01/01/2013 9:11 PM
CafeLand - Chưa khi nào việc cứu bất động sản lại trở thành vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như hiện nay. Khai thông bế tắc cho thị trường bất động sản, tạo điều kiện để người dân có nhà ở được Chính phủ đặt ra như là một vấn đề cấp bách.

Nhà ở xã hội. Nguồn internet

Tuy nhiên, những giải pháp được đưa ra bàn thảo gần đây vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang tính đột phá, hiệu quả, kéo theo những luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến lo ngại vấn đề thiếu minh bạch và sự công bằng về lợi ích cho những đối tượng liên quan của chính sách giải cứu bất động sản.

Những giải pháp không rõ ràng là cơ hội tốt để một số cá nhân lạm dụng chức quyền để trục lợi, làm méo mó chủ trương, chính sách của nhà nước. Nhìn chung, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện tại chủ yếu tập trung vào 3 nhóm:

  • Xử lý hàng tồn kho: Nhà nước mua lại nhà thương mại làm nhà tái định cư.
  • Phát triển nhà ở xã hội: Phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
  • Hỗ trợ tài chính: Giảm thuế, giảm lãi suất, giảm tiền thuê đất...

Có thể hình dung 3 nhóm giải pháp này nhằm mục đích xử lý sản phẩm đã có không phù hợp với nhu cầu của thị trường và tạo ra sản phẩm mới phù hợp hơn với những hỗ trợ nâng cao tính thanh khoản. Về tổng quan, vấn đề đã được nhìn rõ nhưng cách làm thế nào để đạt được mục đích mới là điều quan trọng.

Xử lý hàng tồn kho bằng cách nhà nước mua lại làm quỹ nhà tái định cư có nhiều điểm không hợp lý. Nếu nhà nước muốn hỗ trợ người dân tái định cư thì tại sao không hỗ trợ tài chính trực tiếp để dân tự chọn dự án phù hợp ? Dự án nào sẽ được mua khi nhà thương mại ế tràn ngập thị trường ? Mỗi dự án đều có đặc thù khác nhau, vậy làm sao có thể cùng mang ra chào giá, đấu giá ? Nhiều điểm thiếu minh bạch, thiếu công bằng giữa người dân và doanh nghiệp, và giữa các doanh nghiệp với nhau chính là cơ hội cho tham nhũng phát sinh.

Việc phát triển nhà ở với giá rẻ trong tương lai gần là yếu tố bắt buộc để dự án mới có thể bán được. Khuyến khích cho chủ đầu tư làm nhà ở xã hội là điều rất dễ bị biến tướng khi áp dụng vào thực tế. Liệu doanh nghiệp nào muốn làm nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi cũng đều được tham gia, hay lại phải “xin - cho” ?

Cơ chế bao cấp lợi nhuận 10% thực tế đã chứng tỏ sự bất ổn. Chất lượng nhà sai tiêu chuẩn xây dựng, doanh nghiệp không chịu hạ giá vì đã được bao lợi nhuận. Lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp có phải 10% ? Tính đơn giản, nếu làm dự án 100 tỷ, doanh nghiệp bỏ 30 tỷ, ngân hàng cho vay 70 tỷ, lợi nhuận 10% là 10 tỷ thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 33,33% ?

Trong khi doanh nghiệp làm nhà ở thương mại bán 10 triệu/m2 vẫn báo lãi, thì Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết giá nhà ở xã hội sẽ từ 10 - 11 triệu/m2. Dư luận sẽ đặt câu hỏi những hỗ trợ của nhà nước là cho dân hay cho những doanh nghiệp được chọn kiếm thêm tiền bỏ túi ?

Chọn lựa đối tượng được mua nhà và hỗ trợ tài chính sẽ được tiến hành như thế nào để đảm bảo công bằng ? Dù công khai tiêu chuẩn mà có nhiều người đạt chuẩn hơn số lượng căn hộ được bán thì có xảy ra chuyện chạy chọt ?

Khi các nhóm giải pháp thiếu sự công bằng, minh bạch nhiều kẽ hở cho lợi ích nhóm, tham nhũng phát sinh thì liệu dân có đặt niềm tin để mua sản phẩm hay lại tiếp tục chờ hạ giá và chọn kênh trú vốn khác ? Sản phẩm không đến tay người tiêu dùng, nguồn vốn trong dân không được đưa vào thị trường thì mọi giải pháp đều bế tắc.

Một giải pháp thực sự hiệu quả phải giải quyết được những câu hỏi được đặt ra trên đây. Thiếu minh bạch sẽ rất khó cải thiện niềm tin và kéo dài sự chờ đợi của người dân. Khi đó, những cố gắng từ nhiều phía để cải thiện tính thanh khoản cho bất động sản sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc huy động nguồn lực từ người dân là yếu tố quyết định đến hiệu quả của nỗ lực vượt qua khủng hoảng. Hơn lúc nào hết, niềm tin của người dân trở nên hết sức quan trọng. Do đó, nâng cao sự minh bạch, cân bằng lợi ích giữa những đối tượng liên quan là yếu tố hàng đầu để các giải pháp thực sự mang lại hiệu quả cho toàn xã hội.

  • Nhà ở xã hội: Dành cho ai?

    Nhà ở xã hội: Dành cho ai?

    Dù chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý, nhưng thị trường gần đây dường như háo hức với các gói giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản của chính phủ. Điểm nhấn trong gói hỗ trợ này là việc người dân có thu nhập thấp và trung bình sẽ dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn nhờ được cấp các khoản tín dụng ưu đãi.

  • Sẽ có làn sóng chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội

    Sẽ có làn sóng chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội

    Sau khi Cty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội xin điều chỉnh từ nhà ở thương mại sang nhà thu nhập thấp đối với dự án khu đô thị Trung Văn mở rộng, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp...

Quốc Tuấn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.