Trong cuộc chơi mới này, các đại gia Việt đang tạo dấu ấn đáng chú ý với những kế hoạch tỷ đô.
GS. Đặng Hùng Võ, Chuyên gia cao cấp về bất động sản cho rằng, cơ hội thu hồi vốn trong đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam là khả thi.
Gần đây dường như các nhà đầu tư nội đang nhanh chân hơn với tham vọng tạo nên những thiên đường nghỉ dưỡng hàng tỷ USD. Ông có cho rằng, đây là một lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro?
Đầu tư vốn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là với những người đầu tư lớn. Tất nhiên, đầu tư bất động sản cũng không phải ngoại lệ và thực tế trong vài năm qua đã cho thấy rõ không ít ông chủ lớn đã chết vì tham vọng sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng.
Bởi lẽ, trong quá trình đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường phải có số vốn đầu tư lớn, hầu hết các chủ đầu tư đều đi vay vốn với số lượng lớn, lãi suất khá cao.
Đồng thời, loại dự án này cần một thời gian đầu tư khá dài kể cả trong việc thi công hay quá trình thu hồi vốn, do đó, rủi ro đi kèm nó cũng không ít.
Không những thế, gánh nặng thủ tục ở Việt Nam khi đầu tư dự án trước giờ cũng khiến nhiều ông chủ phải nản lòng.
Trong quá trình chờ đợi để qua cửa được hàng trăm loại thủ tục, công việc, dự án có thể bị chết yểu bất kỳ thời điểm nào vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan.
Sau thời gian dài im ắng, Trong lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro này, theo ông, các ông chủ Việt có bao nhiêu cơ hội?
Tôi cho rằng một đất nước có lợi thế du lịch lớn như Việt Nam thì bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn có tiềm năng để đầu tư đối với cả nhà đầu tư ngoại hay nội.
Bởi lẽ, đầu tư vào một khu vực có tiềm năng lớn du lịch, lượng khách đến đông sẽ khiến dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn so với các địa điểm không sôi động về du lịch.
Tôi nghĩ rằng, cơ hội thu hồi vốn trong đầu tư bất động sản du lịch ở Việt Nam là khả thi.
Do đó, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về cơ hội thành công từ làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ này của các nhà đầu tư trong nước.
Sở hữu tiềm năng sẵn có là điều kiện cần nhưng có lẽ tiềm lực tài chính mới là điều kiện đủ. Bài toán này sẽ giải thế nào, thưa ông?
Thực tế tôi thấy, hiện nay ở Việt Nam cũng có rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính để đầu tư các dự án nghỉ dưỡng kể cả với quy mô lớn.
Những gì mà các ông chủ như Tuần Châu, Vingroup hay Sungroup… đã làm là một ví dụ. Hay gần đây, một vài cái tên đình đám khác đang nổi lên như Syrena Việt Nam (thành viên của BIM Group) với quần thể Halong Marina tại Quảng Ninh ; Tập đoàn FLC với dự án hơn 5.500 tỷ tại Thanh Hóa…
Tuy nhiên, tại một số điểm nóng mà Chính phủ và các địa phương đang cần đẩy mạnh thu hút đầu tư thì chắc chắn chúng ta vẫn phải chú trọng kêu gọi vốn từ phía nước ngoài.
Bởi lẽ, thường những nhà đầu tư ngoại có tiềm năng tài chính tốt hơn, có khả năng đầu tư nhanh. Đồng thời khi đầu tư vào các dự án, họ thường tính toán rất kỹ bài toán để làm sao khi bỏ vốn tỷ lệ thành công cao.
Và đương nhiên, khi họ thành công chúng ta sẽ có thêm nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư.
Theo nhìn nhận của ông, ở Việt Nam hiện nay, đâu sẽ là điểm nóng về đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng?
Tôi cho rằng, Hạ Long và Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) hiện là những điểm nóng về đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, có sức hút lớn với các nhà đầu tư.
Gần đây, chúng ta có thể thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp đổ vốn vào các khu vực nói trên với những dự án quy mô lớn.
Một số địa điểm khác như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc,… có vị trí tốt liên quan chặt chẽ đến du lịch, văn hóa… cũng đang cho thấy sự quan tâm tương tự.
Ít nhất là trong việc đầu tư bất động sản du lịch (tức là vừa ở, vừa có thể đầu tư thương mại, cho thuê…).
Đây là những biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam về bất động sản hiện đang còn khá hấp dẫn, đặc biệt là tiềm năng về các dự án nghỉ dưỡng, du lịch.
Vậy theo ông, tại các điểm nóng như Quảng Ninh, Phú Quốc,… các địa phương cần phải làm gì để tạo ra hấp lực đủ mạnh để lôi kéo được những nhà đầu tư có vốn lớn?
Có một số điểm hết sức quan trọng theo tôi các địa phương như Quảng Ninh hay Kiên Giang cần phải chú ý đến nếu muốn đẩy mạnh đầu tư vào các khu vực nói trên.
Đặc biệt là về mặt quy hoạch! Địa phương phải biết cách tạo dựng quy hoạch, tạo nên cái tính đặc biệt (có thể hiểu là nét đặc thù) của địa phương đó.
Làm được điều này thì chúng ta sẽ không phải hối hận do đầu tư nhiều mà không hiệu quả hoặc phải buộc lại phải đổ hàng tỷ đô la vào để thay đổi chỉ vì không phù hợp quy hoạch hoặc thay quy hoạch.
Chính quyền địa phương phải rất cẩn thận vì chúng ta là người dẫn đường, nếu dẫn đường mà không tốt sẽ làm hỏng toàn bộ quá trình phát triển tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!