18/10/2018 2:45 PM
CafeLand - Không còn là nguy cơ, chiến tranh thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã thực sự nổ ra khi Mỹ liên tiếp áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Danh sách đánh thuế tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch “Made in China 2025”, bao gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin và robot.

Theo Chính quyền của Tổng thống Trump, mục tiêu việc đánh thuế nhằm của đánh thuế nhằm ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, và làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Vậy ai là người thằng kẻ bại trong cuộc chiến này?

Chiến tranh thương mại ngày càng leo thang

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây ra một nỗi lo đối với kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và thị trường chứng khoán châu Á nói chung đã sụt giảm rất mạnh trong thời gian qua. Một số thông tin cho thấy có thể rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể rút khỏi Trung Quốc để “né” những đòn trừng phạt của Mỹ….

Không chỉ có vậy, cuộc chiến đang tiếp tục leo thang khi mới đây, Chính quyền của Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ mức 10% lên mức 25% vào cuối năm và có thể tiếp tục đánh thuế lên toàn bộ lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD còn lại.

Thêm vào đó, chính sách của Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở việc tăng mức thuế mà còn có thể đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật khác đối với hàng hóa của Trung Quốc. Bằng chứng mới đây nhất là Hoa Kỳ đã ký Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). USMCA có điều khoản quy định rằng nếu 1 trong 3 thành viên ký thỏa thuận thương mại tự do với một nước có nền kinh tế phi thị trường, 2 thành viên còn lại có quyền chấm dứt USMCA theo điều 32.10 với điều kiện thông báo trước 6 tháng. Hiệp định cần được sự chấp thuận của chính phủ tất cả 3 nước, kể cả Quốc hội Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm tới.

Cho đến nay, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được Mỹ, châu Âu và hầu hết các “đồng minh” khác của Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Do vậy, USMCA được cho là một “đòn hiểm” nhằm bao vây kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét xếp Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Nếu bị xếp vào danh sách này thì Trung Quốc sẽ còn chịu thêm các đòn trừng phạt khác từ Mỹ.

Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại này có thể không lớn như nhiều người lo ngại. Đối với Trung Quốc tỷ trọng xuất khẩu so với GDP chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ và đang ngày càng giảm. Cụ thể, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 18,5% GDP trong năm 2017, giảm từ mức 35% hồi năm 2007. Đồng thời, năm 2017 xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Hơn nữa các chuyên gia còn cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có thể “thích nghi” với các chính sách thuế của Mỹ. Chẳng hạn, trong một năm qua đồng Nhân dân tệ đã mất giá tới 8,5% so với đồng USD và có thể tiếp tục mất giá trong thời gian tới để làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc. Chính sách thuế cũng có thể là sức ép mạnh mẽ làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn để giảm tác động của thuế… Do đó, ở một mặt nào đó tác động của chiến tranh thương mại có thể làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.

So sánh kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Theo số liệu năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (GDP) là 19.391 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với GDP của Trung Quốc. Tính theo sức mua tương đương thì quy mô nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng kinh tế của Mỹ vẫn đang vượt xa kinh tế Trung Quốc xét về quy mô tài sản. Chẳng hạn các chuyên gia ước tính tổng giá trị tài sản của nền kinh tế Trung Quốc chỉ vào khoảng 27.000 tỷ USD, trong khi đó Hoa Kỳ gần 100.000 tỷ USD.

Xét về tốc độ tăng trưởng GDP thì kinh tế Trung Quốc cao hơn Hoa Kỳ rất nhiều. Từ một nước chậm phát triển, Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng thần kỳ suốt 40 năm qua, giúp nước này vươn lên thành nước có quy mô GDP đứng thứ 2 thế giới. Nếu GDP Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 6%, trong khi đó Hoa Kỳ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2% thì chỉ khoảng 10 năm nữa GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc gần bằng so với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, xét về cán cân thương mại, Trung Quốc thặng dư tới hơn 300 tỷ USD, trong khi Hoa Kỳ thâm hụt hơn 600 tỷ USD mỗi năm. Trong năm 2017, Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ 128 tỷ USD, nhưng nhập khẩu tới 505 tỷ USD. Như vậy, Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 375 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc cũng đã lên tới 261 tỷ USD.

Nợ công của Mỹ hiện đã lên tới 21.561 tỷ USD, bằng 105% GDP, trong khi đó các con số này Trung Quốc lần lượt là 5.825 tỷ USD và 47,6%. Như vậy, so với Trung Quốc nợ công của Mỹ đang ở mức rất cao.

Về dự trữ ngoại hối thì hiện Trung Quốc đang có lượng ngoại hối khổng lồ lên đến hơn 3.087 tỷ USD, trong đó có hơn 1.000 tỷ USD dưới dạng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, trong khi đó dự trữ ngoại hối Hoa Kỳ vỏn vẹn chỉ có 124 tỷ USD. Tuy nhiên, về dự trữ vàng thì Mỹ đang có tới hơn 8.000 tấn, trong khi Trung Quốc chỉ hơn 1.000 tấn.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.