Trong đợt dịch bệnh covid 19 vừa qua, nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” giữa chủ nhà và khách thuê đã xảy ra. Gây xôn xao hơn cả là clip được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội về việc một cô gái trẻ chậm trả tiền nhà 7 ngày, bước sang ngày thứ 8 bị đuổi đi và chủ nhà không chịu trả lại 50 triệu tiền cọc.
Câu chuyện này sau đó gây ra nhiều tranh luận giữa mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê.
Luật sư Phạm Thanh Hữu – Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, dù pháp luật đã quy định khá chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thuê nhà; tuy nhiên, hiện nay nhiều người chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên dễ bị thiệt thòi (như là, chậm trả tiền nhà trong thời gian ngắn bị chủ nhà coi là vi phạm hợp đồng rồi đuổi ra khỏi nhà, người thuê mất tiền đặt cọc…).
Theo luật sư Hữu, không phải cứ chậm trả tiền thuê nhà ở là bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng với người thuê nhà ở nếu hợp đồng thuê nhà ở còn hiệu lực. Cụ thể, theo điểm b khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014, bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng thì bên cho thuê nhà ở mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở.
Do đó, trường hợp người thuê nhà chậm trả tiền thuê dưới 3 tháng thì chủ nhà không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở.
Đồng thời căn cứ vào khoản 4 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014, ngay cả trường hợp bên thuê chậm trả tiền thuê từ 3 tháng trở lên, chủ nhà muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở trước thời hạn cũng phải thông báo cho bên thuê biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định về thời gian báo trước mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Pháp luật không cho phép chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn khi người thuê nhà chậm trả tiền nhà dưới 3 tháng; do đó, để tránh trường hợp người thuê nhà có tiền mà cố tình không trả đúng hạn thì trong hợp đồng thuê nhà ở cần có điều khoản quy định rõ nếu trả tiền nhà trễ sẽ tính theo một phần lãi suất. Như vậy, sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng cho chủ nhà lẫn người thuê.
Đồng thời, Luật sư Hữu lưu ý thêm, nếu người thuê nhà gặp khó khăn dẫn đến không có tiền trả đúng hạn thì nên trình bày hoàn cảnh của mình để chủ nhà biết và có sự cảm thông. Nếu người thuê nhà có tiền thì nên trả đúng hạn để duy trì mối quan hệ tốt đẹp của hai bên; như vậy, đến khi hết hạn hợp đồng thì chủ nhà mới tái ký hợp đồng mới. Thực tế có nhiều chủ nhà tốt bụng, giữ tiền đặt cọc ít, người thuê nhà lợi dụng sự tốt bụng này nên nhiều tháng không trả tiền nhà rồi sau đó trốn đi nơi khác ở; trong trường hợp này, chủ nhà có thể kiện người thuê nhà ra Tòa án để đòi lại số tiền thuê nhà mà bên thuê chưa trả.
-
Quy định cho thuê nhà dưới 200 triệu/năm được miễn thuế TNCN, GTGT: Khi nào áp dụng?
Tôi nghe nói, vừa có chính sách mới quy định trường hợp cho thuê nhà mà dưới 200 triệu đồng/năm sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng.
-
Tác giả “Cha giàu cha nghèo” cảnh báo Airbnb có thể làm sụp đổ thị trường bất động sản
Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki lo lắng rằng sự suy thoái của thị trường cho thuê ngắn hạn, dẫn đầu bởi Airbnb, là tiền đề có thể làm sụp đổ ngành bất động sản Mỹ....
-
3 rủi ro phổ biến nhất khi cho thuê bất động sản
Dưới đây là 3 rủi ro khi cho thuê bất động sản mà mọi nhà đầu tư cần phải hiểu rõ và cách phòng tránh chúng.