng thầu.

Hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị, nguyên liệu, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều bởi dòng vốn đầu tư và lượng khách du lịch từ Trung Quốc đổ mạnh vào.

Du lịch, dịch vụ sẽ “đói khách”

Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, riêng khách đến từ Trung Quốc lên đến 5,8 triệu lượt, chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế. Những tỉnh phát triển du lịch có lượng khách Trung Quốc rất lớn là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. Trong Q1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính khoảng 1,54 triệu người, riêng khách từ Trung Quốc là 644 nghìn người, tăng 72% so với cùng kỳ.

Vào ngày 28/1 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức hủy toàn bộ việc tổ chức các tour du lịch của công dân Trung Quốc đi nước ngoài. Nhiều tỉnh thành Việt Nam tuyên bố dừng đón nhận khách đến tư Trung Quốc. Do đó ít nhất trong một vài tháng sắp tới lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ không đến.

Không chỉ mất một lượng rất lớn khách du lịch đến từ Trung Quốc mà ngày cả khách du lịch trong nước và các quốc gia khác chắc chắn cũng sẽ hạn chế đi du lịch. Thông tin trên mạng cho thấy có rất nhiều khách du lịch đã hủy đi du lịch do lo ngại bệnh cúm này. Nhiều khách quốc tế đến Việt Nam cũng đã gấp rút về nước trước lịch trình.

Các chủ khách sạn ở địa phương du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết và Quảng Ninh… đều cho biết công suất phòng hiện tại đã giảm hơn 50% so với trước khi tình trạng đại dịch được công bố.

Được biết, năm 2019, doanh thu toàn bộ ngành du lịch (dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành) ước tính đạt 633,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu ngành bán lẻ trong nước. Tính theo phương pháp khác kim ngạch từ dịch vụ du lịch lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 71,1% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Ngành du lịch trực tiếp đóng góp cho nền kinh tế khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu tính cả đóng góp lan tỏa cho các ngành khác có thể lên đến 10%.

Những con số trên cho thấy một khi ngành du lịch lao dốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cụ thể nếu lượng khách du lịch giảm 50%, thì có thể tác động tớ 3-4% GDP cả nước.

Bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng lớn

Bất động sản nghỉ dưỡng trong những năm qua đã khởi sắc nhờ tăng trưởng mạnh của ngành du lịch. Đặc biệt bất động sản tại các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc… Do đó với sau khi dịch cúm diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch và sau đó sẽ ảnh hưởng đến ngành bất động sản. Các bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự ven biển chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh bất động sản nghỉ dưỡng thì bất động sản khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường bất động sản vốn khá nhạy cảm với những biến động của nền kinh tế. Dịch cúm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế và cũng sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản.

Một nguyên nhân quan trọng khác là việc thị trường bất động sản Việt Nam tăng mạnh thời gian qua do dòng vốn đầu tư lớn đến từ Trung Quốc. Theo báo cáo của CRBE và Son Kim Land thì trong vào năm vừa qua có đến hơn 70% khách hàng của họ đến từ Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư đến từ nước này đã kích thích thị trường bất động sản nhiều nơi bùng phát mạnh trong thời gian qua. Do đó chắc chắn khi kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng thì dòng tiền đầu tư bất động sản của quốc gia này vào Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Thị trường nhà đất vốn tăng trưởng quá nóng và kéo theo một lượng lớn tín dụng của nền kinh tế. Hiện nay, nguồn tín dụng này ước tính khoảng 1,5 triệu tỉ đồng, bằng khoảng 1/5 tổng tín dụng của nền kinh tế. Rất nhiều sản phẩm bất động sản xây dựng không tạo ra được giá trị cho nền kinh tế, dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu rộng diễn ra.

Những dấu hiệu rạn nứt từ các doanh nghiệp bất động sản cách đây hơn 1 năm và hiện ngày càng trầm trọng. Những tập đoàn lớn trước đây như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Tân Tạo, FLC… và một loạt doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục lún sâu vào khó khăn và không thể gượng dậy được. Những doanh nghiệp vốn hàng đầu trong ngành bất động sản như Vingroup, Novaland cũng không thoát khỏi khó khăn.

Không chỉ có bất động sản thông thường, bất động sản công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong vài năm gần đây, để “né” chính sách thuế của Mỹ và tận dụng cơ hội khi Việt Nam được ưu đãi thuế khi tham gia thêm một số hiệp định tự do thương mại, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư ở Việt Nam. Điều này đã tạo ra một cơn sốt khá lớn của bất động sản công nghiệp. Do đó, với việc Trung Quốc gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn tới phân khúc bất động sản này.

Ngành nông sản mất đầu ra và ngành khác thiếu đầu vào

Hàng nghìn tấn thanh long, dưa hấu không thể xuất khẩu và bị tắc ở biên giới cho thấy dịch cúm viêm phổi đã ngay lập tức tác động đến một trong những mặt hàng xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam. Hiện có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Trung Quốc. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do thiếu đầu ra.

Không chỉ có ngành nông nghiệp mà một loạt ngành khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 tỉ USD (2019) vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như điện thoại, thiết bị điện, điện tử, cao su, may mặc… cũng sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho công nghiệp như may mặc, hóa chất, cao su, nhựa… từ Trung Quốc.

Dịch cúm Vũ Hán sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đối với nhiều ngành quan trọng của Việt Nam. Hàng hóa sẽ trở nên khan hiếm hơn, giá cả sẽ bị đẩy lên cao. Những ngành bị ảnh hưởng lớn gồm điện tử, may mặc, dày da, nhựa… Bên cạnh đó nhiều công trình, nhà máy nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi tiến độ thi công có thể chậm lại trong thời gian tới.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.