27/09/2013 9:49 AM
CafeLand - Làn sóng giảm giá dự án tiếp tục sôi động trong thời gian gần đây khiến nhiều người cho rằng, quả bóng bất động sản đã bắt đầu nổ và nhà đầu tư đã lỗ thật.

Nhiều ý kiến cho rằng bong bóng bất động sản đã vỡ vì hiện nay giá nhà đã giảm sâu và nhiều doanh nghiệp đã lỗ nặng. Ảnh: Thanh Thịnh

Vốn là một lĩnh vực hứa hẹn sinh lợi khủng cho các nhà đầu tư nên bất động sản sớm trở thành kênh đầu tư thu hút. Vì vậy một lượng tiền khổng lồ đã được đổ vào đây. Khi có nhiều nhà đầu tư ồ ạt rót vốn vào bất động sản trong một thời gian ngắn khiến cho giá bất động sản bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực của nó làm hình thành bong bóng bất động sản.

Khi giá bất động sản bị đẩy vượt quá khả năng chi trả của người mua thì giao dịch không diễn ra, bong bóng bất động sản bắt đầu vỡ, nguồn tiền đóng băng trong bất động sản mà không thoát ra được.

Hệ lụy kèm theo là hàng loạt doanh nghiệp nợ nần chồng chất thậm chí dẫn đến phá sản vì không bán được hàng khi đến thời kỳ đáo hạn sẽ không có tiền để trả cho ngân hàng vì tiền nằm hết trong bất động sản. Nợ xấu của các ngân hàng cũng vì thế mà tăng cao. Hàng loạt ngành nghề liên quan đến bất động sản cũng khó khăn.

Soi vào thực tế thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, giá bất động sản trong suốt 3 năm gần đây liên tục được điều chỉnh giảm. Đặc biệt trong thời gian gần đây, việc giảm giá lại càng xôm tụ hơn với sự góp mặt của nhiều chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp. Hầu hết lý do được các chủ đầu tư đưa là “giảm giá để đẩy hàng vì áp lực hàng tồn kho quá lớn”.

Mới đây, trong buổi họp báo công bố mở bán lại dự án Tân Hương Tower (tên cũ là Chương Dương Garden), ông Văn Minh Hoàng – Phó Tổng Giám đốc công ty Chương Dương, chủ đầu tư dự án này cho biết do khó khăn về tài chính nên dự án đã ngưng thi công hơn 1 năm nay. Do vậy công ty đã hợp tác với Hưng Thịnh Land để tiếp tục rót nguồn vốn vào triển khai dự án.

Ở lần trở lại này, dự án cũng được điều chỉnh giá bán từ 15,3 triệu đồng xuống còn 13,5 triệu đồng. Theo ông Hoàng, chủ đầu tư quyết định giảm giá bán là để giải quyết hàng tồn kho. Cách đây không lâu 2 dự án cao cấp tại Tp.HCM đã được chủ đầu tư công bố giảm đến 50% giá bán cũng với lý do tương tự.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá bất động sản đã chạm đến vùng đáy, nhiều chủ dự án đã chấp nhận bán tháo để rút chân khỏi thị trường bất động sản, nhưng kể cả muốn bán lỗ thì vẫn rất khó tìm được người mua.

Trao đổi với CafeLand, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, giá nhà tại các dự án hiện nay đã giảm. Tại Tp.HCM giá nhà đã giảm đến 50%, nhưng kể cả giảm đến 50% thì vẫn không có giao dịch. Đây là bi kịch của phân khúc giá nhà trung bình và giá cao.

Một biểu hiện nữa cho thấy quả bóng bất động sản đã bắt đầu vỡ khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản làm ăn thua lỗ. Báo cáo tài chính quý 2/2013 của các ông lớn trong ngành cho thấy kết quả kinh doanh không mấy khả quan, nhiều doanh nghiệp thua lỗ từ hàng chục tỷ đồng như Kinh Bắc (53 tỷ đồng), Nam Long (26 tỷ đồng). Một số ít doanh nghiệp làm ăn có lãi, nhưng số lãi ít ỏi chỉ dừng lại ở mức tượng trưng như Sudico (24 tỷ đồng), Phát Đạt (746 triệu đồng), Thủ Đức House (900 triệu đồng).

Thậm chí, để thoát ra khỏi khó khăn nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp bán tài sản để trả nợ. Ngay cả đại gia Hoàng Anh Gia Lai cũng phải bán cùng lúc bán 6 dự án thủy điện, mang lại doanh thu gần 2.100 tỉ đồng. Hay Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC) phải tìm đối tác chuyển nhượng toàn bộ dự án trọng điểm chung cư Bàu Sen tại TP Vũng Tàu, Công ty Savimex tìm đối tác góp vốn đầu tư vào dự án khu nhà ở tại phường Phú Mỹ, quận 7,…

Phát biểu trên báo chí, ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội, thực ra quả bóng bất động sản đã nổ từ lâu còn động thái giảm giá vừa rồi của các chủ đầu tư là họ giảm giá thật, dù giảm giá dưới những hình thức khác nhau. “Trên thực tế tôi biết, có nhiều chủ đầu tư lỗ thật, thậm chí lỗ rất nặng. Những doanh nghiệp nhanh chân rút ra khi mới tham gia vào dự án thì có thể có lời, hoặc hòa vốn, còn các doanh nghiệp “ôm” dự án đến bây giờ thì lỗ nặng”, ông Trung nhận định.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 142,27 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,64% tổng dư nợ, tăng 20,15% so với cuối năm 2012. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng nợ xấu lớn nhất (chiếm 21,0% tổng nợ xấu của các ngành). Tiếp theo là ngành Thương nghiệp (chiếm 20,6%) và ngành Xây dựng (chiếm 10,3%). Đặc biệt, nợ xấu của ngành thương nghiệp và ngành kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng nhanh nhất trong 8 tháng đầu năm 2013.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.