07/08/2015 1:59 PM
CafeLand - Dư luận đang quan tâm đến việc xét xử “đại án” tại CTCP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Bạc Liêu) có “dính” đến cán bộ của 5 ngân hàng vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây không phải là vụ án hiếm hoi liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, điều này một lần nữa cho thấy những lổ hổng trong khâu thẩm định cho vay của ngân hàng đang là vấn đề đáng quan ngại.

Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng chính thức mở phiên tòa xét xử 27 đối tượng trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra trong Công ty Phương Nam và 5 ngân hàng trên địa bàn các tỉnh miền Tây vào ngày 20-7. Đáng nói, trong đó có 2 bị cáo thuộc Công ty Phương Nam và có đến 25 bị cáo là cán bộ của 5 ngân hàng. Tổng số tiền mà doanh nghiệp này vay của 8 ngân hàng thương mại chỉ trong 5 năm từ 2008-2012 đã lên đến gần 1.700 tỷ đồng, vượt nhiều lần so với tài sản thế chấp, vốn chủ sở hữu Công ty dẫn đến nợ xấu không thể thu hồi lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998, đến năm 2000 trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Cáo trạng cho thấy, từ năm 2008 đến 30-9-2012, công ty này làm ăn thua lỗ, nợ vay của các tổ chức tín dụng rất lớn. Khi vụ việc đổ bể, Chủ tịch HĐQT cùng gia đình trốn ra nước ngoài, để lại khoản nợ trên 1.700 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định, con số cụ thể mà doanh nghiệp này được các ngân hàng cho vay là gần 16.170 tỷ đồng. Trên thực tế, công ty chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ đồng, còn lại trên 10.198 tỷ được sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đảo nợ và trả lãi vay.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chứng minh cho thực trạng thẩm định và cho vay vốn ở các ngân hàng hiện nay. Vào tháng 4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Vietinbank cho thấy, hoạt động cho vay của ngân hàng có sai phạm ở hầu hết các khâu trong quá trình cho vay. Cụ thể như trong thẩm định, phê duyệt cho vay không phân tích kỹ nhu cầu sử dụng vốn với từng phương án, đối tượng kinh doanh, cấp tín dụng khi chưa đủ điều kiện về hồ sơ, tài chính. Và sai phạm trong các khâu giải ngân, khâu kiểm tra sử dụng vốn, tài sản đảm bảo, cơ cấu nợ và phân loại nợ.

Gần đây là ngân hàng Eximbank cũng đang trong quá trình bị thanh tra nên việc bầu cử lại HĐQT mới phải chờ kết quả thanh tra. Tại đại hội cổ đông cũng có ý kiến thắc mắc về các giao dịch của ngân hàng với đơn vị liên kết là Eximland. Theo cổ đông, liệu khoản lỗ của ngân hàng cuối năm 2014 có liên quan đến việc trích lập dự phòng tín dụng tại Eximland hay không. Tuy nhiên các câu trả lời vẫn không thỏa mãn cổ đông và theo HĐQT vấn đề phải chờ kết luận của thanh tra mới rõ thực hư.

Trước đó, vị Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm tài chính của Eximbank cũng đã chia sẻ, sở dĩ nợ xấu của ngân hàng tăng cao cũng có phần nguyên nhân đến từ việc tín dụng tăng trưởng nóng trong khi số lượng và chất lượng nhân sự hạn chế, không theo sát được quá trình thẩm định vốn, mục đích vay và sử dụng vốn vay.

Gần đây nhất là Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đã lên tiếng cảnh báo những rủi ro tại ngân hàng ông quản lý. Đó là những vấn đề như tín dụng chủ yếu đổ vào khách hàng truyền thống, khách hàng đã có quan hệ trong khi khách hàng mới hạn chế. Chất lượng tín dụng đã thực sự ở mức đáng lo ngại, nợ xấu và lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất từ trước tới nay. Rủi ro đạo đức không còn đơn lẻ, cá biệt mà đã được nhận diện ở một số chi nhánh, không dừng lại ở cấp cán bộ mà còn lan sang cấp lãnh đạo chi nhánh. Kỷ luật kỷ cương tại một số chi nhánh chưa nghiêm.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, kẽ hở lớn của hệ thống ngân hàng là khâu giám định dự án chưa được thực hiện tốt. Vấn đề này không chỉ riêng ngân hàng nào mà phần đông ngân hàng đều gặp phải do việc thẩm định chưa tới nơi tới chốn, dẫn đến cho vay không có khả năng thu hồi. Trong đó việc đòi tài sản thế chấp nếu có thì làm làm nhẹ đi việc thẩm định để cho vay cũng là lỗi khác của hệ thống ngân hàng.

Chắc hẳn giới tài chính sẽ không quên giai đoạn 2007-2009, tăng trưởng tín dụng của hệ thống kinh tế lên trên 30-40% mỗi năm. Luồng vốn tín dụng rất lớn đổ vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán, vàng. Hệ quả mà nhiều cơ quan đã nhìn nhận là nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đang phải ra sức xử lý trong giai đoạn hiện nay.

Một trong những nguyên nhân được thừa nhận chính là quá trình thẩm định trước cho vay của ngân hàng còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn như vụ án Công ty Phương Nam dù thua lỗ những vẫn vay được hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng. Đối với thị trường bất động sản sau một thời gian đóng băng có lẻ các ngân hàng và doanh nghiệp đã thấm thía những tác động ghê gớm của việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Tuy nhiên, dường họ đã nhanh chóng quên những bài học đó. Hiện hàng loạt dự án nghìn tỷ đang triển khai, dòng vốn từ ngân hàng đang ào ạt đổ vào bất động sản. Như vậy, điều gì sẽ diễn ra khi giá bất động sản lại tăng vượt quá khả năng chi trả thực của phần lớn người có nhu cầu nhà ở thực sự? Vòng xoáy nợ xấu, đóng băng lại có thể quay trở lại ở một thời điểm nào đó.

Hồ Phương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.